Xét tuyển đại học: Băn khoăn học ngành gì để không lo thất nghiệp
Cập nhật: 21/06/2020
Bộ trưởng Bộ Công an yêu cầu sắp xếp, tinh gọn bộ máy công an các cấp
Ông Lê Thanh Vân khai lý do nhận tiền cảm ơn "cho họ vui", không đòi hỏi
VOV.VN - Các thầy trong ban tư vấn tuyển sinh cho rằng, ngành nào đang nhiều người thất nghiệp nhất thì 4 năm sau sẽ có cơ hội việc làm hơn.
Học ngành gì, nghề gì để có cơ hội việc làm tốt, không lo thất nghiệp là câu hỏi chung của hàng ngàn thí sinh trước khi đặt bút đăng ký xét tuyển đại học.
Tư vấn cho thí sinh tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp được tổ chức hôm nay (21/6),GS.TS. Nguyễn Tiến Thảo,Phó ban đào tạo Đại học quốc gia Hà Nội, chia sẻ: "Cách đây 4 năm, các thầy trong ban tư vấn đã nói ngành nào bây giờ đang nhiều người thất nghiệp nhất thì 4 năm sau nó sẽ có cơ hội việc làm hơn, đó là quy luật. Tuy nhiên, các em cũng hãy căn cứ vào sở trường của mình nghiêng về nhóm môn học nào, phù hợp với lĩnh vực ngành nghề nào.Bởi chọn một ngành nghề theo sở trường, ngành mình mong muốn hướng đến thì sẽ có động lực cố gắng và khả năng thành công cao hơn so với việc chỉ chăm chăm chọn một ngành có cơ hội việc làm".
Ngày hội tuyển sinh là cơ hội để các thí sinh tìm hiểu rõ hơn về các ngành đào tạo, cơ hội nghề nghiệp khi đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. |
TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho rằng, hiện nay thí sinh có xu hướng quan tâm tới những ngành nghề truyền thống, được nhiều người biết đến. Song các em cũng nên nghĩ về việc làm 4 năm tới, mạnh dạn chọn những ngành nghề mới.
Còn theo ôngVũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), các ngành công nghệ thông tin, sức khỏe (điều dưỡng) và du lịch đang có nhu cầu nhân lực rất lớn hiện nay.
Tuy nhiên, khi chọn ngành, nghề, ngoài đam mê, sở thích, thí sinh cần phải có năng lực nhất định để có thể học và theo đuổi ngành nghề sau khi tốt nghiệp.
"Thực tế có những ngành như công nghệ thông tin, đòi hỏi người làm việc phải liên tục cập nhật, tái đào tạo nếu không sẽ bị lạc hậu bởi công nghệ thay đổi rất nhanh", ông Hùng nói.
PGS.TS. Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải, cũng khuyên các thí sinh nên mạnh dạn lựa chọn điều mình mơ ước. Thầy Chương cho biết với chuyên môn tốt về cơ khí ô tô, công nghệ ô tô, nhiều cựu sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải đã có vị trí việc làm rất tốt. Nhiều bạn đã nhanh chóng trở thành các chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
PGS.TS. Vũ Thị Hiền, Trường ĐH Ngoại thương gợi ý về ngành logistics. Cô Hiền cho biết, để thực hiện một quá trình đưa hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng, là quá trình rất phức tạp. Với nền kinh tế áp dụng công nghệ, ngành này giúp cung ứng hàng hóa trên thế giới thuận lợi hơn.
Lấy ví dụ cụ thể như hệ thống cung Walmart của Mỹ hiện có hệ thống logistics khổng lồ, ứng dụng công nghệ rất cao. Đây là ngành giao thoa giữa kinh tế và kỹ thuật, cung cấp cơ hội việc làm rất tốt. Các trường hiện nay lồng ghép với các chứng chỉ quốc tế, để sinh viên đáp ứng chuẩn đầu ra, có thể làm việc tại các công ty có quy mô quốc tế, chuyên nghiệp.
Với khối ngành Xã hội, nhiều thí sinh băn khoăn rằng, học ngành Lịch sử hay Văn học liệu có xin được việc làm?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Hồng, Phòng Quản lý đào tạo Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH QGHN) khẳng định những ngành học này có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Sinh viên Lịch sử có thể làm việc tại các cơ quan quản lý văn hóa, trung tâm, di tích, bảo tàng...
"Khi vào học, các em sẽ được học kiến thức nền tảng về lịch sử của Việt Nam và thế giới. Các em không nên quá lo lắng về tương lai nghề nghiệp trong ngành này", ông Hồng nói./.
Từ khóa: tuyển sinh, xét tuyển đại học, chọn ngành, chọn nghề, đăng ký xét tuyển đại học
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN