Xuất khẩu hoa quả vào Trung Quốc: Nhiều kì vọng mới
Cập nhật: 27/09/2020
Xử lý nửa vời, trạm trộn bê tông ở Bắc Giang tiếp tục gây ô nhiễm môi trường
Thị trường hoa, cây cảnh Tết ở Bắc Ninh thấp thỏm ngóng khách
VOV.VN - Khi Việt Nam và Trung Quốc cùng kiểm soát, khống chế tốt dịch Covid-19, kì vọng sản phẩm trái cây sẽ có nhiều bước bứt phá trong kim ngạch xuất, nhập khẩu.
Số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm 2020 đạt 27,35 tỷ USD, trong đó nhóm hàng rau, quả có kim ngạch xuất khẩu đạt 1,31 tỷ USD, giảm 25,25% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá hoa quả tăng, sức mua thấp
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm này là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam hơn, khi đưa ra những quy định nghiêm ngặt khắt khe hơn liên quan đến vấn đề truy xuất nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cụ thể theo thông tin từ ông Viên Á Tường, Tổng Thư ký Hiệp hội Trái cây Thượng Hải (Trung Quốc), dù sản phẩm nội địa dồi dào nhưng hàng nhập khẩu vẫn được thị trường Trung Quốc ưa chuộng. Đặc biệt là những loại trái cây vừa đẹp, vừa ngon và nhiều loại trái cây nhập khẩu vào Trung Quốc đã làm được điều này.
Tuy nhiên, ông Viên Á Tường cũng thừa nhận, những tháng đầu năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến hoa quả nhập khẩu vào Trung Quốc giảm. Giá trung bình của măng cụt, thanh long, anh đào, cam quýt, dừa, dứa và sầu riêng nhập khẩu đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái, do sức mua thấp, và sản phẩm gặp khó khăn trong vận chuyển khiến kéo dài thời gian, làm tăng chi phí logistics…
Tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 9 loại quả tươi của Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, bao gồm thanh long, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, mít, chôm chôm, măng cụt. Theo Bộ Công thương, hiện nhà quản lý vẫn đang đề nghị phía Trung Quốc thúc đẩy nhanh tiến trình mở cửa thị trường thêm cho các loại trái cây Việt Nam khác như sầu riêng, bưởi, chanh leo, na, roi,bơ, và dừa...
Như vậy có thể thấy, hiện thị trường Trung Quốc đã trở nên khó tính hơn rất nhiều lần so với trước đây. Các sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản, trái cây nếu không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo các quy định của phía bạn sẽ không thể đặt chân sang thị trường này. Đây là điều này hoàn toàn khác so với trước. Bởi vậy, các quy định mới từ phía thị trường bạn đã gây nên không ít khó khăn cho sản phẩm trái cây xuất khẩu của Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, với nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm hoa quả của các chợ đầu mối, kênh phân phối bán buôn, bán lẻ tại Thượng Hải, sự ưa chuộng của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc với đa dạng sản phẩm hoa quả Việt Nam, đây tiếp tục là thị trường mà các DN cần hướng đến trong thời gian tới.
Giới thiệu về tiềm năng hoa quả của Việt Nam, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư Ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhấn mạnh, nông nghiệp làm vườn, trồng cây ăn trái sẽ là một trong những lĩnh vực mang nhiều hứa hẹn nhất của nền kinh tế Việt Nam. Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nhà xuất khẩu trái cây lớn không những cho Trung Quốc mà còn cho cả thế giới.
Tiềm năng đi kèm cơ hội xuất khẩu lớn
Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, với nhu cầu nhập khẩu lớn các sản phẩm hoa quả của các chợ đầu mối, kênh phân phối bán buôn, bán lẻ tại Thượng Hải, sự ưa chuộng của nhiều người tiêu dùng Trung Quốc với đa dạng sản phẩm hoa quả Việt Nam, Cục XTTM tiếp tục kết nối các doanh nghiệp hoa quả Việt Nam tham gia giao dịch trực tuyến với các khách mua hàng tiềm năng.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc hợp tác kinh doanh, Cục XTTM đã có Văn phòng XTTM ngay tại thủ phủ Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (gần với Thượng Hải). Ông Phú cho biết, Văn phòng sẽ là địa điểm sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp Thượng Hải tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư lâu dài với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm hoa quả Việt Nam nói riêng và nhiều mặt hàng khác nói chung.
“Cục XTTM Việt Nam luôn ủng hộ, làm tốt vai trò cơ quan xúc tiến, là cầu nối để doanh nghiệp Việt Nam và thành phố Thượng Hải tăng cường giao lưu, kết nối kinh doanh và đầu tư hiệu quả”, ông Phú nói.
Đánh giá cao lợi thế của hàng Việt Nam nói chung và hoa quả nói riêng tại thị trường Thượng Hải, ông Ninh Thành Công, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Thượng Hải cho biết, Việt Nam và Trung Quốc có nhiều thuận lợi để khai thác thế mạnh, tiềm năng thương mại sẵn có, nhất là trong lĩnh vực hoa quả.
Bên cạnh đó, cả Việt Nam và Trung Quốc cùng kiểm soát, khống chế tốt dịch Covid-19, giúp cho DN hai nước trao đổi thương mại thuận tiện hơn trong bối cảnh hiện nay. Đây chính là những yếu tố tạo thuận lợi cho việc kết nối giao thương giữa hai thị trường Việt Nam – Thượng Hải (Trung Quốc), với kì vọng sản phẩm trái cây sẽ có nhiều bước bứt phá trong kim ngạch xuất khẩu thời kỳ hậu Covid-19.
Tổng Thư ký Hiệp hội Trái cây Thượng Hải - ông Viên Á Tường cũng cho rằng, để chiếm thị phần nhiều hơn, đòi hỏi các DN phải cung ứng những sản phẩm có chất lượng và giá cả cạnh tranh. “Việc nâng cao chất lượng và hiệu quả trong sản xuất cũng sẽ tạo ra bước ngoặt. Nếu tuân thủ quan điểm chất lượng là trên hết, lấy thị trường làm phương hướng, lấy “ngon” làm nguyên tắc thì sẽ đạt được sự ổn định”, ông Viên Á Tường chỉ rõ./.
Từ khóa:
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN