Xuất khẩu cá tra đạt hơn 1,5 tỷ USD trong hơn 9 tháng

Cập nhật: 17/11/2024

VOV.VN - Năm nay ngành hàng cá tra phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi hàng hóa, vật tư đầu vào phục vụ phát triển thủy sản ở mức cao. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của các doanh nghiệp, các cơ quan quản lý, hiệp hội ngành hàng cá tra đã đạt được những kết quả về chất lượng và giá trị.

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị “Tổng kết ngành hàng cá tra năm 2024 và bàn giải pháp triển khai nhiệm vụ năm 2025” diễn ra ngày 17/11 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức trong khuôn khổ Ngày hội cá tra Đồng Tháp – năm 2024.

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó Chủ tịch UBND Đồng Tháp cho biết, năm nay diện tích thả nuôi cá tra thương phẩm của địa phương đạt 2.630 ha, với sản lượng ước đạt 540.000 tấn, tăng 15.000 tấn so với năm 2023. Giá trị sản xuất ngành hàng cá tra tiếp tục tăng, ước đạt hơn 8.800 tỷ đồng, tăng so năm 2023, chiếm trên 17% tổng giá trị sản xuất ngành nông – lâm - thuỷ sản của Đồng Tháp.

Theo Cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng cá tra năm 2024 ước tính đạt 1,67 triệu tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2023. Tính đến ngày 15/10, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,56 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, mức độ tăng trưởng là không đồng đều do có sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia.

Cục Thuỷ sản cũng cho rằng, sản phẩm giá trị gia tăng của cá tra còn chiếm tỷ trọng nhỏ, chủ yếu vẫn là sản phẩm đông lạnh. Việc phụ thuộc vào một số thị trường xuất khẩu lớn khiến ngành hàng cá tra có thể gặp bất lợi nếu các thị trường này có thay đổi về chính sách hoặc yêu cầu khắt khe hơn về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Bên cạnh đó, thiếu sự phối hợp và cạnh tranh quá mức giữa các nhà chế biến, xuất khẩu Việt Nam cùng với chất lượng chưa đồng đều đã ảnh hưởng đến uy tín và thương hiệu sản phẩm cá tra Việt Nam.

Cũng theo Cục Thuỷ sản, giá thu mua cá tra nguyên liệu đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất tại các cơ sở sản xuất giống và nuôi thương phẩm, đặc biệt là các cơ sở nhỏ lẻ. Nhưng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý có liên quan và hiệp hội, ngành hàng cá tra Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng kể về cả chất lượng và giá trị.

Trong định hướng phát triển cá tra năm 2025, Cục Thuỷ sản cho biết, sản lượng cá tra nuôi vẫn đạt 1,65 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu phấn đấu đạt 2 tỷ USD. Để thực hiện được mục tiêu này các địa phương cần đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra ổn định; mở rộng diện tích nuôi theo các tiêu chuẩn để tạo sản phẩm chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, phù hợp với nhu cầu, yêu cầu thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, áp dụng công nghệ nuôi mới, tiết kiệm nước, thích ứng với biến đổi khí hậu và công nghệ xử lý nước thải, bùn thải để bảo vệ môi trường.

Theo dự báo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tới năm 2030, tiêu thụ thủy sản làm thực phẩm trên thế giới dự kiến sẽ tăng 18%, tương đương 28 triệu tấn so với năm 2018. Trong đó thị trường châu Á sẽ tiêu thụ mạnh nhất, chiếm khoảng 71% với khoảng 183 triệu tấn thuỷ sản, trong khi châu Mỹ Latinh tiêu thụ ít nhất.

Thủy sản nuôi sẽ tiếp tục đáp ứng nhu cầu và tiêu dùng nhờ sự chuyển đổi một số loài từ khai thác tự nhiên sang nuôi. Người tiêu dùng ở các nước phát triển cũng sẵn sàng trả thêm tiền cho sản phẩm có nhãn phát triển bền vững và các yêu cầu về sức khỏe, dinh dưỡng. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp thủy sản cần đầu tư để tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn.

Từ khóa: cá tra, cá tra, xuất khẩu cá tra, ngành cá tra, thủy sản, 1,5 tỷ USD, Đồng Tháp

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: phạm hải/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập