Xúc tiến thương mại: Phải tạo ra mạng lưới và chuỗi giá trị
Cập nhật: 27/12/2019
Phiên chứng khoán chiều qua: Thị trường tăng nhẹ, giao dịch quanh mốc 1230 điểm (26/11/2024)
Hà Nội tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh y, dược vi phạm (26/11/2024)
VOV.VN - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Cần hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu...
Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại (XTTM) đã đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy xuất khẩu và đưa kim ngạch xuất - nhập khẩu Việt Nam đạt mốc trên 500 tỷ USD trong năm 2019. Tính đến nay, hàng hóa của Việt Nam đã có mặt tại trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó nhiều thị trường có yêu cầu quy chuẩn, chất lượng cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU, Hàn Quốc...
Động lực cho DN
Theo thống kê sơ bộ từ Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), tính đến hết tháng 11 vừa qua, với 205 Đề án thuộc Chương trình XTTM năm 2019 đã hỗ trợ hơn 5.000 lượt doanh nghiệp (DN) tham gia và hưởng lợi từ các hoạt động XTTM tại Việt Nam và nước ngoài, thu hút hơn 1 triệu lượt khách thương mại đến thăm quan giao dịch tại các sự kiện và thực hiện hơn 100.000 lượt giao dịch thương mại có khả năng đi đến đặt hàng/ký kết hợp đồng, chưa tính các kết quả đạt được sau sự kiện.
Gian hàng cam Vinh tham gia Tuần lễ cam Vinh tại Hà Nội năm 2019. |
Bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hà Duy Minh - một DN hoạt động tại tỉnh Nghệ An cho biết, trong 10 năm qua, việc quảng bá, tiếp thị và xúc tiến thương mại các sản phẩm thảo dược của DN luôn được sự hỗ trợ kịp thời của UBND tỉnh Nghệ An, đặc biệt là Sở Công Thương, Sở KH&CN trong việc định vị sản phẩm và thương hiệu, giúp sản phẩm của DN có mặt tại nhiều thị trường trên thế giới, mở ra cơ hội cho DN hợp tác với nhiều đối tác khách hàng lớn.
“Về mặt thủ tục, khi DN đưa sản phẩm tham gia các chương trình xúc tiến thương mại trong nước cũng như nước ngoài đều được các ban, ngành của tỉnh quan tâm hỗ trợ. Không những được tạo thuận lợi về mặt thủ tục, giấy phép, gian hàng… DN còn được hỗ trợ về kinh phí mỗi khi tham gia các đợt triển lãm lớn trong nước và nước ngoài”, bà Hà chia sẻ.
Đánh giá cao hiệu quả của Chương trình Quốc gia về XTTM, ông Phạm Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cho rằng, từ khi được tham gia chung vào gian hàng nông sản Việt Nam có quy mô lớn hơn tại những hội chợ ở nước ngoài theo Chương trình cấp quốc gia về XTTM, thương hiệu của những DN nông sản hữu cơ Việt Nam đã được nhiều khách hàng biết đến.
“Hầu hết các DN sau khi tham gia hội chợ đều ký được hợp đồng, đặc biệt, có những DN ký kết được hợp đồng cho cả năm. Những kết quả tích cực từ hoạt động XTTM đã giúp các DN có thêm động lực để phát triển sản xuất, kinh doanh và tiếp tục nỗ lực mang sản phẩm của mình ra thế giới. Các DN đăng ký tham gia chương trình năm sau luôn nhiều hơn năm trước”, ông Đức cho hay.
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), tính lan tỏa của Chương trình XTTM cấp Quốc gia đã được khẳng định trong thời gian qua và đặc biệt rõ nét trong năm 2019. Thông qua việc triển khai trực tiếp Chương trình, năng lực của các cơ quan XTTM đã cải thiện đáng kể, tính chủ động và tính trách nhiệm đã được tăng cường.
“Chương trình XTTM cấp Quốc gia đã thực hiện đổi mới cách thức triển khai hoạt động XTTM truyền thống và phương thức triển khai hoạt động XTTM. Điều này đã giúp nhiều DN, ngành nghề và nhiều địa phương nhận thức cao hơn, rõ nét hơn về tầm quan trọng của hoạt động XTTM, từ đó việc đầu tư cho hoạt động XTTM của các ngành hàng cũng như địa phương đã được chú trọng”, ông Phú cho biết.
Xúc tiến thương mại chú trọng vào chiều sâu
Nêu quan điểm về xu hướng của thị trường thế giới và các vấn đề DN Việt Nam cần lưu ý, nhằm triển khai hiệu quả hoạt động XTTM và phát triển thị trường xuất khẩu hiện nay, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, hiện nay, Việt Nam đã mở cửa thị trường không chỉ với một quốc gia mà là kết nối quốc gia khu vực và toàn cầu. Do đó, các DN đừng nhìnXTTMchỉ là tìm kiếm thị trường.
“TrongXTTMcơ bản nhất vẫn là đối tác. Đối tác không phải chỉ để cùng nhau xuất khẩu mà phải xúc tiến xuất khẩu, tạo ra mạng lưới và chuỗi giá trị. Kinh tế thương mại ngày nay không còn chỉ lấy DN là trung tâm, mà thay vào đó là công chúng, là đại chúng và là đám đông,… là những đặc trưng thay đổi căn bản trong sản xuất và thương mại”, TS. Võ Trí Thành nêu rõ.
Sản phẩm cà phê Việt Nam tham giaHội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 16 (CAEXPO 2019). |
Định hướng triển khai Chương trình XTTM năm 2020, Thứ trưởng Bộ Công Thương - ông Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, hiệp hội và địa phương tiếp tục triển khai và nâng cao hiệu quả các hoạt động XTTM. Tiếp tục duy trì và phát triển thị trường trọng điểm, thị trường có FTA và phát triển thị trường mới. Đặc biệt là đổi mới các thức triển khai phương thức XTTM truyền thống theo hướng chiều sâu, tăng cường các dịch vụ gia tăng hỗ trợ DN đạt được hiệu quả tối đa.
“Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ hoạt động XTTM mới qua môi trường kỹ thuật số, sàn giao dịch thương mại điện tử. Xây dựng chiến lược quảng bá ngành hàng và đẩy mạnh quáng bá tuyên truyền xuất khẩu trên các kênh quảng bá ngành hàng quốc tế, triển khai các hoạt động đào tạo phát triển sản phẩm chuyên sâu, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia khâu có giá trị gia tăng cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết./.
Từ khóa: xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tiêu thụ hàng quá, quảng bá sản phẩm, chắp cánh thương hiệu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN