Xung đột Nga - Ukraine và cột mốc 1.000 ngày

Cập nhật: 2 ngày trước

VOV.VN - Chiến sự Nga - Ukraine vừa đánh dấu cột mốc 1.000 ngày. Tổng thống Volodymyr Zelensky đặt mục tiêu chấm dứt xung đột với Nga vào năm 2025 thông qua các biện pháp ngoại giao, song khẳng định sẽ không để bên nào quyết định vận mệnh của đất nước.

Sau gần 3 năm giao tranh kéo theo nhiều tổn thất to lớn về người và vật chất, nhiều chuyên gia dự đoán xung đột Nga-Ukraine có thể sẽ đi tới hồi kết vào năm tới và không bên nào đạt được lợi ích đáng kể.

Mặc dù liên tục ra tín hiệu sẵn sàng đàm phán với Ukraine, Điện Kremlin vẫn khẳng định rằng bất kỳ cuộc đàm phán mới nào cũng phải tính đến tình hình hiện tại trên thực địa, nơi quân đội của Nga đang chiếm nhiều ưu thế. Tuy vậy, cho đến nay, Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu ban đầu khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Trong khi đó, nhiều người dân Ukraine cũng ngày càng mệt mỏi với chiến sự. Theo một cuộc thăm dò của công ty Mỹ Gallup, 52% người Ukraine được hỏi muốn Kiev đàm phán để chấm dứt xung đột càng sớm càng tốt.

Trên mặt trận ngoại giao, những thảo luận về khả năng đạt được một thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Nga - Ukraine đang ngày càng gia tăng sau khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ. Tuy vậy, giữa lúc vẫn còn sự không chắc chắn về viện trợ của Mỹ sau khi chính quyền mới nhậm chức, ông Zelensky lưu ý rằng, Ukraine không nên để bất kỳ ai khác quyết định tương lai của đất nước.

Đề cập cột mốc “1000 ngày” diễn ra giao tranh, Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Sergiy Kyslytsya nhấn mạnh: "Chúng tôi nhắc lại yêu cầu rằng Nga phải chấm dứt việc sử dụng vũ lực chống lại Ukraine, ngay lập tức rút toàn bộ lực lượng quân sự khỏi lãnh thổ Ukraine trong phạm vi biên giới được quốc tế công nhận.1000 ngày chiến sự là lời nhắc nhở bi thảm về sự cần thiết phải kiên quyết đảm bảo luật pháp quốc tế được thực thi, không chỉ ở Ukraine mà còn ở bất cứ nơi nào trên thế giới”.

Nghị viện châu Âu hôm qua tổ chức phiên họp bất thường nhân dịp tròn 1.000 ngày nổ ra cuộc xung đột toàn diện Nga - Ukraine. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp, trong đó ông cảm ơn EU đã dành cho Ukraine sự ủng hộ nhất quán và nhấn mạnh sức mạnh tập thể của châu Âu. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh hiện dấy lên nhiều đồn đoán về việc liệu phương Tây thời gian tới có duy trì sự ủng hộ dành cho Ukraine hay không.

Trong khi đó, phát biểu trong cuộc họp báo bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Brazil, Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng vừa thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin chấm dứt chiến dịch quân sự tại Ukraine:

“Không gì có thể ngăn cản sự ủng hộ của chúng tôi đối với Ukraine. Xung đột Nga - Ukraine đã tới mốc 1.000 ngày. Chúng tôi đã sát cánh cùng Ukraine ngay từ đầu và tôi đã nhấn mạnh lại thông điệp rõ ràng của mình rằng chúng ta cần đảm bảo rằng Ukraine có những gì cần thiết trong thời gian cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc xung đột này”.

Về phía Nga, giải thích lý do xung đột Nga - Ukraine đã kéo dài 1.000 ngày và vẫn đang tiếp diễn, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhận định, khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu là nhằm mục đích chống lại Kiev, song bây giờ là cuộc chiến giữa Nga và NATO. Ngoài ra, ông Peskov chia sẻ, chiến sự sẽ kết thúc ngay khi Nga đạt được mục tiêu của mình. Trong bối cảnh cuộc chiến đã kéo dài gần 1.000 ngày mà chưa có giải pháp hòa bình rõ ràng, những nỗ lực ngoại giao càng trở nên cấp thiết để giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy hòa bình lâu dài. Với việc Nga mở rộng học thuyết hạt nhân được cho là nhằm gia tăng khả năng răn đe trong bối cảnh căng thẳng với phương Tây leo thang, các chuyên gia đánh giá rằng đây là động thái mang tính chiến lược nhiều hơn là dấu hiệu về ý định triển khai thực tế.

Về vấn đề này, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định:

“Nga luôn có lập trường có trách nhiệm và thực hiện những nỗ lực cần thiết để giảm mối đe dọa hạt nhân và ngăn chặn sự trầm trọng thêm của quan hệ giữa các quốc gia. Răn đe hạt nhân nhằm mục đích đảm bảo rằng một đối thủ tiềm tàng hiểu được sự trả đũa là không thể tránh khỏi trong trường hợp có hành động xâm lược chống lại Liên bang Nga hoặc các đồng minh của nước này”.

Ông Peskov cũng một lần nữa lưu ý rằng các sửa đổi trong học thuyết hạt nhân của Nga đã được vạch ra trên cơ sở thực tế và sẽ được cụ thể hóa khi cần thiết.

Sau 1000 ngày xung đột, người dân Ukraine suy nghĩ như thế nào?

VOV.VN - Sau hơn 2 năm xung đột kéo dài, người dân Ukraine ngày càng mệt mỏi trong cuộc xung đột với Nga. Trong các cuộc thăm dò dư luận mới nhất của Gallup được tiến hành từ tháng 8 - 10/2024, 52% người dân Ukraine muốn đàm phán để chấm dứt xung đột sớm nhất có thể.

Từ khóa: ukraine, xung đột nga ukraine, cột mốc 1000 ngày, xung đột ở ukraine, đàm phán nga ukraine, chấm dứt xung đột, biện pháp ngoại giao

Thể loại: Thế giới

Tác giả: phương anh/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan