Xây nhà từ móng - điểm cộng cho VFF
Cập nhật: 21/01/2021
Cục diện Cúp C1 châu Âu được định đoạt ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ
Chuyển nhượng V-League: Cựu tuyển thủ Việt Nam thành đồng đội Công Phượng
[VOV2] - Nhờ cách ươm mầm hiệu quả, bóng đá Việt Nam hái được nhiều quả ngọt, từ ngôi vô địch Đông Nam Á, SEA Games, đến việc nhiều đội tuyển trẻ lọt vào vòng chung kết châu Á.
“Qua quá trình tập luyện ở đây thì em nghĩ là thầy cô nào cũng mong muốn chúng em sau này có thể đá cho nước ngoài, cũng có thể đá cho đội tuyển quốc gia, rồi vươn ra tầm thế giới ạ”. – Tân binh của đội dự tuyển nữ trẻ U13 Võ Ngọc Như Quỳnh phát biểu về mục tiêu sự nghiệp rất rõ ràng. Đó là được góp mặt trên con thuyền bóng đá nữ Việt Nam vươn ra biển lớn.
Năm 2020, Như Quỳnh là một trong 30 gương mặt vượt qua đợt tuyền chọn nhằm bổ sung lực lượng cho đội dự tuyển nữ trẻ U13 Quốc gia. Đây là đợt sát hạch thứ năm trong kế hoạch “đãi cát tìm vàng”. Trước đó, chuyên gia người Nhật Bản Akira Ijiri cùng các trợ lý đã đến Hà Nam, Nghệ An, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế. Ở đợt tuyển chọn cuối cùng diễn ra tại Hà Nội, hàng chục em nữ thuộc lứa 2007 - 2008 từ Sơn La, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Thanh Hóa, Thái Bình, Yên Bái, Quảng Ninh và cả Bình Dương đã có mặt. Chung cuộc, 30 em có năng lực vượt trội được lựa chọn, kiểm tra y tế an toàn và ổn định sinh hoạt, tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Bên cạnh đó, các em học văn hóa tại Trường năng khiếu Thể dục Thể thao Hà Nội, toàn bộ chi phí do VFF và Tổng cục TDTT chi trả.
“Các em U13 cũng đã được chính chuyên gia người Nhật Bản Akira và Ban huấn luyện đã đi tuyển chọn khắp mọi miền đất nước. Các em được về đây, có cơ sở vật chất rất là chuyên nghiệp, để các em được học tập và tập luyện. Mục tiêu và định hướng của Liên đoàn là phát triển bóng đá nữ, và cũng nhân rộng mô hình phát triển này để cho Việt Nam có cơ hội đi World Cup. Cho nên lãnh đạo Liên đoàn cũng đã cố gắng tạo môi trường và cơ sở vật chất tốt nhất để cho các em tập luyện. Vào những buổi sáng không đi học văn hóa thì sẽ vào phòng tập chức năng, và những buổi tối thì các em vào những phòng máy chiếu để phân tích và xem lại những trận đấu mà các em cần rút kinh nghiệm” - HLV Trần Duy Quang cho biết.
Còn theo HLV Akira, các em bắt đầu chơi bóng ở độ tuổi 13 là khá muộn, nhưng không xây dựng chiến lược “chín ép” để có kết quả trước mắt, thay vào đó sẽ chờ hai đến ba năm nữa. Bước đầu, các em được tập bài cơ bản, rèn kỹ thuật, kỹ năng cơ bản, các bài tập với bóng. Và tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam, ngoài 30 vận động viên đội U13 còn có 24 vận động viên đội U15, tạo ra bầu không khí rèn luyện đầy sôi động.
Còn với các đội nam, điểm nhấn mới nhất của công tác chăm lo cho bóng đá trẻ chính là việc ra đời 2 đấu trường hoàn toàn mới là U15 và U17 Cúp Quốc gia. “Vì đây là lứa tuổi mà sân chơi vẫn còn có hạn chế do các cháu vẫn phải duy trì việc học văn hóa. Chính vì vậy mà bên cạnh giải VĐQG U15 và U17, chúng tôi mở thêm sân chơi Cúp Quốc gia U15, U17. Tôi nghĩ các CLB cũng đánh giá rất cao và cũng là cơ hội để cho các cầu thủ trẻ của chúng ta khi mà hướng đến sự nghiệp bóng đá chuyên nghiệp, có thêm điều kiện để tích lũy kinh nghiệm. Các lứa tuổi này trước đây có khoảng 10 trận một năm, thì chúng tôi đang đặt mục tiêu phấn đấu khoảng 20 trận một năm” - Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Quốc Tuấn nêu rõ.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, những cầu thủ thuộc lứa tuổi U19 và U21 thì ngoài những giải đấu chuyên nghiệp, hầu hết đều tham gia các giải hạng Nhất, hạng Nhì, chính vì vậy, Liên đoàn cùng các chuyên gia đã phân tích kỹ lưỡng và đội tuổi cần tập trung là lứa tuổi 15 và 17.
“Đây là những độ tuổi tiềm năng, sau 4 năm nữa thì các em trong lứa tuổi tầm 21, bắt đầu có những vai trò đóng góp vào đội trẻ quốc gia, nhất là đội Olympic. Đồng thời chúng tôi mong muốn phát hiện ra những tiềm năng mới để bổ sung, củng cố lực lượng ĐTQG. Như chúng ta đã biết là sau Worl Cup U20 2017 tại Hàn Quốc thì đội tuyển chúng ta đã có từ 5 đến 6 vị trí xuất phát từ những cầu thủ trẻ, và điều này hứa hẹn sự ổn định về lực lượng trong thời gian dài, khi chúng ta hướng đến những mục tiêu xa hơn, đấy là vòng loại World Cup 2026, khi FIFA tăng số lượng đội tham dự từ 32 lên 48 đội. Đây là một trong những giải pháp mà chúng tôi đã tính toán cùng các chuyên gia, làm sao cho các cháu, đặc biệt từ lứa sinh năm 2003, có thêm những sân chơi, được cọ xát nằm phát hiện tài năng phục vụ cho sự nghiệp bóng đá lâu dài” - Ông Trần Quốc Tuấn phân tích.
Từ những động thái đầu tư tập trung, hay cải tiến phương thức tổ chức thi đấu cho bóng đá trẻ, VFF xứng đáng nhận “điểm cộng” cho chiến lược “xây nhà từ móng”.
Từ khóa: VFF, U13, U15, U17, Bóng đá nữ, chung kết châu Á, bóng đá nữ, bóng đá trẻ
Thể loại: Thể thao
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2