Xúc động chương trình chính luận – nghệ thuật Muôn vàn tình thương yêu
Cập nhật: 25/09/2019
Xuân Nghị lần đầu đóng phim hài Tết cùng NSND Quốc Anh, NSƯT Quang Tèo
Vietnam’s largest airport overloaded with people returning home for Tet
VOV.VN -Cầu phát thanh - truyền hình "Muôn vàn tình thương yêu" với sự kết hợp hài hoà yếu tố chính luận, nghệ thuật đã mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.
Tối 21/8, cầu phát thanh - truyền hình “Muôn vàn tình thương yêu” – một chương trình chính luận - nghệ thuật đặc biệt kỉ niệm 50 năm ngày mất của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm toàn Đảng toàn dân toàn quân ta thực hiện Di chúc của Người đã được diễn ra tại 3 điểm cầu: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ Anh) và khu Di tích Bến Nhà Rồng (Thành phố Hồ Chí Minh).
Chương trình chính luận - nghệ thuật "Muôn vàn tình thương yêu" đã diễn ra vào tối 21/8 tại 3 điểm cầu Hà Nội - Nghệ An - TP HCM. |
Đến dự chương trình tại điểm cầu Hà Nội cóông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư;ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; ông Vương Đình Huệ, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam;ông Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Nội chính Trung ương; ông Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Uông Chu Lưu, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam; bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam và nhiều uỷ viên Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nướcdự Chương trình tại điểm cầu Hà Nội. |
Về phía Đài VOV có ông Nguyễn Thế Kỷ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc VOV cùng lãnh đạo các đơn vị.
Các vị đại biểu trang nghiêm làm lễ tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. |
Tại điểm cầu TPHCM, dự chương trình có: ông Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; bà Tô Thị Bích Châu, Phó Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM;Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân khu 7.
Tại điểm cầu Nghệ An có ông Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An,Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Nghệ An; ông Nguyễn Xuân Sơn, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; ông Thái Thanh Quý, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An;Thiếu tướng Trần Võ Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 4.
Các vị đại biểu tại điểm cầu Nghệ An. |
Chương trình còn vinh dự được đón tiếp các vị khách quốc tế, Đại sứ Cuba tại Việt Nam Lianys Torres Rivera, đoàn Ủy ban bảo vệ Cách mạng Cuba, do ông Carlos Rafael Miranda Martinez, Ủy viên BCH Trung ương Đảng cộng sản Cuba, Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba dẫn đầu và đại diện Đại sứ quán các nước tại Việt Nam.
"Muôn vàn tình thương yêu" là chương trình cầu phát thanh - truyền hình mang tính Chính luận - Nghệ thuậtquy mô lớn trên toàn quốc đầu tiên được Đài Tiếng nói Việt Nam thực hiện với sự phối hợp chặt chẽ của tỉnh Nghệ An và Thành phố Hồ Chí Minh. 3 miền Bắc – Trung – Nam cùng chung bản hoà ca về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời là đất nước được thống nhất, non sông liền một dải.
Tiết mục "Từ Làng Sen" tại điểm cầu TPHCM. |
Chương trình có kết cấu với kịch bản chặt chẽ, xúc động. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa 3 điểm cầu tạo nên một câu chuyên xuyên suốt, khắc hoạ rõ nét cuộc đời và những phẩm chất đạo đức cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người chiến sĩ Cộng sản kiên trung, người con của vùng quê nghèo xứ Nghệ, không cam chịu cảnh nước mất nhà tan, nhân dân lầm than đói khổ, đã ra đi tìm đường cứu nước. Suốt cả cuộc đời của Người đã vì nước, vì dân, trước khi về với thế giới người hiền, Người đã để lại muôn vàn tình thương yêu cho dân tộc. Tất cả tình yêu thương và lời căn dặn được Người trao gửi cho thế hệ mai sau trong Bản Di chúc thiêng liêng bất hủ.
Trên sân khấu ở điểm cầu Nghệ An, ca sĩ Quế Thương cùng tốp múa thể hiện ca khúc "Trông cây lại nhớ đến Người" của nhạc sĩĐỗ Nhuận. |
“Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.…Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đó là những lời cuối cùng trong bức “Chúc thư” Bác để lại.
Nửa thế kỷ qua, nhân dân Việt Nam đã phấn đấu để thực hiện những điều Bác căn dặn trong Di chúc, coi đó là kim chỉ nam dẫn lỗi, chỉ đường để đưa Cách mạng đến thắng lợi.
Trong chương trình Chính luận - Nghệ thuật “Muôn vàn tình thương yêu” những nội dung đó được xâu chuỗi lại bằng những thước phim tư liệu ghi lại những thời khắc linh thiêng trong lịch sử của dân tộc, những câu chuyện kể của các nhân chứng và bằng chính sức mạnh truyền cảm của nghệ thuật.
Vở kịch "Đêm giao thừa" mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. |
Dòng hồi tưởng của đồng chí Vũ Kỳ, người gần gũi với Bác trong những năm tháng hoạt động được sân khấu hoá bằng các trích đoạn kịch nói, đó là: “Đêm giao thừa” kể lại câu chuyện Bác Hồ đến chúc Tết gia đình chị gánh nước thuê trong đêm 30 Tết; “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” là câu chuyện về tình đồng đội, đồng chí; “Nỗi đau” nói về cuộc đấu tranh nhằm gột rửa những cán bộ thoái hoá, tham nhũng khỏi hàng ngũ Đảng.
Những câu chuyện có thật từ nhiều năm trước nhưng tư tưởng vẫn còn rất mới, rất thời đại về vấn đề xử lý cán bộ tham nhũng hay Đảng viên phải là những người gương mẫu, trung thành với lý tưởng Cách mạng, hết lòng phục vụ nhân dân. Đó cũng là những nội dung trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà đến nay chúng ta vẫn noi theo, học tập và thực hiện. Xem kịch “Nỗi đau”, khán giả nhớ về Bác và thấm thía nỗi trăn trở, lo lắng của Người trước khi đi xa.
“Tôi rất xúc động khi được xem những tư liệu cũ, được nghe giọng nói của Bác Hồ, đặc biệt là biết được những thời khắc lịch sử, những quyết định vô cùng khó khăn, những trăn trở, day dứt của Bác khi phải đưa ra quyết định đối với người đồng đội, đồng chí của mình. Khi phải phê bình, kỷ luật những người đồng đội, đồng chí của mình, dù rất đau đớn nhưng Bác vẫn phải làm để có thể đưa cách mạng tới thành công như ngày hôm nay”, bà Trần Thị Ngọc, khán giả Hà Nội chia sẻ.
Khán giả tại điểm cầu TP HCM theo dõi những vở kịch được diễn trực tiếp trên sân khấu Nhà hát Đài VOV. |
Các tiết mục âm nhạc được dàn dựng công phu, đặc sắc, đan xen linh hoạt, khéo léo, liền mạch cảm xúc cho khán giả. Ngoài việc xuất hiện duy nhất một sáng tác mới là ca khúc “50 năm theo lời Bác dạy” (âm nhạc: Đức Trịnh, lời thơ: Nguyễn Thế Kỷ) viết riêng cho chương trình cầu phát thanh - truyền hình “ Muôn vàn tình thương yêu” thì phần lớn các tiết mục là những ca khúc đã đi cùng năm tháng như: “Ca ngợi Hồ Chủ tịch”, “Từ làng Sen”, “Dấu chân phía trước”, “Trông cây lại nhớ đến Người”, “Miền Nam nhớ mãi ơn Người”, “Bài ca hy vọng”, “Tự nguyện”…được nghệ sĩ cả ba điểm cầu Bắc – Trung – Nam hoà giọng trong không khí thiêng liêng, đầy cảm xúc.
Việc đong đếm, tính toán để làm sao cho những giai điệu âm nhạc xuất hiện trong từng thời điểm tạo được hiệu ứng cao nhất, đẩy cảm xúc của khán giả lên cao trào, đó cũng là một thành công lớn của chương trình, bồi đắp them tình cảm sâu sắc của nhân dân với vị lãnh tụ kính yêu.
Nhiều khán giả đã không giấu được niềm xúc động, chia sẻ:“Tôi không biết nói gì hơn được ngoài hai từ “xúc động”. Chưa có chương trình nào chúng tôi được dự mà lại cảm động như ngày hôm nay. Cảm động nhất là những thước phim, bài hát về Bác. Chúng tôi tự soi mình đã làm được đến đâu và sẽ cố gắng bảo ban con cháu làm theo lời căn dặn của Bác”, bà Nguyễn Thị Tường Hiển, Kim Mã, Hà Nội. Bà Dương Thị Hồng Thuỷ, khán giả ở điểm cầu TP HCM cũng cho biết: “Chương trình rất hấp dẫn, mang lại cho người xem nhiều cảm xúc và tôi cảm thấy rất tự hào khi mình là người con thành phố mang tên Bác”.
Bên cạnh đó qua những phóng sự ngắn, cô đọng, xúc tích chương trình cũng đã truyền tải những thành tựu của đất nước, những nỗ lực của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta qua 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, mạnh dạn đề cập đến một số tồn tại cần khắc phục. Trong Di chúc của Người, nội dung trước nhất được đề cập là nói về Đảng. Điều này cho thấy mối quan tâm lớn nhất, sâu sắc nhất của Người là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng vẫn đang được tiếp tục với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đó là điều để mọi người suy nghĩ, trăn trở, quyết tâm phấn đấu tốt hơn, cao hơn trong thời gian tới.
Ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thưlên tặng hoa và chúc mừng các nghệ sĩ. |
Trong suốt 50 năm qua và mãi mãi về sau, lòng mỗi người dân Việt Nam chưa nguôi niềm tưởng nhớ, nỗi tiếc thương và lòng biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ. Chương trình “Muôn vàn tình thương yêu” đã thể hiện tình cảm của nhân dân cả nước đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, là nhịp cầu nối để thế hệ hôm nay và mai sau khắc sâu và thực hiện di nguyện của Bác: đoàn kết, đồng lòng, phát huy trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam, xây dựng đất nước hùng cường, giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; để hai tiếng Việt Nam – Hồ Chí Minh sẽ luôn vang lên kiêu hãnh, tự hào trên thế giới./.
Từ khóa: Muôn vàn tình thương yêu, 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, Di chúc
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN