Xét xử vụ án ở GPBank: Bị cáo thừa nhận cho "công ty bình phong" vay vốn

Cập nhật: 23/03/2021

VOV.VN - Các bị cáo là cựu lãnh đạo GPBank thừa nhận việc cho Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực Sài Gòn có nhiều sai phạm.

Ngày 23/3, TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa ra xét xử vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” xảy ra tại Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu khí Toàn Cầu (GPBank). Vụ án được xác định gây hậu quả thiệt hại 961 tỷ đồng cho GPBank.

13 bị cáo hầu tòa gồm: Tạ Bá Long (SN 1955, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị GPBank), Đoàn Văn An (SN 1958, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị GPBank), Phạm Quyết Thắng (sinh năm 1973, nguyên Tổng Giám đốc GPBank), Đỗ Trung Thành (sinh năm 1970, nguyên Phó Tổng Giám đốc GPBank) và 9 bị cáo khác.

Tại phần xét hỏi, HĐXX tập trung thẩm vấn nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ của GPBank, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh về tính pháp lý của tài sản đảm bảo, việc thẩm định và hoàn thiện hồ sơ vay vốn của Công ty Cổ phần Phát triển Điện lực Sài Gòn (viết tắt là Công ty Điện lực Sài Gòn), định giá tài sản bảo đảm...

Hầu hết các bị cáo được thẩm vấn đều thừa nhận việc sai phạm trong thẩm định hồ sơ vay. Bị cáo Lương Hồng Thái (nguyên Phó Giám đốc GPBank, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) khai đã chỉ đạo nhân viên cấp dưới hoàn thiện hồ sơ để cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay vốn, mặc dù biết việc không có sự thẩm định thực tế tại Công ty Điện lực Sài Gòn; không có sự thẩm định thực tế tài sản bảo đảm là 6 căn hộ; thu thập hồ sơ tín dụng của khách hàng không đầy đủ, song họ vẫn ký Báo cáo thẩm định giá trị tài sản...

Bị cáo Nguyễn Toàn Thắng (SN 1974, nguyên Phó Giám đốc GPBank, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) thừa nhận đã không kiểm tra chi tiết hồ sơ vay vốn do tin tưởng các bộ phận chức năng thực hiện đúng quy định. Bị cáo chỉ can thiệp sau khi ngân hàng đã cho vay và lúc này phát hiện hồ sơ vay "có vấn đề".

Bị cáo Thắng khai nhận: "Sau khi thẩm định, bị cáo biết rằng Công ty Điện lực Sài Gòn là công ty bình phong, các vị trí của công ty này là hư danh. Bởi vậy, việc kiểm tra giám sát vốn vay rất khó khăn khi tiếp xúc khách hàng."

Sau khi phát hiện ra nguy cơ lớn ở khoản vay này, bị cáo Thắng khai đã cố gắng để khắc phục. "Khi phát hiện có vấn đề, bị cáo đã gây sức ép để thu hồi nợ và trên thực tế đã thu hồi được 4 lần. Bị cáo gây sức ép để M&C phải có văn bản đồng ý trả nợ thay cho Điện lực Sài Gòn". - Nguyễn Toàn Thắng khai trước tòa.

Bị cáo Nguyễn Thanh Tuấn (nguyên Trưởng phòng Phòng Hỗ trợ tín dụng GPBank, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh) bị xác định trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Tuấn biết việc không thẩm định thực tế tại Công ty Điện lực Sài Gòn; không thẩm định tài sản bảo đảm là 6 căn hộ; thu thập hồ sơ tín dụng của khách hàng không đầy đủ nhưng vẫn ký vào Tờ trình thẩm định không có tính khách quan, trung thực, không phản ánh đúng sự thật về khách hàng; ký Báo cáo thẩm định giá trị tài sản 6 căn hộ; ký đồng ý Phê duyệt tín dụng cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay...

Theo cáo trạng của VKSND tối cao, với động cơ, mục đích chiếm đoạt tiền, từ tháng 8/2011, Phùng Ngọc Khánh đã bàn bạc, thống nhất với Nguyễn Trọng Hiếu và Kim Văn Bộ lập khống hợp đồng mua bán 6 căn hộ Dự án cao ốc Sài Gòn M&C giữa Công ty M&C và Công ty Điện lực Sài Gòn với giá trị 477 tỉ đồng.

Đồng thời, Khánh nâng khống 255.000 cổ phần của Công ty M&C có giá trị thực theo kết luận định giá của Hội đồng định giá là hơn 14 tỉ đồng lên 510 tỉ đồng, để dùng làm tài sản thế chấp, đảm bảo cho Công ty Điện lực Sài Gòn vay 305 tỉ đồng, trong đó đã chiếm đoạt hơn 290 tỉ đồng của GPBank.

Đến nay, không thể xác định giá trị cổ phần Công ty M&C nên về trách nhiệm dân sự, các bị cáo phải liên đới chịu trách nhiệm theo yêu cầu của GPBank là hơn 961 tỉ đồng (bao gồm nợ gốc 305 tỉ đồng, nợ lãi hơn 656 tỉ đồng)./.

Từ khóa: GPBank, sai phạm vay vốn, M&C, cao ốc Sài Gòn The one, TAND TP Hà Nội

Thể loại: Pháp luật

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập