Xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật: Mạnh tay hay nhân văn?
Cập nhật: 30/04/2024
Vụ 4 người trong một gia đình tử vong: Bắt giữ người con trai là nghi phạm
Đèn xanh còn 5 giây đã dừng lại do sợ bị phạt: Có vi phạm an toàn giao thông?
VOV.VN - Việc xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật đang được sửa đổi, hướng tới các biện pháp nhân văn, phù hợp với tâm lý lứa tuổi nhưng vẫn đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật.
Thời gian gần đây, tội phạm chưa thành niên tăng về số lượng, mức độ, thủ đoạn phạm tội cũng diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi, hành vi ngày càng manh động. Theo thống kê sơ bộ, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 13.000 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, tỷ lệ gây án ở tuổi vị thành niên là: 5,2% đối với người dưới 14 tuổi, 24,5% đối với người từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và 70.3 đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi.
Hầu hết người chưa thành niên thường chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần nên chưa thể tự bảo vệ mình một cách tốt nhất. Do đó, xây dựng hệ thống tư pháp đối với người chưa thành niên như thế nào đảm bảo nhân văn, giáo dục hiệu quả là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên đang được soạn thảo.
“Tội phạm đang có xu hướng trẻ hóa với tính chất, hành vi manh động và đáng lo ngại. Điều này cho thấy công tác giáo dục đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên ở độ tuổi vị thành niên cần phải được quan tâm hơn nữa. Giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống đối với các bạn trẻ khi còn ngồi trên ghế nhà trường”- Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận định.
Thực tế chính sách pháp luật đối với người phạm tội ở độ tuổi dưới 18 đã theo hướng khoan hồng, nhân đạo hơn, tạo điều kiện cơ hội sửa chữa lỗi lầm. Tuy nhiên một số đối tượng phạm tội lại coi đó là kẽ hở, cố ý lợi dụng để thực hiện hành vi vi phạm. Nhìn nhận nguyên nhân thực trạng, Luật sư Trần Tuấn Anh, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội nhận định: “Theo tôi nguyên nhân đến từ rất nhiều phía. Phía thứ nhất từ môi trường giáo duc. Chúng ta không tạo ra được sức đề kháng cho các lực lượng thanh thiếu niên trước sự xâm nhập của các thông tin xấu độc từ mạng internet. Thứ hai, môi trường giáo dục từ gia đình, buông lỏng quản lý của các bậc cha mẹ”.
Cùng với xu hướng trẻ hóa các loại tội phạm và sự gia tăng của tội phạm chưa thành niên, việc xem xét hệ thống tư pháp đặc biệt đối với những người phạm tội ở lứa tuổi này cũng là vấn đề đặt ra bởi người chưa thành niên, thường chưa có sự phát triển đầy đủ về thể chất, tinh thần.
Tại Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên, có sự phối hợp của Cơ quan Phòng chống ma túy và Thực thi pháp luật quốc tế, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, bà Lesley Miller, Phó trưởng đại diện Unicef tại Việt nam, nhấn mạnh, người chưa thành niên là nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội , do đó không áp dụng hình phạt tù giam mà sử dụng các biện pháp dựa vào cộng đồng. Để triển khai cách tiếp cận này, chúng ta cần có lực lượng nhân viên công tác xã hội và nhân viên phụ trách tư pháp người chưa thành niên. Ở Việt Nam hiện chưa có lực lượng nhân viên công tác xã hội này ở cấp huyện và xã. Đây sẽ là những người hỗ trợ, hướng dẫn, đồng thời giám sát quá trình thực hiện các biện pháp.
Hướng tới thực thi một quy trình tố tụng thân thiện để tránh tạo ra những tổn thương, mặc cảm, Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Thế Liên, Hiệu trưởng Trường Đại học Chu Văn An, nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp cho rằng, nhiều thủ tục tố tụng hình sự thực sự chưa đảm bảo lợi ích tốt nhất cho người chưa thành niên. Hệ thống hình phạt đang áp dụng chưa phù hợp với đặc điểm tính chất, hành vi phạm tội của người chưa thành niên: “Xử lý chuyển hướng là biện pháp ưu tiên hàng đầu. Tôi rất muốn không nên đặt đây là một giai đoạn của tố tụng mà chỉ là giai đoạn đầu khi chúng ta tiếp cận người chưa thành niên phạm tội”.
“Đảm bảo ý nghĩa nhân văn và giáo dục hiệu quả”- Đây là nội dung được nhiều đại biểu tập trung thảo luận về Dự thảo Luật tư pháp người chưa thành niên tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban thường vụ quốc hội. Dự thảo luật mở rộng đối tượng người chưa thành niên từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu có tài sản riêng cũng có thể áp dụng hình phạt tiền không quá 1/3 mức tiền phạt mà điều luật quy định. Dự thảo luật cũng quy định giảm mức hình phạt tù với người chưa thành niên theo hướng: giảm mức hình phạt cao nhất với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi từ 18 năm xuống 15 năm tù, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi giảm từ 12 năm xuống 9 năm tù
Với tính chất là một đạo luật chuyên biệt về tư pháp người chưa thành niên, dự thảo luật điều chỉnh đồng bộ cả các biện pháp xử lý chuyển hướng hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự đối với người chưa thành niên. Trưởng Ban Công tác đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đồng tình giao cho tòa án xem xét quyết định: “Thông qua thủ tục tố tụng của tòa trên cơ sở phiên họp công khai do tòa án tổ chức với sự tham gia của người chưa thành niên phạm tội và đại diện cho các cơ quan tổ chức liên quan sẽ giúp người chưa thành niên nhận thức rõ hành vi vi phạm của mình. Sau khi nghe ý kiến trao đổi, đề xuất các liên quan có liên quan thì tòa án sẽ quyết định biện pháp xử lý chuyển hướng phù hợp nhất với người chưa thành niên. Quy định như vậy cũng tương tự như thẩm quyền của tòa án trong áp dụng một số biện pháp xử lý vi phạm hành chính”.
Các biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội được đưa ra trong dự thảo gồm: Khiển trách; xin lỗi bị hại; bồi thường thiệt hại; tham gia chương trình học tập; dạy nghề; tham gia điều trị và tư vấn tâm lý; lao động công ích; cấm tiếp xúc; hạn chế khung giờ sinh hoạt, đi lại; cấm đến một địa điểm nhất định; giáo dục tại xã, phường, thị trấn; quản thúc tại gia đình; giáo dục tại trường giáo dưỡng. Các hình phạt được áp dụng gồm cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, không áp dụng án chung thân, tử hình.
Về thi hành án phạt tù và tái hòa nhập cộng đồng, dự thảo luật quy định người chưa thành niên được giam giữ tại trại giam riêng, cán bộ quản giáo phải có trình độ, được đào tạo, am hiểu tâm sinh lý của đối tượng người chưa thành niên. Bảo đảm quyền được học tập đầy đủ của người chưa thành niên. Dự thảo luật cũng bổ sung quy định việc xét tha tù trước thời hạn có điều kiện cho người chưa thành niên phải thực hiện bất kỳ thời gian nào trong năm, rút ngắn 1/2 thời hạn được xóa án tích. Quy định doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không được phân biệt khi tuyển tuyển dụng, bổ sung nhiều biện pháp hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng khác.
Với ý kiến không nên quy định về hình phạt và thủ tục tố tụng thân thiện trong dự thảo luật tư pháp người chưa thành niên, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho rằng, nếu không quy định hình phạt và tố tụng thân thiện trong dự thảo thì không hình thành được bộ luật về mặt tư pháp. Nguyên tắc xử lý với người chưa thành niên không hướng đến mục tiêu trừng phạt mà thay vào đó là các biện pháp mang tính khoan dung hơn, mang tính giáo dục, cải tạo phục hồi, chuyển hướng hòa nhập cộng đồng từ đó cảm hóa hướng thiện, giúp người chưa thành niên sửa chữa lỗi lầm của mình, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.
Từ khóa: pháp luật, vi phạm pháp luật, lứa tuổi, pháp luật, xử lý, luật sư
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: pv/vov1
Nguồn tin: VOVVN