Xuất khẩu vào EU: Tránh tuyệt đối không để hàng hóa bị thu hồi và trả về
Cập nhật: 4 giờ trước
Bitcoin lần đầu tiên vượt ngưỡng 94.000 USD
Phân cấp mạnh trong quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp (20/11/2024)
VOV.VN - Việc sản phẩm xuất khẩu vào EU nếu bị thu hồi và trả về, phải đăng tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh hàng hóa của Việt Nam vốn đã quá khó khăn để xây dựng.
Sau 4 năm Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực (từ 8/2020), Liên minh châu Âu (EU) hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu 4 năm ước tính đạt hơn 200 tỷ USD, tăng trưởng từ 12% - 15%. Riêng tháng 7/2024, Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt hơn 20,2 tỷ USD, tăng 19,4% so với cùng kỳ năm 2023. EU trong top 6 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam
Khảo sát của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho thấy, EVFTA đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ euro vào năm 2019, lên tới hơn 48 tỷ euro vào năm 2023. Sự tăng trưởng được thể hiện rõ trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may, giày dép, nông nghiệp và hải sản theo lộ trình cắt giảm thuế quan khi FTA này có hiệu lực.
Theo ông Đinh Sỹ Minh Lăng, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương), thị trường EU ưa chuộng nguồn hàng nhập khẩu mang giá trị bền vững. Các sản phẩm thân thiện với môi trường, thương mại công bằng và có đạo đức cũng như việc làm bền vững trong các DN cung cấp đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người tiêu dùng. Do đó, nguồn cung ứng hàng hóa bền vững cũng nhận được thu hút sự hỗ trợ mạnh mẽ không kém từ chính các nhà bán lẻ EU.
“Khảo sát ý kiến về nguồn hàng, sản phẩm bền vững tại thị trường EU cho thấy, 85% nhà bán lẻ nói rằng doanh số bán các sản phẩm bền vững đã tăng trong 5 năm qua; 92% nhà bán lẻ kỳ vọng doanh số bán các sản phẩm bền vững sẽ tăng trong 5 năm tới”, ông Lăng thông tin.
Tương tự đối với thị trường Vương quốc Anh, nhận thấy còn nhiều cơ hội xuất khẩu hàng hàng hóa của Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Cường, cựu Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Anh cho biết, người tiêu dùng Anh đánh giá cao chất lượng, tính bền vững và giá trị khác biệt của sản phẩm. Họ sẵn sàng chi trả cao hơn cho các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và thể hiện cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, thị trường Anh có các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy định về an toàn thực phẩm, môi trường rất khắt khe, các DN cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các yêu cầu này và nổi bật trong môi trường cạnh tranh cao.
“Lợi thế từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đang mở ra cơ hội lớn cho DN Việt Nam với việc xóa bỏ trên 99% dòng thuế trong vòng 6 năm. Các ngành hàng như thủy sản, dệt may, giày dép, đồ gỗ và nông sản chế biến được hưởng lợi đáng kể. Đơn cử như thủy sản với cá basa, tôm đông lạnh đạt kim ngạch xuất khẩu trên 30 triệu USD vào năm 2024, tăng hơn 10%. Sản phẩm dệt may từ sợi tự nhiên và bền vững đang thu hút người tiêu dùng Anh. Cùng với đó, Anh cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại châu Âu, với nhu cầu cao về đồ gỗ nội thất hiện đại”, ông Cường nêu.
Đưa ra những nguyên tắc phòng chống rủi ro, trong hoạt động xuất khẩu các sản phẩm chính ngạch sang thị trường EU, ông Nguyễn Thành Hưng - Chuyên gia kinh tế cao cấp, Nguyên Phó vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Văn phòng Chính phủ cho hay, từ ngày 13/5/2024 EU ban hành quy định quy trình mới về nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài. Theo đó, từ ngày 3/6/2024, tất cả DN có liên quan tới hàng hoá xuất khẩu từ Việt Nam vào EU đều phải khai báo dữ liệu trước khi hàng đến vào Hệ thống kiểm soát hàng hóa nhập khẩu (ICS2).
Ngoài ra, một trong những vấn đề mới và cần được DN quan tâm nhất hiện nay đối với hàng hóa xuất khẩu vào EU, đó là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), EU thí điểm áp dụng giai đoạn chuyển tiếp từ ngày 1/10 năm nay và thực hiện đầy đủ từ năm 2026. Hoặc như gần đây, một số lô hàng gạo của Việt Nam đã bị yêu cầu thu hồi khỏi thị trường, do vượt quá mức qui định về dư lượng thuốc trừ sâu. Mặc dù, mức dư lượng vượt ngưỡng không đáng kể, nhưng việc thu hồi gạo trên thị trường và tái xuất về Việt Nam là bắt buộc, nếu để tiêu hủy tại chỗ sẽ còn tốn kém cho DN hơn cả đưa hàng về.
“Việc sản phẩm xuất khẩu bị thu hồi và phải đăng tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh hàng hóa của Việt Nam vốn đã khó khăn để xây dựng uy tín”, ông Chung cảnh báo và lưu ý, việc đưa hàng trả về nước xuất khẩu hết sức khó khăn.
Bởi nếu hàng bị kiểm tra tại cửa khẩu và trả về ngay thủ tục không phức tạp, nhưng trong trường hợp hàng nhập khẩu vào thị trường cả năm mới thu hồi và trả về thủ tục tái nhập vào Việt Nam rất phức tạp. “Có lô hàng trả về tới Việt Nam hơn 2 tháng mới được thông quan và hiện vẫn chưa xong các thủ tục để DN Việt Nam trả lại tiền hàng cho DN phía EU”, ông Chung quan ngại.
Từ khóa: Xuất khẩu vào EU, Xuất khẩu vào EU,kim ngạch, lợi thế, thuế quan,thương mại
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN