Xử phạt 80 triệu đối với việc tiết lộ thông tin cá nhân liệu có đủ sức răn đe?
Cập nhật: 27/02/2021
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Thời gian qua, tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng.
Ngày càng nhiều chủ thể thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu cá nhân cho mục đích khác nhau nhưng không thông báo cho khách hàng hoặc để xảy ra các hành vi vi phạm pháp luật. Trước thực trạng này, Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong đó quy định mức xử phạt cao nhất đối với trường hợp tiết lộ thông tin cá nhân cao nhất là 80 triệu đồng. Vậy mức phạt này liệu có đủ sức răn đe.
Bức xúc là tâm trạng chung của rất nhiều người dân khi những thông tin cá nhân của mình không hiểu tại sao mà rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp dễ dàng có được. Đa số người dân khi được hỏi đều cho biết nhận nhiều cuộc điện thoại mời chào mua bất động sản, mua bảo hiểm, dịch vụ làm đẹp, du học…khi bản thân không hề cung cấp số điện thoại cho những người đó. Những cuộc điện thoại này không chỉ gây phiền toái mà còn gây lo lắng cho những người dân bởi những thông tin cá nhân của mình lại rất nhiều người biết.
Anh Trần Văn Minh, ở quận Ba Đình, Hà Nội bày tỏ: “Tôi rất bức xúc khi nhận được những cuộc điện thoại lạ làm lộ những thông tin cá nhân của mình hoặc người ta hỏi những thông tin cá nhân mình. Khi bị lộ thông tin ra ngoài như thế thì tất nhiên là không ai thích, bởi sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề của mình. Bây giờ thông tin cá nhân liên kết rất nhiều thứ như số điện thoại và tài khoản. Nhưng nếu lộ thông tin này ra ngoài thì sẽ rất nguy hiểm. Tôi cũng rất mong Nhà nước có những chế tài để xử lý thật nặng những trường hợp này bởi vì nó gây ảnh hưởng rất nhiều đến cá nhân và cả cuộc sống của mọi người”
Hiện tình trạng lộ, lọt, hoạt động đánh cắp, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra phổ biến trên không gian mạng với nhiều hội nhóm kín hoạt động ngày càng tinh vi đặt ra nhiều vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, gây nguy cơ mất an ninh mạng. Trước thực trạng này, Bộ Công an hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo dự thảo này, Bộ Công an đề xuất xử phạt 50 - 80 triệu đồng với trường hợp cá nhân, tổ chức tiết lộ, chia sẻ các dữ liệu cá nhân trái phép, chưa được sự đồng ý của cá nhân, gây tổn hại đến nhân phẩm, danh dự của người bị tiết lộ. Mức phạt này cũng được Bộ Công an đề xuất với các vi phạm về xử lý dữ liệu cá nhân của trẻ em hay hủy, xóa dữ liệu cá nhân trái phép... Mức phạt 80 - 100 triệu đồng được đề xuất áp dụng với các hành vi chuyển dữ liệu cá nhân trái phép qua biên giới, vi phạm đăng ký xử lý dữ liệu cá nhân nhạy cảm.
Đa số ý kiến khi được hỏi đều bày tỏ đồng tình với đề xuất này của Bộ Công an, một số ý kiến thậm chí còn cho rằng, mức phạt từ 50-80 triệu đồng như Dự thảo là chưa thoả đáng, rất có thể nhiều tổ chức, cá nhân chấp nhận mức phạt này vì lợi nhuận cao hơn. Chính vì thế, cần mức xử phạt cao hơn và nghiêm khắc hơn.
Chị Bùi Lan Anh, trú tại quận Long Biên, Hà Nội cho rằng: “Mình không hài lòng khi thông tin của mình bị lộ ra bên ngoài. Về hình thức xử phạt thì nếu như chỉ xử phạt hành chính, đánh vào kinh tế thì đối với cá nhân thì có thể đủ sức răn đe. Nhưng với một công ty, khi họ cần một số điện thoại để sử dụng thì người ta cũng sẵn sàng bỏ ra một khoản để nộp phạt sau đó người ta lại sử dụng thông tin cá nhân của người khác để phục vụ mục đích của mình. Theo mình thì cũng nên có chế tài khác ngoài phạt tiền.”
Nhiếu ý kiến cũng đề xuất, phải xử phạt cả những người mua, sử dụng thông tin cá nhân của người khác. Anh Nguyễn Văn Hùng, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho rằng: “Theo tôi thì mức xử phạt này có phần hơi nhẹ. Bởi nhiều người sẵn sàng đánh đổi mức xử phạt này để bán dữ liệu. Nếu cần thiết thì nên có chế tài xử phạt cao hơn, nếu cần nữa thì xử phạt hình sự. Theo tôi khi xử phạt cần xử phạt cả người bán và người mua. Nhưng xử phạt đối tượng bán cần xử phạt cao hơn. Với người mua phạt cũng phải có sức răn đe”
Ông Lê Thanh Tùng, chuyên gia An ninh mạng cho rằng, trong pháp luật hình sự tại điều 159 và điều 288 của bộ luật Hình sự có những quy định liên quan tới xử lý vi phạm khi kinh doanh dữ liệu của người khác, kinh doanh thông tin cá nhân của người khác với hình phạt khá nặng. Hình phạt cao nhất lên tới 7 năm tù. Tuy nhiên, việc thực thi điều luật này còn nhiều vấn đề bởi các quy định này chưa cụ thể, chưa rõ ràng như: việc truy nguồn gốc ai là người vi phạm, dữ liệu lấy từ đâu, bị hại là ai…việc Bộ Công an vừa hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định bảo vệ dữ liệu cá nhân để lấy ý kiến cá nhân, tổ chức đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, bởi đây sẽ là công cụ hữu hiệu để bảo vệ dữ liệu cá nhân và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm.
Ông Lê Thanh Tùng cho biết: “Chúng ta sẽ thống nhất về tiêu chuẩn thế nào là dữ liệu, phạm vi sử dụng dữ liệu ở đâu, chức năng, quyền hạn của từng nhóm, vai trò sử dụng dữ liệu đấy thế nào. Nước ta cũng như các nước trên thế giới, quyền riêng tư là một trong những quyền cơ bản nhất của con người. Việc nghị định này ra đời sẽ giải quyết được những bất cập, hạn chế về chế tài pháp lý cho việc xử lý lộ thông tin cá nhân. Ý nghĩa quan trọng hơn là nó có tác dụng phòng ngừa, răn đe và ngăn chặn từ sớm trước khi các hành vi phạm tội diễn ra.”
Đông đảo người dân kỳ vọng, nghị định này khi thông qua sẽ là văn bản luật rất cần thiết, hiệu quả trong bối cảnh dữ liệu cá nhân bị đánh cắp và mua bán phức tạp như hiện nay../.
Từ khóa: lộ thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, an ninh mạng, Dự luật
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN