Xuất khẩu gạo của Việt Nam phải tính chuyện đường dài

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN - Đã đến lúc, Việt Nam phải đẩy mạnh chuỗi liên kết lúa gạo để gia tăng giá trị xuất khẩu, đồng thời cơ cấu lại diện tích sản xuất lúa gạo hàng hóa.

Việt Nam hiện có 177 doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An ở Cần Thơ là doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn, sản phẩm có mặt ở nhiều thị trường, trong đó có Trung Quốc.

Trước tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vào Trung Quốc 6 tháng đầu năm 2019 đã giảm tới 72%, doanh nghiệp này ít nhiều bị ảnh hưởng. Thêm vào đó, những yêu cầu về kiểm dịch, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc thời gian gần đây cũng đòi hỏi doanh nghiệp Việt phải siết chặt quy trình sản xuất, chế biến gạo của mình.

Trung An đã liên kết chặt chẽ hơn với người trồng lúa, đưa ra quy trình và bao tiêu sản phẩm, để có gạo xuất khẩu đúng yêu cầu. Nhưng cách làm này cần có sự hỗ trợ của nhà nước để trở thành một chuỗi sản xuất - cung ứng khép kín cho các doanh nghiệp, loại bỏ nghịch lý là nông dân sản xuất ra không bán được trong khi doanh nghiệp có đơn hàng lại không tìm được sản phẩm đạt yêu cầu.

xuat khau gao cua viet nam phai tinh chuyen duong dai hinh 1
Cần đẩy mạnh chuỗi liên kết lúa gạo để gia tăng giá trị xuất khẩu. (Ảnh minh họa: KT)

Ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho rằng, khó khăn của xuất khẩu gạo không thể tìm giải pháp trong ngắn hạn và chỉ có một cách duy nhất là thực hiện mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân, sản xuất theo nhu cầu của thị trường.

“ĐBSCL hiện nay chưa có một dự án nào gọi là liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân để đảm bảo đầu ra cho nông dân. Vì vậy mà nguồn nguyên liệu lúa của Việt Nam không đảm bảo chất lượng tốt để có giá trị gia tăng cao. Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT và Ngân hàng Nhà nước làm sao phải hỗ trợ vốn để các doanh nghiệp thực hiện các dự án mô hình cánh đồng liên kết bao tiêu thu mua lúa cho nông dân”, ông Bình nói.

Thực tế, thời gian qua, Bộ Công Thương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường. Doanh nghiệp vẫn mong muốn bộ này đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt là duy trì được kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc một cách ổn định, giảm các tác động ảnh hưởng lớn đến kim ngạch xuất khẩu.

Các địa phương, hiệp hội cần tích cực hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng chuỗi liên kết, thương hiệu cho hạt gạo của Việt Nam.Đồng thời, lượng lúa gạo hàng hóa đủ tiêu chuẩn xuất khẩu mà Việt Nam đang sản xuất được cũng phải cơ cấu lại. Hiện nay, mỗi năm, thị trường thế giới có thể tiêu thụ khoảng 5 triệu tấn gạo của Việt Nam, trong khi sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trên 7 triệu tấn, dẫn đến tình trạng cung nhiều hơn cầu, giá giảm, nông dân chịu thiệt nhiều nhất.

Ông Lê Minh Đức, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An, tỉnh có diện tích và sản lượng lúa gạo lớn ở ĐBSCL đặt câu hỏi: “Trên cơ sở bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2050 và mỗi năm xuất khẩu gạo 5 triệu tấn, thì diện tích đất lúa có cần phải 3,8 triệu ha nữa hay không?". Theo ông Đức, đó là bài toán giải pháp cung cầu. Những năm gần đây, khó khăn trong xuất khẩu gạo và tiêu thụ lúa, mấu chốt sâu xa là do sản lượng nhiều so với nhu cầu.

Tình trạng giảm cả lượng và giá gạo xuất khẩu có khả năng tiếp tục xảy ra khi diện tích và sản lượng lúa gạo ở nhiều quốc gia đang tăng lên do hiệu ứng giá gạo cao của những năm trước. Ước tính tổng sản lượng gạo toàn cầu năm 2019 sẽ đạt hơn 499 triệu tấn, tăng thêm 4,2 triệu tấn so với năm 2018.Trong khi đó, tổng sản lượng gạo giao dịch toàn cầu được dự báo chỉ ở mức gần 47 triệu tấn, giảm đến hơn 561.000 tấn so với năm 2018.

Trong bối cảnh đó, 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam xuất khẩu được 2,76 triệu tấn gạo, giảm 6,3% so với cùng kỳ. Giá gạo xuất khẩu trung bình cũng chỉ đạt 427,5 USD/tấn, giảm 26,8 USD/tấn so với thời điểm này năm 2018. Tại vựa lúa ĐBSCL, gần 11 triệu tấn lúa Đông xuân cơ bản đã được thu mua, tiêu thụ. Nhưng còn sản lượng của hơn 1,37 triệu ha lúa Hè thu sẽ thu hoạch trong một hai tháng nữa chịu nhiều áp lực về giá cả.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, về ngắn hạn vẫn cần có cơ chế hỗ trợ thu mua tạm trữ nhằm giải quyết đầu ra và lợi ích cho người nông dân. Cùng với đó, các bộ ngành cũng sẽ phối hợp làm tốt dự báo thông tin thị trường để doanh nghiệp có kế hoạch thu mua, dự trữ hợp lý. Về phía doanh nghiệp, phải ý thức được đảm bảo chất lượng hàng xuất khẩu, giữ vững uy tín, thương hiệu bằng sự trung thực về năng lực xuất khẩu. Còn giải bài toán lúa gạo hàng hóa lâu dài.

“Về sản lượng, có hai câu chuyện là diện tích và mùa vụ. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng đã đồng ý là sản lượng gạo phải tính lại, diện tích lúa phải tính lại. Bộ Công Thương đề nghị đẩy nhanh tiến độ tính lên. Vấn đề ở đây là bài toán tối ưu giữa giá cả và sản lượng. Trong trường hợp nào đạt kết quả tốt nhất thì chúng ta nên lựa chọn. Việc tính toán ở đây không chỉ có diện tích gieo trồng mà còn có cả yếu tố sản xuất bao nhiêu vụ lúa là vừa”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho hay.

Như vậy, bài toán về xuất khẩu gạo phải được giải từ phía Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bằng chiến lược đầu ra ổn định cho lúa gạo Việt, cơ cấu lại diện tích sản xuất; từ phía doanh nghiệp và nông dân bằng kế hoạch sản xuất, chế biến theo nhu cầu, tiêu chuẩn của thị trường./.

Từ khóa: xuất khẩu gạo, chuỗi liên kết lúa gạo, cơ cấu lại diện tích sản xuất lúa gạo, sản xuất gạo gặp khó khăn, xúc tiến thương mại,

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập