Xuất khẩu khởi sắc làm mờ “bóng ma” Covid-19

Cập nhật: 04/03/2021

VOV.VN - Kim ngạch xuất khẩu 2 tháng tăng 23,2% so với cùng kỳ là mức tăng ấn tượng khi dịch Covid-19 vẫn đang gây tác động lớn đến hoạt động thương mại.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 2/2021 ước đạt 20 tỷ USD, giảm 29,9% so với tháng trước. Tuy nhiên, tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 48,55 tỷ USD, tăng 23,2% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm đáng chú ý trong 2 tháng đầu năm 2021 chính là sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến khi đạt kim ngạch 42,47 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 87,5% tổng kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước.

Trong nhóm hàng này, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực đạt mức tăng trưởng 2 con số như điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,3 tỷ USD, tăng 22,8%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 27,3%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tăng tới 72,6%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 51%; sắt thép các loại tăng 71,9%...

“Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng dệt may, giày dép cũng cho thấy sự phục hồi trở lại với kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc đạt 4,76 tỷ USD, tương đương cùng kỳ năm trước và kim ngạch xuất khẩu giày dép đạt 3,2 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước”, đại diện Bộ Công Thương nêu rõ.

Ngoài nhóm hàng công nghiệp chế biến, xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng ghi nhận tăng trong 2 tháng đầu năm với mức tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,78 tỷ USD. Đặc biệt, trong 2 tháng đầu năm, các mặt hàng xuất khẩu thuộc lĩnh vực khai khoáng như dầu thô, xăng dầu, than đá, quặng và khoáng sản đều sụt giảm mạnh.

Theo Bộ Công Thương, ngay sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Vương quốc Anh (UKVFTA) có hiệu lực, tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Anh trong 2 tháng đầu năm 2021 đã tăng 29,2% so với cùng kỳ năm 2020, ước đạt 1,1 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Anh đã tăng 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 998 triệu USD.

“Đây là mức tăng ấn tượng khi Covid-19 vẫn đang gây tác động lớn đến hoạt động thương mại, đồng thời cho thấy Hiệp định UKVFTA vừa có hiệu lực rất hứa hẹn, giúp thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Trong đó, ngành hàng được hưởng lợi lớn từ Hiệp định UKVFTA là thủy hải sản, gạo, dệt may, da giày, gỗ, rau quả…”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

Tín hiệu mừng từ ngành dệt may

Tính từ đầu năm đến hết tháng 2/2021, kim ngạch xuất khẩu dệt may cho thấy sự phục hồi rõ rệt sau khi trải qua năm 2020 nhiều thách thức bởi tác động mạnh mẽ từ đại dịch Covid-19.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam đánh giá, sở dĩ xuất khẩu dệt may tăng trở lại ngay trong các tháng đầu năm nay là do sau 1 năm sống chung với đại dịch, các doanh nghiệp đã tìm ra những hướng đi phù hợp. Cùng với đó, việc các nước liên tục đưa vắc xin vào tiêm cho người dân cũng đang tạo tâm lý tích cực, giúp cầu tiêu dùng dệt may tăng trở lại.

Trong khi nhiều ngành hàng sản xuất công nghiệp lo thiếu đơn hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thì dệt may lại khá khác biệt khi đơn hàng tương đối dồi dào.

Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp của Tập đoàn đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. Đáng chú ý, những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021.

“Đó là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của dệt may Việt Nam, nhất là khi dệt may Việt Nam đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng đại dịch Covid-19 năm 2020”, ông Trường cho hay.

Năm 2021, ngành dệt may Việt Nam đặt kế hoạch xuất khẩu đạt khoảng 39 tỷ USD. Nhận định kế hoạch này khả thi, ông Vũ Đức Giang chỉ rõ nguyên nhân là bởi ngành dệt may đang đứng trước cơ hội phát triển rất lớn từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) vừa được ký kết.

Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) cũng được kỳ vọng tạo ra động lực cho ngành và thay thế một số thị trường mà đại dịch Covid-19 vẫn chưa kiểm soát được như châu Âu. Đồng thời, các FTA còn là lực hấp dẫn giúp ngành dệt may tiếp tục kêu gọi đầu tư vào phần cung thiếu hụt nguyên liệu.

Bộ Công Thương cho biết, thời gian tới tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch Covid-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch. Tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Bên cạnh đó, củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các FTA đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách.../.

2 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 47,26 tỷ USD, tăng 25,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 15,62 tỷ USD, tăng 16%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 31,64 tỷ USD, tăng 31,4%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 2/2021 ước tính nhập siêu 800 triệu USD. Tính chung 2 tháng đầu năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 1,8 tỷ USD)./.

Từ khóa: xuất khẩu 2021, xuất siêu, công nghiệp chế biến, xuất khẩu khối fdi, khai khoáng

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập