Xét xử các vụ gian lận thi cử: Nén bạc đã đâm toạc nhân cách!
Cập nhật: 25/09/2019
VOV.VN - “Nhận và đưa hối lộ” - đó mới là bản chất của những vụ gian lận thi cử mà dư luận mong chờ để xử đúng người, đúng tội.
Tuần qua, hai vụ gian lận điểm thi “đình đám” đã được đưa ra xét xử sơ thẩm tại Sơn La và Hà Giang nhưng cả hai phiên tòa đã phải hoãn ngay trong ngày đầu tiên vì thiếu nhân chứng. Dư luận đã từng bức xúc vì những kẻ coi thường kỷ cương, phép nước, trà đạp và tước đoạt cơ hội học tập của hàng trăm em học sinh trong mùa thi năm 2018 thì nay lại thêm một lần phẫn nộ vì cách hành xử của những vị từng mang danh “cán bộ”.
Phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án gian lận thi cử ở Sơn La ngày 16/9 đã phải hoãn vì thiếu nhân chứng |
Không bức xúc sao được khi mỗi phiên tòa được tổ chức đồng nghĩa với sự tốn kém tiền bạc của nhân dân, lãng phí thời gian, công sức của biết bao người. Không phẫn nộ sao được khi vụ án mà dư luận thừa biết là có yếu tố mua bán, trao đổi điểm bằng tiền, bằng bạc nhưng mới chỉ xử ở tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Và đặc biệt bức xúc hơn khi những người có liên quan trực tiếp đến vụ án, được tòa triệu tập đến phiên xét xử, họ thích thì đến, không thích thì viện đủ mọi lý do vắng mặt. Trong đó, có cả những người trực tiếp “dính dáng” vào phi vụ gian lận nhưng vì thiếu bằng chứng, họ chỉ đến tòa với tư cách nhân chứng.
Nói thẳng ra, phiên tòa nếu có đủ mặt những người từng mang danh “nhà giáo” và các em học sinh mới ở ngưỡng cửa cuộc đời thì đúng là “cái tát” với ngành giáo dục.
Và nói thẳng ra, nếu để địa phương “tự xử” như hiện nay thì những góc tối sẽ khó được làm sáng tỏ. Sẽ còn những nghi vấn, râm ran trong dư luận quần chúng.
Cũng bởi vậy, tại phiên họp thứ 37 của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua, liên quan đến vụ gian lận thi cử 2018 tại Sơn La, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết, nếu địa phương "lúng túng không làm được", Bộ Công an và VKSND Tối cao thống nhất sẽ rút hồ sơ lên Trung ương điều tra khởi tố về tội "Nhận và đưa hối lộ".
“Nhận và đưa hối lộ” - đó mới là bản chất của những vụ gian lận thi cử mà dư luận mong chờ để xử đúng người, đúng tội. Không có chuyện “gắp điểm bỏ tay người”, càng không thể có chuyện “nhờ” xem hộ điểm thi mà những người trong cuộc lại sốt sắng “nâng điểm”. Càng vòng vo, càng chối tội quanh co, chỉ càng làm cho người dân thêm một lần khinh bỉ những kẻ dám làm mà không dám chịu, những kẻ mà “nén bạc đâm toặc nhân cách”.
Thực tế, kết luận của Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an tuần qua về vụ nâng điểm thi THPT Quốc gia 2018 tại Hòa Bình đã cáo buộc ông Đỗ Mạnh Tuấn - nguyên Phó hiệu trưởng Trường PTDT nội trú Lạc Thủy nhận hơn 1 tỷ đồng trong vụ việc này. Ông Tuấn không chỉ bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” mà còn bị đề nghị truy cứu thêm về tội “Nhận hối lộ”.
Trong khi đó, tại Sơn La, quá trình điều tra cho thấy, nhiều đối tượng đã khai “nhận tiền để nâng điểm thi”, nhưng các cơ quan có thẩm quyền lại không xác định được người đưa tiền. Cụ thể, các bị can Nguyễn Thị Hồng Nga, Cầm Thị Bun Sọn, Lò Văn Huynh, Đặng Hữu Thủy khai “đã nhận tiền” của một số trường hợp để sửa bài nâng điểm cho thí sinh và đã nộp lại 2,4 tỷ đồng. Song kết quả điều tra cho thấy, những người liên quan khác đều không thừa nhận có thỏa thuận và đưa tiền cho các bị can Nga, Sọn, Huynh và Thủy. Do đó, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các bị can về tội Nhận hối lộ.
Dùng tiền để mong có tương lai sáng lạn cho con. Cầm tiền để làm những việc phi pháp, mờ ám khi mang danh “nhà giáo”. Nếu những vụ gian lận thi cử không được phanh phui thì không biết hậu quả gì sẽ mang đến cho xã hội. Chỉ một phi vụ mà các vị đã bỏ túi hàng tỷ đồng và nhiều hơn thế nữa. Nếu không xử nghiêm, không gọi đúng tội danh, không đưa những kẻ vi phạm pháp luật vào tù thì rất khó để thuyết phục người dân tin vào sự nghiêm minh của nền tư pháp.
Trong công cuộc làm trong sạch Đảng, trong sạch xã hội, đến cả cựu Ủy viên Bộ Chính trị, cựu Ủy viên Trung ương, cựu Tướng lĩnh, sĩ quan công an, quân đội cũng phải hầu tòa. Và ngay cả vụ đánh bạc nghìn tỷ phải triệu tập gần 100 bị cáo, 30 luật sư, 87 người có quyền và nghĩa vụ liên quan cũng đã được đưa ra xét xử đúng kế hoạch. Không có lý do gì, 2 phiên tòa cấp tỉnh lại cùng nhau hoãn, giống như sự trêu ngươi, thách thức dư luận.
Không ai dám đảm bảo rằng, phiên tòa được triệu tập lại vào tháng 10 tới, những “nhân chứng quan trọng” sẽ đủ bản lĩnh đến tòa nếu như họ tiếp tục lấy cớ bị “đau, ốm”./.
Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình “đội sổ” điểm thi THPT Quốc gia 2019
Hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ gian lận thi cử ở Sơn La
Từ khóa: gian lận thi cử ở sơn la, gian lận thi cử ở hà giang, nhận và đưa hối lộ
Thể loại: Tin tức sự kiện
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN