Xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng ra sao đến các trận đánh trên biển trong tương lai?
Cập nhật: 06/12/2022
VOV.VN - Xung đột Nga-Ukraine được cho là sẽ cung cấp manh mối về cách công nghệ tiên tiến phát huy vai trò trong một cuộc chiến trên biển, chẳng hạn như cách hệ thống phòng thủ bờ biển, công nghệ giám sát tiên tiến, phương tiện không người lái có thể kết hợp để giành quyền kiểm soát các vùng nước.
Sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022, Hạm đội Biển Đen của Nga đã thực hiện các cuộc tấn công với lợi thế áp đảo, một phần do quy mô và sức mạnh của lực lượng hải quân Ukraine đã suy giảm đáng kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga năm 2014.
Chiến lược pháo đài hàng hải
Trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột, tàu chiến Nga đã hoạt động ngoài khơi biển Ukraine, kiềm chân các lực lượng Ukraine trong một cuộc tấn công đổ bộ vào thành phố cảng Odessa và nhiều địa điểm khác ở phía Tây. Nga nhanh chóng giành được Đảo Rắn và nắm quyền kiểm soát nút giao thông đường quan trọng của Ukraine.
Tuy vậy, theo thời gian, Ukraine đã xây dựng được một hệ thống phòng thủ khá hiệu quả, dựa trên tên lửa chống hạm được sản xuất bên trong và bên ngoài Ukraine, tàu mặt nước không người lái, máy bay không người lái (UAV) cũng như khai thác các thông tin tình báo qua vệ tinh. Hệ thống phòng thủ này đã gây ra nhiều thách thức đối với Nga.
Có lẽ diễn biến đáng chú ý nhất trong các trận chiến hải quân giữa Nga – Ukraine là vụ soái hạm Moskva bị chìm tại Biển Đen. Phía Ukraine tuyên bố đã bắn trúng con tàu bằng một tên lửa chống hạm. Còn Nga cho biết con tàu bị hư hại nặng và chìm xuống biển sau khi xảy ra hoả hoạn vì kho đạn phát nổ trong lúc phục vụ chiến dịch quân sự ở Ukraine. Vụ chìm tàu cho thấy, Biển Đen là khu vực không an toàn với các tàu mặt nước khi xung đột Nga-Ukraine leo thang. Tuy vậy, không thể phủ nhận khả năng của Nga vận hành các tàu mặt nước gần Ukraine đã giúp Moscow có lợi thế quân sự to lớn.
Dù Ukraine đang đạt được một số bước tiến trên bộ, nhưng trong các trận đánh trên biển, hải quân Nga vẫn giữ được lợi thế quan trọng, đặc biệt ở Biển Đen và Biển Azov. Điều này cho phép Nga theo đuổi chiến lược phát triển pháo đài hàng hải bao quanh là tàu ngầm, hầm chứa tên lửa và thủy lôi. Pháo đài là vùng nước tương đối an toàn, được bảo vệ trước những cuộc tấn công từ bên ngoài. Nga có thể sử dụng các pháo đài như vậy để duy trì quyền kiểm soát các vùng biển và làm bàn đạp để tấn công tầm xa vào cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Ngoài ra, Nga cũng có thể sử dụng Biển Đen như một vùng đệm chiến lược để bảo vệ Crimea.
Về phần mình, Ukraine không có một lực lượng hải quân đủ lớn để áp đảo sức mạnh của hải quân Nga. Tàu khu trục Hetman Sahaidachny – một trong những trụ cột chính của Hải quân Ukraine đã bị đánh đắm vào tháng 3/2022 và hoạt động của họ chủ yếu phụ thuộc vào các hạm đội nhỏ gồm 4 đến 5 tàu tuần tra, được sử dụng làm nhiệm vụ trinh sát và bảo vệ. Điều này hạn chế khả năng của Ukraine trong việc làm suy yếu lực lượng hải quân đối phương các mục tiêu quân sự quan trọng ở Crimea.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết cung cấp cho Ukraine các tàu tuần tra, nhưng những con tàu này phần lớn được thiết kế để bảo vệ các tuyến đường thủy hơn là tham gia tác chiến trên biển. Vẫn chưa rõ khi nào Ukraine sẽ được tiếp nhận những con tàu này do Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa 2 eo biển Bosporus và Dardanelles vào tháng 2.
Trong suốt cuộc xung đột, Nga đã tận dụng lợi thế hàng hải để kiềm chân lực lượng Ukraine và gây thiệt hại cho nền kinh tế nước này. Trong những tháng đầu tiên phát động chiến dịch quân sự, các tàu chiến Nga đã phong tỏa hoạt động thương mại của Ukraine, tấn công mục tiêu đối phương bằng vũ khí chính xác tầm xa. Đối với Moscow, lực lượng hải quân có vai trò rất quan trọng trong việc làm suy yếu các nguồn lực của Ukraine.
Sự xuất hiện của phương tiện không người lái
Theo các nhà quan sát, xung đột Nga-Ukraine có thể là cuộc xung đột đầu tiên tàu không người lái được sử dụng rộng rãi. Ukraine được cho là đã sử dụng tàu mặt nước không người lái tấn công tàu chiến của Nga tại một số căn cứ hải quân. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, họ đã thu hồi và phân tích các mảnh vỡ của phương tiện không người lái được sử dụng để tấn công các tàu thuộc Hạm đội Biển Đen tại Sevastopol vào tháng 10 và phát hiện các phương tiện này được trang bị hệ thống định vị.
Dù thiệt hại vẫn chưa được công bố nhưng mối đe dọa từ các phương tiện này sẽ làm thay đổi tính toán của Nga về việc lập căn cứ trên biển. Nhiều cường quốc hải quân khác chắc chắn sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến cuộc xung đột và rút ra bài học quan trọng. Các chuyên gia quân sự cho rằng, những gì diễn ra tại Sevastopol có thể dự báo về tương lai của các trận hải chiến. Trong thời gian tới, phương tiện không người lái sẽ trở thành một phần của chiến tranh trên biển.
Xung đột trên Biển Đen năm 2022 được cho là sẽ cung cấp manh mối về cách công nghệ tiên tiến phát huy vai trò trong một cuộc chiến trên biển, chẳng hạn như cách hệ thống phòng thủ bờ biển, công nghệ giám sát tiên tiến, phương tiện không người lái có thể kết hợp để giành quyền kiểm soát các vùng nước. Cuộc xung đột này được cho là sẽ định hình tương lai hàng hải của Nga, Ukraine đồng thời tác động tới chiến lược xây dựng và phát triển lực lượng hải quân của nhiều quốc gia trên toàn thế giới./.
Từ khóa: Xung đột Nga và Ukraine, trận hải chiến, trận chiến giữa nga và ukraine trên biển đen, nga xây pháo đài hàng hải, biển đen, biển azov, máy bay không người lái, UAV, Ukraine sử dụng phương tiện không người lái tấn công nga, ukraine tấn công hạm đội biển đen, tàu không người lái, trận chiến trên biển, vụ soái hạm Moskva bị chìm tại Biển Đen, tương lai chiến tranh hải quân
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN