Xuất khẩu nông lâm thủy sản 2 tháng đầu năm giảm, chỉ đạt 5,5 tỷ USD

Cập nhật: 25/09/2019

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5,5 tỉ USD.

Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc họp "Công bố thông tin thị trường nông sản định kỳ" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hôm nay (1/3), tại Hà Nội.

xuat khau nong lam thuy san 2 thang giam, chi dat 5,5 ty usd hinh 1
Ông Nguyễn Quốc Toản quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản cho biết thủy sản, gỗ và trái cây vẫn còn nhiều dư địa phát triển.

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, từ đầu năm đến nay giá trị xuất khẩu thuỷ sản ước đạt hơn 1 tỉ USD, tăng 4,4% và các mặt hàng lâm sản chính ước đạt 1,5 tỉ USD, tăng 12,8%. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính giảm hơn 10%, ước đạt hơn 2,7 tỉ USD.

Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu giảm phụ thuộc biến động của thị trường nhập khẩu và các tranh chấp thương mại và diễn biến của kinh tế thế giới.

Ông Nguyễn Trung Kiên, Trưởng Bộ môn Nghiên cứu Thị trường và Ngành hàng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn nhận định, "bức tranh" xuất khẩu nông, lâm thủy sản có nhiều điểm sáng, tối đan xen. Điểm sáng lớn vẫn là thủy sản và các mặt hàng lâm sản với sự tăng trưởng về xuất khẩu.

Rất nhiều mặt hàng đã dư cung. Ví dụ như cây cà phê sau thời điểm giá cao vào năm 2010-2011 đã thúc đẩy các nước thực hiện tái canh cà phê như Brazil hay là Colombia. Việc đẩy mạnh chương trình tái canh tăng năng suất, chất lượng khiến sản lượng cà phê của Colombia hiện nay tăng gấp 2 lần so với 2010-2011. Tương tự cà phê của Brazil cũng tăng gấp rưỡi thời điểm bắt đầu tái canh. Hiện tượng cầu tăng chậm dẫn đến việc dư cung về mặt hàng cà phê.

Theo dự báo thị trường nông sản trong tháng 3, sản phẩm lúa gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục gặp khó khăn do các thị trường lớn như: Philippin và Indonesia chưa có kế hoạch nhập khẩu năm 2019. Các doanh nghiệp cần tăng cường tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác ở khu vực Châu Phi.

Trong tháng 3, tận dụng lợi thế ưu đãi từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP, xuất khẩu tôm và cá tra sẽ có nhiều ưu đãi về thuế, cần tuyên truyền và cập nhật thông tin cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó thiết lập các cơ chế xác định rủi ro và xây dựng các rào cản nhằm giảm thiểu gian lận thương mại, lẫn tránh thuế của các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm bảo vệ các sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Nguyễn Quốc Toản, quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, cho biết năm nay điểm sáng sẽ là thủy sản, gỗ và trái cây. Còn những mặt hàng cây công nghiệp chúng ta cố gắng duy trì bằng sản lượng và chất lượng và giải quyết từng thị trường.

“Những mặt hàng dư địa rất lớn của ngành nông nghiệp như gỗ và thủy sản cần tiếp tục phát huy. Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì 1 hội nghị triển khai kế hoạch ngành thủy sản, rồi hội nghị cá tra ở An Giang và mới đây là Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị về công nghiệp và chế biến gỗ. Đó là những lợi thế đầu tiên chúng ta xác định từ đầu năm”, ông Toản nhấn mạnh./.

Minh Long/VOV1

Từ khóa: xuất khẩu nông sản, nông lâm thủy sản, ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT, giá trị nông sản,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập