Xét xử vụ "Khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân": 3 người trợ giúp ngôn ngữ

Cập nhật: 16/01/2024

VOV.VN - Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 10 ngày. Để đảm bảo quyền lợi của các bị cáo, cùng với bố trí các các luật sư bào chữa, Hội đồng xét xử còn bố trí 3 người thuộc các dân tộc Ê-Đê, M’Nông, Jarai để trợ giúp các bị cáo về mặt ngôn ngữ.

Hôm nay, 16/1/2024, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Tòa án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa lưu động xét xử sơ thẩm Vụ án “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Khủng bố; Tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép; Che giấu tội phạm”. Vụ án xảy ra tại huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk vào rạng sáng 11/6/2023, khiến 9 người là cán bộ xã và công an xã và người dân tử vong, 2 chiến sĩ công an khác bị thương.

Trong phiên tòa này có 100 bị cáo được đưa ra xét xử. Các bị cáo có địa chỉ cư trú tại 13 huyện, thị xã, thành phố, của 4 tỉnh: Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và An Giang. Trong đó có 53 bị cáo bị xét xử về tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”,  45 bị cáo bị xét xử về tội khủng bố, 1 bị cáo bị xét xử về tội tổ chức cho người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép”, 1 bị cáo bị xét xử về tội "che giấu tội phạm”. 94/100 bị cáo đã có mặt tại phiên tòa, 6 bị cáo vắng mặt, đang bị truy nã đặc biệt.

 

Như đã thông tin, vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân của các bị cáo, xảy ra vào đêm ngày 10 rạng sáng 11/6/2023, với nhiều đối tượng, sử dụng súng và nhiều loại vũ khí khác, tấn công trụ sở xã Ea Ktur và Ea Tiêu, huyện Cư Kuin. Những đối tượng này chia làm hai nhóm, sát hại Bí thư Đảng ủy xã Ea Ktur, Chủ tịch UBND xã Ea Tiêu, 4 công an và 3 người dân; làm hai công an và nhiều người khác bị thương.

Cơ quan điều tra xác định, trong các bị cáo có nhiều người dân tộc thiểu số bị nhóm phản động, lưu vong ở Mỹ như: Y Mút Mlô, Y Bút Êban, Y Êya Niê, Y Ciu Niê, Y Chanh Byă và Y Quynh Bdap (đang bị truy nã) kích động, lôi kéo, dụ dỗ tham gia tổ chức phản động. Sau đó, những thành phần cốt cán trong nước nghe theo sự chỉ đạo của nhóm ở nước ngoài tiếp tục lôi kéo, đe dọa, cưỡng ép một số người dân tộc thiểu số khác thành lập nhóm vũ trang để hoạt động khủng bố, phá hoại.

Vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe của cán bộ, người dân, phá hủy tài sản của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh, mục đích nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Quá trình điều tra, các bị cáo cho rằng mình thiếu hiếu biết hoặc do bị đe dọa nên đã tham gia hoạt động phạm tội. Họ bày tỏ ăn năn và xin khoan hồng, giảm nhẹ hình phạt. Nhưng tại phiên tòa sáng nay, qua những thông tin nhân thân ban đầu cũng cho thấy không ít bị cáo đã từng có tiền án vượt biên, gây rối; có những bị cáo (như Nay Dương-sinh năm 1968) đủ học vấn và nhận thức nhưng vẫn cùng người thân thực hiện hành phạm tội.

Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 10 ngày. Để đảm bảo quyền lợi của các bị cáo, cùng với bố trí các các luật sư bào chữa, Hội đồng xét xử còn bố trí 3 người thuộc các dân tộc Ê-Đê, M’Nông, Jarai để trợ giúp các bị cáo về mặt ngôn ngữ trong quá trình nghe xét hỏi hoặc trả lời. Do số lượng bị cáo đông, trong phiên xét xử sáng nay, chủ tọa phiên tòa đã cho phép phần lớn bị cáo đứng tại chỗ, dùng micro để trả lời các câu hỏi.

VOV sẽ tiếp tục thông tin về phiên tòa này trong các phiên xét xử sắp tới.

 

Nhìn lại vụ tấn công khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân tại Đắk Lắk

VOV.VN - Theo cơ quan điều tra, do thiếu hiểu biết, có những khó khăn về đời sống kinh tế, các đối tượng cốt cán trong nước bị các đối tượng phản động, lưu vong ở Mỹ lôi kéo, dụ dỗ, đe dọa, cưỡng ép một số người dân tộc thiểu số nhẹ dạ, cả tin khác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk thành lập nhóm vũ trang lấy tên gọi là “lính Đêga” để tiến hành hoạt động khủng bố.

Từ khóa: khủng bố, Đắk Lắk , xét xử,công an,khủng bố, chính quyền nhân dân, ngôn ngũ

Thể loại: Giáo dục

Tác giả: đình tuấn/vov- tây nguyên

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập