Xe ôm, nghề nguy hiểm trong đại dịch Covid-19
Cập nhật: 14/04/2020
Điện Biên tiếp nhận 11 công dân nhập cảnh, cư trú trái phép do Lào trao trả
Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả vụ cháy nhà trọ tại Thủ Đức
VOV.VN - Trong mùa đại dịch này, cuộc sống của những người hành nghề xe ôm gặp rất nhiều khó khăn, cũng như rủi ro nguy cơ cao truyền nhiễm bệnh.
Dịch vụ xe ôm là một trong những hình thức chuyên chở khá phổ biến ở nước ta và là một loại hình nghề nghiệp của những người nghèo hoặc không có trình độ chọn để mưu sinh. Trong các loại hình vận tải hành khách thì xe ôm không thuộc cơ quan, doanh nghiệp nào quản lý, trừ xe ôm công nghệ.
Từ khi thực hiện cách ly xã hội, thu nhập của người lái xe ôm giảm |
Anh Nguyễn Đức Tuấn, năm nay ngoài 40 tuổi, nhà ở Sơn La, làm nghề xe ôm được gần chục năm nay ở Hà Nội, cho biết, nghề này vất vả, nắng mưa là chuyện thường tình, để kiếm được khách đôi lúc cũng phải cạnh cạnh tranh giành giật với nhau, bị cướp khách là chuyện thường tình, luôn phải đối mặt với hiểm nguy, cướp bóc dọc đường...
Trước kia, chưa có dịch bệnh thu nhập cũng được 6-7 triệu đồng/tháng. Vài tháng nay, thu nhập giảm chỉ còn 1-2 triệu đồng/tháng cầm cự sống qua ngày.
Anh Tuấn cho hay, từ khi thực hiện chỉ thị cách ly xã hội, người dân ít đi lại, người hành nghề xe ôm càng gặp khó khăn hơn. Vì cuộc sống vẫn phải mưu sinh, có ngày chỉ được vài chục nghìn.
Người lái xe ôm không phải qua đào tạo, chỉ cần có kỹ năng lái xe và thông thuộc địa bàn là có thể hành nghề, nhiều người có việc làm vẫn làm thêm xe ôm lúc nhàn rỗi. Trong mùa dịch Covid-19, xe ôm luôn là đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao.
Anh Nguyễn Văn Hải, nhà ở Thái Bình, có thâm niên làm xe ôm tới 6 năm ở Hà Nội, cho biết bến xe, trường học nghỉ, xe ôm chỉ còn cách loanh quanh ở gần các bệnh viện để đón khách. Biết là nguy hiểm nhưng vẫn phải đi làm, kiếm được đồng nào hay đồng ấy.
"Từ khi có dịch cũng như thực hiện chỉ thị giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc, không tụ tập đông người nên ít khách, khó khăn chồng chất khó khăn. Nhưng vì cuộc sống, con cái vẫn phải đeo khẩu trang, dùng dung dịch sát khuẩn để đi làm", anh Hải chia sẻ.
Hiện chưa có số liệu thống kê bao nhiêu người làm nghề xe ôm. Gần đây, xuất hiện hình thức mới là xe ôm công nghệ thống nhất về giá cả, cách tính cước, qua một đơn vị quản lý chung như Grap, Bee.. Loại hình xe ôm này có thể ước tính được số người tham gia hành nghề, nhưng vẫn chưa đầy đủ. Nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm và bùng phát dịch bệnh, các hãng xe ôm công nghệ đã khuyến khích các đối tác tuân thủ quy định về việc phòng chống dịch tặng khẩu trang, nước rửa tay cho các tài xế tại các thành phố lớn.
Từ câu chuyện của nghề xe ôm cho thấy cần có những biện pháp quản lý, cũng như chính sách hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế này trong đại dịch Covid 19 |
Đến thời điểm hiện nay, khi cả nước thực hiện giãn cách xã hội các hãng xe ôm công nghệ đã tạm dừng hoạt động, nhưng đối với nhiều trường hợp khó khăn vẫn phải “liều mình” hành nghề kiếm sống. Anh Nguyễn Mạnh Hùng, ở Nam Định hành nghề xe ôm cho hay: Ở quê kiếm sống khó khăn phải ra Hà Nội làm xe ôm, mùa dịch này may mà được bác chủ nhà trọ giảm giá tiền thuê nhà.
"Mùa dịch mỗi tháng chỉ được 1-2 triệu, rất mong các cấp ban ngành hỗ trợ anh em xe ôm chứ giờ không đủ đóng tiền điện tiền nước, anh Hùng mong muốn.
Đối với những ngành nghề gặp khó khăn, được sự hỗ trợ của nhà nước thì việc xác định số lượng, người được thụ hưởng không gặp khó khăn vì có danh sách tại các cơ quan, đơn vị. Như trường hợp của gần 12.000 người bán vé số dạo ở thành phố Hồ Chí Minh đều có hợp đồng với công ty xổ số. Còn đối với trường hợp người hành nghề xe ôm, theo ông Lê Như Tiến, Đại biểu Quốc hội Khóa XII, XIII, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa- Giáo dục Thanh niên và Thiếu niên nhi đồng của Quốc hội, đây là đối tượng yếu thế trong xã hội, hoạt động nghề nghiệp tự do, dễ bị tổn thương trong đợt dịch này, nên cần được hưởng hỗ trợ của nhà nước.
"Chúng ta có thể xác định được những ai làm nghề xe ôm qua các tổ dân phố, công an khu vực để có thể thống kê, hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng", ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.
Từ câu chuyện của nghề xe ôm cho thấy cần có những biện pháp quản lý, cũng như chính sách hỗ trợ cho các đối tượng yếu thế này trong đại dịch Covid -19./.
Từ khóa: xe ôm, đại dịch, Covid-19, lây nhiễm dịch bệnh
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN