Xét xử vụ án AIC: 8 bị cáo bỏ trốn, cựu Bí thư và Chủ tịch Đồng Nai hầu tòa
Cập nhật: 21/12/2022
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Đối với các bị cáo bỏ trốn trong vụ án AIC (trong đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn) sẽ được coi như từ bỏ quyền tự bào chữa. Tuy nhiên, tòa án vẫn chỉ định luật sư bào chữa cho các bị cáo.
Bị cáo không có mặt ở tòa nhưng HĐXX vẫn có thể kết tội theo đúng quy định
Hôm nay (21/12), TAND TP Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn (cựu Chủ tịch AIC) và 35 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Công ty AIC và các đơn vị có liên quan.
Trong số các bị cáo, Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Trần Mạnh Hà (Phó Tổng giám đốc Công ty AIC) bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “Đưa hối lộ”. Bị cáo Trần Đình Thành (nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Đồng Nai), Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) bị xét xử về tội “Nhận hối lộ”. Các bị cáo còn lại bị xét xử về các tội: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 20 ngày, xét xử cả thứ bảy, chủ nhật. Được biết, HĐXX gồm 2 thẩm phán, 3 hội thẩm nhân dân, do thẩm phán Mai Văn Quang làm Chủ tọa phiên tòa.
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo ở Bộ Công an diễn ra chiều 19/12, đại diện Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03) thông tin: 8 bị cáo đang bỏ trốn trong vụ án này hiện vẫn đang tiếp tục được lực lượng chức năng tiến hành truy bắt (trong đó có Nguyễn Thị Thanh Nhàn).
Đối với các bị cáo trốn truy nã, coi như từ bỏ quyền tự bào chữa tại tòa nhưng TAND TP Hà Nội vẫn phân các luật sư chỉ định để bào chữa cho bị cáo.
Nói về vấn đề này, luật sư Hà Trọng Đại (trưởng hãng luật Hà Trọng Đại và cộng sự, đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Theo quy định của pháp luật, Tòa án có thể xét xử vắng mặt nếu việc truy nã, truy tìm không có kết quả. Ở vụ án này, ngay từ khi bắt đầu khởi tố, cơ quan cảnh sát điều tra đã truy nã các bị cáo. Để đảm bảo theo các quy định của pháp luật, cơ quan tố tụng mà cụ thể là TAND TP Hà Nội đã chỉ định cho mỗi bị cáo một luật sư bào chữa”.
Theo luật sư Hà Trọng Đại, với những trường hợp như vậy, HĐXX sẽ căn cứ vào các hồ sơ của vụ án đã được các cơ quan tố tụng cung cấp, chứng cứ vật chất, lời khai của nhân chứng và bị cáo khác… Khi các chứng cứ đầy đủ thì dù bị cáo không có mặt tại tòa, vẫn có thể kết tội bị cáo theo đúng quy định của pháp luật.
Trước đó, trả lời báo chí, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho biết, Tổng Bí thư – Trưởng Ban Chỉ đạo đã nhiều lần nhấn mạnh: Dù có trốn ra nước ngoài cũng không thoát được sự trừng trị của luật pháp.
Ông Nguyễn Thái Học dẫn lại khoản 2 điều 290 Bộ luật tố tụng hình sự quy định sự có mặt của bị cáo tại phiên tòa, trong đó nêu rõ bị cáo trốn và việc truy nã không có kết quả thì có thể xét xử vắng mặt. Việc xét xử đối với các bị cáo trong bất kỳ vụ án nào mà xử vắng mặt thì cũng phải tuân theo quy định của luật pháp.
"Do vậy, đối với các vụ án đã khởi tố điều tra nếu có đầy đủ cơ sở, chứng cứ nhưng đối tượng đã bỏ trốn, việc truy nã không có kết quả thì chúng ta vận dụng quy định của luật pháp để xem xét xử lý", ông Học cho biết.
Hối lộ cho quan chức tỉnh rồi "nâng khống" giá thiết bị
Ở vụ án này, cáo trạng xác định: Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn là người thành lập, đại diện theo pháp luật và điều hành hoạt động Công ty AIC, giữ các chức danh: Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Bị cáo Nhàn có vai trò chủ mưu, cầm đầu, chỉ đạo và trực tiếp thực hiện các hành vi vi phạm quy định về đấu thầu.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn thiết lập quan hệ với người có chức vụ ở tỉnh Đồng Nai thời điểm đó là Trần Đình Thành (Bí thư Tỉnh ủy), Đinh Quốc Thái (Chủ tịch UBND tỉnh), Bồ Ngọc Thu (Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai), Phan Huy Anh Vũ (Giám đốc Bệnh viện Đồng Nai, đại diện Chủ đầu tư) để đặt vấn đề giúp AIC thắng các gói thầu tại Dự án Bệnh viện Đồng Nai.
Đồng thời bị cáo Nhàn trực tiếp đưa hoặc chỉ đạo nhân viên đưa tiền, lợi ích vật chất để hối lộ những người này với tổng số tiền 43,8 tỷ đồng, nhằm mục đích giúp AIC trúng thầu trái pháp luật.
Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị cáo buộc đã chỉ đạo các Phó Tổng Giám đốc Hoàng Thị Thúy Nga và Trần Mạnh Hà cùng nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn để tạo điều kiện cho Công ty AIC thông thầu; tạo "quân xanh, quân đỏ"; gian lận trong việc lập hồ sơ dự thầu... Hậu quả, Công ty AIC trúng 16 gói thầu của Dự án Bệnh viện Đồng Nai, với tổng giá trị 655 tỷ đồng.
Quá trình đấu thầu, bà Nhàn chỉ đạo cấp dưới “nâng khống” giá từ 1,3 đến 2 lần so với giá đầu vào. Nhiều hạng mục, trang thiết bị ở các gói thầu bị đội giá lên so với giá thực tế, gây thiệt hại cho Nhà nước 152 tỷ đồng./.
Từ khóa: nâng khống giá thiết bị, vụ án AIC, xét xử vụ AIC, Nguyễn Thị Thanh Nhàn, TAND TP Hà Nội, truy nã bị cáo
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN