Xu hướng thi riêng để xét tuyển đại học có khiến "loạn" ôn thi tái diễn?
Cập nhật: 25/02/2022
Công an Lai Châu bắt 12 đối tượng lừa đảo qua mạng tại Campuchia
Thuê căn hộ cao cấp để bán ma túy, 2 thanh niên lĩnh hơn 31 năm tù
[VOV2] - Nét nổi bật trong mùa tuyển sinh 2022 là xu hướng tổ chức thi riêng để tuyển sinh. Với xu hướng này, bức tranh tuyển sinh năm nay có sự thay đổi như thế nào và có khiến tình trạng “loạn” ôn thi tái diễn?
Thêm nhiều trường ĐH tổ chức thi riêng
Năm nay, ngoài xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT và xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, lần đầu tiên các trường khối công an sẽ xét tuyển kết hợp giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và kết quả bài thi đánh giá năng lực do Bộ Công an tổ chức. Như vậy, Bộ Công an sẽ tổ chức một kỳ thi riêng để làm căn cứ tuyển sinh.
Đại úy Nguyễn Mạnh Tuấn, Trợ lý tuyển sinh, Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, với phương thức xét tuyển kết hợp này, điểm số từ kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ chiếm 40% tổng điểm và bài thi đánh giá năng lực của Bộ Công an sẽ chiếm 60% tổng điểm xét tuyển. Ngoài việc kiểm tra kiến thức, kỹ năng trong chương trình phổ thông, sẽ có các nội dung mới kiểm tra về tư duy logic, kỹ năng phán đoán, xử lý tình huống gắn với yêu cầu đào tạo đặc thù của trường công an.
Năm nay, ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tổ chức 7 đợt thi đánh giá năng lực tại nhiều tỉnh thành. Ngoài ra, có thể sẽ phối hợp với các trường ĐH khác tổ chức thi theo hướng ĐH Quốc gia Hà Nội cung cấp phần mềm, quy trình, đề thi và giám sát. Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - phó trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, đến nay đã có hơn 50 cơ sở đào tạo đăng ký sử dụng kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tăng thêm nguồn đề thi. Với những đề thi năm 2021 tiếp tục bổ sung 25-35% câu hỏi thi mới.
Tiếp nối 2 năm tổ chức kỳ thi đánh giá tư duy, năm nay trường ĐH Bách Khoa Hà Nội tăng tỉ lệ xét tuyển theo kết quả của kỳ thi này lên 60-70% chỉ tiêu tuyển sinh. Kỳ thi đánh giá tư duy do trường ĐH Bách Khoa chủ trì được nhiều trường ĐH hợp tác tổ chức và sử dụng kết quả để tuyển sinh. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho hay, đề thi mang tính phân loại để thí sinh vào được ngành phù hợp, cũng như giảm bớt sự cạnh tranh vào điểm thi THPT có thể đẩy mức điểm lên 27 vẫn trượt ĐH...
Thêm một trường tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực để phục vụ cho việc tuyển sinh trong năm nay là Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Bài thi đánh giá năng lực gồm các bài thi 8 môn đơn lẻ gồm Văn, Toán, tiếng Anh, Hóa học, Sinh học, Vật Lý, Lịch sử, Địa lý. Ở tất cả các bài thi, thí sinh sẽ phải thi hai hình thức trắc nghiệm và tự luận.
Sẽ không có “loạn” ôn thi
Nhìn nhận về xu hướng tổ chức các kỳ thi riêng làm căn cứ tuyển sinh, thầy Nguyễn Thành Công, trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, trước đây với mục tiêu 3 chung (chung đề, chung đợt, chung mục tiêu xét tuyển, xét tốt nghiệp), Bộ GD&ĐT đã làm rất tốt nhưng cũng bộc lộ nhược điểm nhất định.
Mấy năm trở lại đây kỳ thi THPT quốc gia chuyển thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, các phát biểu của Bộ GD&ĐT cho thấy đây đã trở thành kỳ thi tốt nghiệp theo đúng nghĩa. Do vậy mức độ đề dễ hơn, sự phân hóa kiến thức không giống thời kỳ thi THPT quốc gia dẫn tới các trường ĐH gặp khó khăn trong tuyển sinh.
“Theo quan sát của tôi, Bộ đã bật đèn xanh cho các trường tự chủ. Đề thi tốt nghiệp dễ hơn, do đó xu hướng tất yếu là các trường phải xây dựng một kỳ thi riêng, đề án tuyển sinh riêng giai đoạn này”.
So sánh các kỳ thi riêng hiện nay với giai đoạn trước năm 2002 khi các trường ĐH, CĐ tự tổ chức, tự ra đề và tự xét tuyển, thầy Nguyễn Thành Công đánh giá có nhiều khác biệt.
Trước năm 2002, các trường ĐH đều xét tuyển riêng, tự tổ chức thi riêng, mỗi trường một đề theo hình thức tự luận dẫn tới xuất hiện lò luyện riêng gây khó khăn cho thí sinh, nhất là khoản đi lại khi thi tốt nghiệp ở địa phương xong lại khăn gói về thành phố để ôn thi.
“Mặc dù vậy, cũng có thuận lợi là thí sinh xác định được mục tiêu từ ban đầu. Thí sinh có 2-3 ngyện vọng thì có thể thi 2-3 trường, nếu trường đó phù hợp thì các em có nhiều lựa chọn”.
Với thi riêng hiện nay, việc tuyển sinh thực hiện theo cụm trường chứ không phải từng trường riêng lẻ, hình thức thi trắc nghiệm, có một số trường kết hợp trắc nghiệm và tự luận. Với sự phát triển của viễn thông, mạng internet ngày nay thí sinh không phải đến từng trường ôn luyện mà có thể tham gia khóa học online hoặc các chương trình ôn luyện từ tài liệu trên internet. Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực có thể được xét tuyển chung cho nhiều trường. Điều này giúp thí sinh có nhiều lựa chọn hơn.
“Hiện nay việc thi theo cụm trường khó dẫn tới hình thành lò luyện riêng, “loạn” luyện thi như xưa. Giờ thí sinh hoàn toàn chủ động ôn tập theo mục tiêu của mình đề ra với những công cụ từ internet”.
Tuy nhiên, để tránh lãng phí và áp lực cho thí sinh khi phải tham gia quá nhiều kỳ thi, thầy Nguyễn Thành Công cho rằng các trường nên ngồi lại với nhau. “Các khối trường, nhóm trường có mục tiêu chung hoặc các ngành đào tạo liên quan thì hợp tác với nhau xây dựng đề tuyển sinh riêng. Một số trường nhỏ hơn có thể sử dụng kết quả của những trường lớn làm căn cứ xét tuyển”.
Thí sinh cũng cần xác định mục tiêu sớm, thi đúng trường và cố gắng ôn tập tốt để đạt được kết quả phù hợp mục tiêu của mình, tránh thi đi thi lại, tốn kém và mất thời gian.
Thí sinh chỉ thi tốt nghiệp THPT sẽ thiệt thòi
Một vài năm trước, điển hình là năm 2021, với phương thức xét tuyển dựa theo kết quả điểm thi tốt nghiệp, nhiều thí sinh điểm cao, thậm chí gần như tuyệt đối mà vẫn trượt ĐH. Điều này chứng tỏ, phần nhiều chỉ tiêu xét tuyển đã dành cho các phương thức khác như xét tuyển thẳng dựa trên giải các kỳ thi học sinh giỏi, tuyển thẳng HS trường chuyên, kết hợp xét học bạ với các kỳ thi chuẩn hóa. Do đó, chỉ tiêu dành cho phương thức xét tuyển theo kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT giảm đi.
Thầy Nguyễn Thành Công cho rằng, từ năm 2022 trở đi, nếu thí sinh chỉ tham dự kỳ thi tốt nghiệp để xét tuyển vào ĐH sẽ gặp thiệt thòi. “Nếu chỉ tập trung vào khối thi truyền thống thì không có nhiều cơ hội xét tuyển vào các trường ĐH, đặc biệt các trường tốp trên”.
Trước sự biến động trong phương án xét tuyển của các trường ĐH, thầy Công khuyên thí sinh cần xác định lại mục tiêu cho kỳ thi. Các em sẽ tham gia thi tốt nghiệp và đánh giá năng lực theo những trường nào, mục tiêu điểm là bao nhiêu, xét tuyển vào trường nào?
Xác định mục tiêu là bước đầu tiên sau đó là ôn tập. “Điểm thuận lợi của kỳ thi đánh giá năng lực so với thi tốt nghiệp trước đây là nếu như thi tốt nghiệp, một số câu hỏi thuộc mức độ vận dụng cao đòi hỏi thí sinh phải học sâu, giải tốt bài toán khó mới đạt điểm cao. Tuy nhiên, bài thi đánh giá năng lực mang tính chất rộng hơn, các em chỉ cần học trong SGK, liên hệ thực tế cuộc sống, rèn luyện kỹ năng đọc hiểu và một số kỹ năng khác là có thể làm tốt bài thi đánh giá năng lực”.
Kỳ thi nào đi nữa đều phải dựa trên kiến thức nền tảng trong quá trình học ở trường phổ thông, đặc biệt kiến thức SGK. Giai đoạn đầu tiên bước vào ôn thi, học sinh cần phải rà soát hệ thống kiến thức, đọc thật kỹ SGK, hệ thống hóa kiến thức, xây dựng hệ thống kiến thức của riêng mình
Tiếp đó, thí sinh tham khảo đề thi của các cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức thi riêng như ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội...
Sau khi tham khảo các em có thể tham gia các khóa ôn, vá kiến thức còn thiếu, rèn kỹ năng tính toán, đọc hiểu... xuất hiện trong bài thi mà trước đây không có trong đề thi tốt nghiệp THPT, chuẩn bị kỹ năng làm bài, tâm lý phòng thi để tự tin bước vào các kỳ thi riêng./.
Nghe chương trình tại đây:
Từ khóa: thi riêng, đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xu hướng, xét tuyển ĐH, thầy Nguyễn Thành Công, VOV2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2