Xây dựng quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước

Cập nhật: 1 ngày trước

VOV.VN - Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. 

Chiều 19/2, tại cuộc họp về dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Nghị định phải quản lý toàn bộ "vòng đời" của tài nguyên nước. Trong đó, cần lưu ý các hành vi xâm phạm đến an toàn, chất lượng, số lượng của nơi sinh thuỷ, đầu nguồn nước, các cơ sở cấp nước.

Theo Phó Thủ tướng, Nghị định phải là công cụ quản lý thống nhất, mạnh mẽ, bảo đảm chất lượng, số lượng tài nguyên nước, an ninh, an toàn nguồn nước; thực hiện phân cấp, phân quyền, xác định trách nhiệm, thẩm quyền của từng chủ thể quản lý Nhà nước đối với từng nhóm hành vi vi phạm theo quy mô, mức độ phổ biến, tính chất phức tạp… Hình thức, mức xử phạt phải mạnh, kèm theo biện pháp khắc phục hậu quả đủ sức răn đe. Hành vi vi phạm cần được phân loại thành nhóm theo quy mô, mức độ tinh vi, phức tạp… gắn với trách nhiệm, thẩm quyền của các cơ quan quản lý, lực lượng có chức năng quản lý, thanh tra, kiểm tra, thống nhất từ cấp xã đến Trung ương.

"Việt Nam đứng trước nguy cơ mất an toàn tài nguyên nước khi 60% lưu lượng nước đến từ bên ngoài. Chất lượng nước trên các lưu vực sông ngày càng ô nhiễm, nhất là những đoạn đi qua đô thị, thành phố lớn. Nhu cầu khai thác, sử dụng nước ngầm rất lớn gây nguy cơ sụt lún, xâm nhập mặn. Vì vậy, tài nguyên nước là vấn đề hết sức nóng bỏng, bức xúc, cấp bách, đòi hỏi phải đổi mới phương thức quản lý thực chất, tạo chuyển biến căn bản, rõ trách nhiệm cơ quan quản lý Nhà nước, bộ, ngành, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng nước", Phó Thủ tướng nói.

Dự thảo Nghị định gồm 4 chương, 48 điều; quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt trong lĩnh vực tài nguyên nước. 

Theo báo cáo của cơ quan soạn thảo, Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước nhằm tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước. 

Cơ quan soạn thảo đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định bảo đảm phù hợp, đồng bộ và thống nhất với pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, pháp luật về tài nguyên nước và các quy định của pháp luật khác có liên quan; bảo đảm răn đe, không "hình sự hóa" vụ việc vi phạm.

Đồng thời, dự thảo Nghị định bảo đảm tính kế thừa những quy định của các văn bản xử phạt vi phạm hành chính theo Luật Tài nguyên nước năm 2012 còn phù hợp và đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn; loại bỏ quy định không còn phù hợp, kịp thời cập nhật, bổ sung quy định phù hợp với các quy định của Luật Tài nguyên nước năm 2023 và văn bản quy định chi tiết thi hành...

Phạm vi điều chỉnh của Nghị định là các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản vi phạm hành chính và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Trong đó, một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn đã được sửa đổi, bãi bỏ và bổ sung liên quan mức xử phạt; tư vấn lập báo cáo, điều tra cơ bản; dịch vụ tài nguyên nước; thẩm quyền xử phạt, hướng dẫn cụ thể xác định một số hành vi vi phạm…

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, địa phương cơ bản thống nhất với phạm vi điều chỉnh, bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định. Một số ý kiến đề xuất làm rõ cách xác định số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; quy định chặt chẽ việc xử lý đối với phần thu lợi bất hợp pháp đối với phần khai thác nước vượt lưu lượng, công suất của giấy phép...

Đại diện Hội Cấp thoát nước Việt Nam kiến nghị bổ sung quy định liên quan đến quy hoạch các nhà máy cấp nước; tăng nặng mức phạt các hành vi vi phạm liên quan đến khai thác nước ngầm.

Trong khi, đại diện Bộ Công an cho rằng, cần kết nối thông tin, dữ liệu xử phạt hành vi vi phạm hành chính về tài nguyên nước giữa các cơ quan, lực lượng có chức năng quản lý, thanh tra, kiểm tra, làm căn cứ xem xét xử lý tăng nặng, xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm nhiều lần.

Từ khóa: tài nguyên nước, tài nguyên nước, quản lý tài nguyên nước, phó thủ tướng, Trần Hồng Hà

Thể loại: Xã hội

Tác giả: lê hoàng/vov.vn

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập