Xây dựng đô thị Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Cập nhật: 15/03/2021

VOV.VN - Cố đô Huế được đánh giá là nơi bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán...

Để phát triển Thừa Thiên Huế tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của địa phương có đặc thù về di sản, bề dày lịch sử văn hóa, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 về “Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Mục tiêu là xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã giao các bộ ngành liên quan khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số có chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

Dự thảo Nghị quyết đang chuẩn bị cho phép áp dụng các tiêu chí đặc thù về quy mô, mật độ dân số, cân đối thu chi ngân sách, thu nhập bình quân đầu người và xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù nhằm giúp Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân. Dự thảo Nghị quyết có đề xuất 4 chính sách liên quan đến phí tham quan di tích, Quỹ bảo tồn di sản Huế, mức dư nợ mà tỉnh này được vay và sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Trung ương quản lý.

Ông Nguyễn Đại Vui, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Đây là những chính sách quan trọng tạo điều kiện thuận lợi để Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế; Xây dựng đô thị thông minh, phục hồi, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế.

“Các cơ chế chính sách cho Thừa Thiên Huế, một là thu phí và lệ phí di tích, nhu cầu cho trùng tu rất là lớn, cho nên, đề nghị nguồn thu phí lệ phí di tích được xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thừa Thiên Huế dành lại trong một thời gian để dành toàn bộ cho trùng tu. Thứ hai, là đề nghị hình thành Quỹ bảo tồn di sản để kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cho tỉnh cho nên đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét,cho phép điều chỉnh lại Luật Ngân sách."

Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa cho biết, Cố đô Huế được đánh giá là nơi bảo tồn tốt nhất các giá trị di sản truyền thống của Việt Nam, cả về di sản vật thể, phi vật thể, cảnh quan môi trường, lối sống, phong tục tập quán... Muốn xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành đô thị di sản phải tạo được hình thái đô thị đặc thù, mang đậm tính chất di sản của Việt Nam. Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, muốn đạt mục tiêu này phải mở rộng không gian đô thị Huế để bảo tồn di sản- giá trị cốt lõi.

“Bốn yếu tố cơ bản nhất mà Thừa Thiên Huế có, trước hết, nó là một cố đô và nó đã từng là thủ phủ của Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn, đã từng là kinh đô dưới thời Tây Sơn, sau đó mới thành kinh đô của triều Nguyễn. Quá trình hình thành một thủ phủ, tiến tới một kinh đô là nó đã tích tụ những tinh hoa văn hóa dân tộc và gần như giữ lại được một cách rất có hệ thống, giá trị di sản cung đình của Việt Nam,” ông Nguyễn Xuân Hoa nói.

Những năm qua, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Huế trở thành đô thị di sản- thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường, xứng tầm là trung tâm văn hóa- du lịch, y tế chuyên sâu, giáo dục- đào tạo, khoa học- công nghệ của cả nước. Đồng thời, phát triển các ngành kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh. Trong đó xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn; ngành công nghiệp sẽ tạo bước đột phá phát triển kinh tế, chú trọng phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin, công nghệ cao, thân thiện môi trường.

Đại học Huế có vai trò rất quan trọng trong việc địa phương này thực hiện các mục tiêu hướng đến đô thị di sản Quốc gia. Nhiều năm qua, Đại học Huế đã phát triển thêm nhiều ngành học mới, tái cấu trúc ngành học, trong đó có nhiều ngành học phục vụ cho sự phát triển của địa phương và khu vực.

“Đại học Huế năm 2019 đã bắt đầu mở rộng các ngành về du lịch, trong đó, du lịch về tâm linh, du lịch về giáo dục, du lịch về trải nghiệm cũng như du lịch về sinh thái thì Đại học Huế đã bắt đầu bám vào và sinh viên nâng từ quy mô từ năm ba trăm bây giờ lên trên một nghìn, nghìn ba trong tháng 5. Như vậy, Khoa Du lịch bây giờ tầm cỡ như một trường, về nghệ thuật văn hóa cũng như khoa học xã hội nhân văn cũng đang tập trung cấu trúc lại”- Tiến sĩ Nguyễn Quang Linh, Giám đốc Đại học Huế cho biết.

Trong đề án xây dựng và phát triển không gian đô thị Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050, đô thị mới bao gồm thành phố Huế hiện hữu cùng một phần thuộc các thị xã Hương Thủy, Hương Trà và huyện Phú Vang với diện tích khoảng 348 km². Đô thị Huế sẽ mở rộng theo hướng đông- tây và bắc- nam với trục cảnh quan "xương sống" là sông Hương, kéo dài từ phía tây Bình Điền về biển; kết nối biển Thuận An, đầm phá Tam Giang với trung tâm Huế. Với cách điều chỉnh mở rộng này, đô thị cổ với khu di sản thế giới- Kinh thành Huế ở bờ bắc sông Hương, đô thị ở bờ nam sông Hương sẽ được bảo tồn.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên Huế đã nỗ lực cùng các bộ ngành, triển khai hàng loạt công việc, trong đó có hai nội dung quan trọng là Đề án mở rộng thành phố Huế từ 70km2 lên 270 km2. Đề án này được Chính phủ thông qua và đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang xem xét. Đề án cơ chế chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế thuộc thẩm quyền Quốc hội phê duyệt, có 3 nhóm vấn đề. Một là, tiêu chí phân loại đô thị Thừa Thiên Huế; Hai là, đơn vị hành chính đặc thù Thừa Thiên Huế; Ba là, định mức chi cho văn hóa của Thừa Thiên Huế tương lai. Theo ông Phan Ngọc Thọ, Quốc hội đang quá trình thẩm tra, xem xét phê duyệt Đề án cơ chế chính sách đặc thù cho Thừa Thiên Huế. 

“Với quan điểm thành phố Huế tương lai sẽ là thành phố trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế, với diện tích đủ rộng để phát triển một cách toàn diện. Lấy trục cảnh quan sông Hương làm chính và mở rộng ở phía Nam, ở phía Bắc và tập trung theo trục sông Hương. Thành phố Huế tương lai sẽ bao gồm các hệ thống di sản, di tích để thuận lợi cho quản lý, vừa đảm bảo miền biển, đồng bằng cũng như vùng trung du để phát triển một cách toàn diện nền kinh tế,” ông Phan Ngọc Thọ cho hay./.

Từ khóa: Thừa Thiên Huế, đô thị Huế, cố đô Huế

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập