Xuất khẩu dệt may tự tin về đích 44 tỷ USD năm 2024
Cập nhật: 2 giờ trước
Cách BIM Land và IHG song hành trong những dự án cao cấp
Viện thẩm mỹ KangJin tham gia nhiều tọa đàm trẻ hoá da quốc tế
VOV.VN - Hoạt động xuất khẩu dệt may của Việt Nam tháng 10 và 10 tháng tiếp tục được cải thiện, thể hiện ở tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm.
Xuất khẩu dệt may tại những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng. Thị trường ASEAN, Nga, Canada… đang là điểm sáng tiềm năng để các DN dệt may thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may. Ngoài ra, giá cước vận tải tiếp tục có xu hướng giảm cũng đang hỗ trợ cho sự tăng trưởng xuất khẩu dệt may những tháng cuối năm.
Đánh giá về tăng trưởng dệt may những tháng gần đây, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, thị trường xuất khẩu có sự phục hồi do sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam. Tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác.
“Dự kiến đơn hàng may mặc trong quý IV/2024 và quý I/2025 sẽ tiếp tục dồi dào, tuy nhiên đơn giá chưa cải thiện đáng kể. Trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ cải thiện”, ông Hiếu nhận định.
Với những kết quả sản xuất kinh doanh và xuất khẩu 10 tháng qua, nhiều khả năng Vinatex sẽ chạm đích thành công kế hoạch SXKD năm 2024. Tuy nhiên theo ông Hiếu, dệt may vẫn cần thận trọng trước bối cảnh thị trường không có nhiều tín hiệu khả quan để có thể hy vọng vào những kết quả đột phá trong tương lai gần.
Ông Hiếu cho rằng, yếu tố thị trường không bao giờ là bất biến, người làm công tác quản trị hoạt động SXKD phải chủ động những giải pháp để phát huy tối đa hiệu quả, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực nhằm tận dụng cơ hội cũng như lường trước các rủi ro để phòng tránh.
“Dự báo những tháng cuối năm 2024 cho thấy những tín hiệu tích cực nhất định, tuy nhiên các DN vẫn cần hết sức thận trọng, quản trị chặt chẽ hoạt động SXKD bám sát kế hoạch đã đề ra, nhận diện và phòng ngừa tốt rủi ro, không để xảy ra bất kỳ tình huống bất ngờ nào, cam kết hoàn thành kế hoạch năm. Đây là sự chuẩn bị cần thiết để DN trong hệ thống Vinatex đủ sức khỏe đón bắt kế hoạch SXKD năm 2025 mà không bị lệ thuộc vào sự may rủi của thị trường”, ông Hiếu lưu ý.
Chia sẻ một trong những nguyên nhân chính giúp dệt may Việt Nam thu về kết quả khả quan trong năm nay, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cũng chỉ ra sự chuyển dịch đơn hàng từ một số quốc gia sang Việt Nam, đặc biệt là đơn hàng từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, dệt may Việt Nam đã tăng cường đa dạng hóa thị trường, mặt hàng xuất khẩu cũng như đa dạng hóa đối tượng khách hàng.
"Trước đây dệt may Việt Nam chủ yếu tập trung xuất khẩu sang một số thị trường lớn, song đến nay tổng số thị trường xuất khẩu trên toàn cầu đã lên tới khoảng 104 thị trường. Chiến lược của Hiệp hội đặt ra trong những năm qua về đa dạng hóa thị trường, mặt hàng, khách hàng đã dần trở thành trụ cột tạo ra đà tăng trưởng trong xuất khẩu. Ngoài ra, ngành dệt may Việt Nam cũng đã thích ứng được với cách đặt hàng của các nước với yêu cầu cao, khó khăn hơn về mẫu mã, đơn hàng giao trong ngắn hạn, chất lượng khắt khe…", ông Giang nêu.
Chủ tịch Vitas cũng nhấn mạnh đến những lợi thế của ngành dệt may trong năm nay, đó là được hưởng lợi lớn từ các FTA. Cùng đó, sự chuyển dịch nguồn vốn đầu tư nước ngoài từ một số quốc gia vào lĩnh vực nguồn cung nguyên liệu, đã giúp dệt may Việt Nam chủ động được một số nguyên liệu mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các nhãn hàng.
Đánh giá về triển vọng ngành dệt may trong thời gian tới, ông Giang cho biết, tình hình có không ít yếu tố khả quan, xuất khẩu cả năm nay tự tin về đích 44 tỉ USD nhưng giá xuất khẩu năm nay hầu như không tăng, chỉ một số mặt hàng mới tăng giá, còn các mặt hàng truyền thống về cơ bản giữ ổn định như năm trước. Hiện nay, hầu hết các đơn vị trong ngành dệt may đã bắt đầu có đơn hàng của quý I/2025 và một số đơn vị đang đàm phán đơn hàng của quý II/2025.
Tổng kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng dệt may của Việt Nam tháng 10/2024 ước đạt 3,86 tỷ USD, tăng 10,7% so với tháng trước và 24,26% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, tổng KNXK hàng dệt may của Việt Nam 10 tháng 2024 ước đạt 36,11 tỷ USD, tăng 9,86% so cùng kỳ 2023.
Trong đó KNXK hàng may mặc ước đạt 28,38 tỷ USD, tăng 10,54%; KNXK xơ sợi ước đạt 3,66 tỷ USD, tăng 0,47%; KNXK vải ước đạt 2,22 tỷ USD, tăng 11,12%... Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam 10 tháng 2024 ước đạt 20,61 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ 2023.
Từ khóa: Xuất khẩu dệt may, Xuất khẩu dệt may,thị trường, đơn hàng, chuyển dịch, nhu cầu
Thể loại: Kinh tế
Tác giả: nguyễn quỳnh/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN