Xây dựng cửa khẩu thông minh gắn với kiểm soát nông sản xuất nhập khẩu

Cập nhật: 26/03/2024

VOV.VN - Để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nông sản xuất khẩu, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, cơ quan hải quan đã và đang tiếp tục xây dựng và nâng cao mô hình địa điểm kiểm tra hồ sơ tập trung.

Các cơ quan chức năng ở cửa chủ động phối hợp với các bộ, ngành sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, chi tiết mã số phân loại hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế; ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra.

Thực hiện kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, tỉnh Lạng Sơn được giao nhiệm vụ triển khai ứng dụng thí điểm nền tảng cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh, nhằm quản lý tổng thể và toàn diện hoạt động xuất, nhập khẩu qua cửa khẩu trên nền tảng công nghệ số.

Ông Phùng Văn Ba, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tỉnh Lạng Sơn cho biết: Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, nông sản qua cửa khẩu này luôn tăng cao. Hiện các lực lượng chức năng tại khu vực cửa khẩu đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đảm bảo thủ tục thông quan nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

“Cơ quan hải quan chúng tôi cũng tổ chức quán triệt các lực lượng tăng cường việc là tăng thêm thời gian làm việc, phân ca, phân kịp trực tiếp trực những vị trí làm việc đảm bảo đáp ứng được hoạt động xuất nhập khẩu” - ông Phùng Văn Ba nói.

Một điểm đổi mới rất đáng chú ý của việc áp dụng cửa khẩu thông minh gắn với kiểm soát nông sản xuất nhập khẩu mà các doanh nghiệp chuyên xuất nhập khẩu nông sản nhận xét, đó là: toàn bộ hoạt động của việc áp dụng thủ tục xuất nhập khẩu  cửa khẩu được công khai, minh bạch, doanh nghiệp dễ dàng biết được hàng hoá, phương tiện của mình đang ở đâu.

Bà Hoàng Thị Phương, Giám đốc Công ty TNHH xuất nhập khẩu Tuấn Nga cho biết: “Công ty tôi chuyên về xuất nhập khẩu nông sản, thời gian cao điểm thì doanh nghiệp lúc nào nhiều thì trên 30 xe, lúc ít thì trên dưới chục xe cả xuất cả nhập 2 chiều. Từ khi tiến hành cửa khẩu số, thì đây là bước đầu triển khai lúc đầu cũng gặp một chút khó khăn, xe cộ vì mọi người chưa quen vẫn có lực lượng hỗ trợ thì thời gian đầu có tắc một chút nhưng bây giờ cơ bản đi vào hoạt động bình thường, cũng rút ngắn được một số thủ tục vì làm được ở trên máy”.

Còn ông TIAN JINYU, Đại diện Maxvision Technology Corp nêu thực tế: “Chúng tôi là doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản, trước đây nhập khẩu vào thì rất lâu, có khi mất đến vài tiếng, có khi ách tắc mất đến nửa ngày. Trước đây, doanh nghiệp đăng ký bằng giấy không thể biết được trạng thái hàng như đã được báo bốc, hay phân công nhân, phân tổ, nhưng bây giờ chúng tôi đã được hướng dẫn sử dụng phần mềm cửa khẩu số, thông quan app hay trang web để mở tờ khai hàng hoá, phương tiện lên hệ thống. Điều này giúp doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong quá trình giao thương hàng hoá qua cửa khẩu”.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 13 về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, trong đó đặt ra yêu cầu: cải cách thủ tục, hiện đại hóa hệ thống thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại nông sản. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua, cơ quan hải quan đã tích cực đơn giản hóa thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, bố trí cán bộ giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ.

Ngoài ra, trong việc quản lý hàng nông sản xuất khẩu, cơ quan hải quan đóng vai trò như một mắt xích quan trọng vừa kiểm soát hoạt động xuất khẩu nông sản, vừa góp phần thúc đẩy hoạt động này phát triển.

Ông Lưu Mạnh Tưởng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết: “Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành chỉ thị về hải quan phi giấy tờ để giảm thời gian cho doanh nghiệp cũng như tăng hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước thông qua xử lý tập trung trên hệ thống, thực hiện chủ trương của Chính phủ về xây dựng chữ ký số, chúng tôi cũng đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hệ thống công nghệ thông tin, đáp ứng kim ngạch xuất nhập khẩu ngày càng tăng và hướng tới quản lý hải quan hiện đại ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới”.

Việc xây dựng cửa khẩu thông minh là phù hợp với định hướng chuyển đổi số của Chính phủ nhằm nâng cao năng lực, hiệu suất thông quan hàng hoá xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu đường bộ, đáp ứng nhu cầu giao thương ngày càng tăng giữa Việt Nam - Trung Quốc và các nước ASEAN. Theo đó, cửa khẩu thông minh sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI), xe tự hành không người lái AGV, hệ thống quản lý kho có sử dụng camera thông minh.

Bên cạnh đó, hai Bên sẽ nghiên cứu xây dựng Trung tâm chỉ huy để điều phối thông minh cũng như chia sẻ, kết nối dữ liệu và các điều kiện cần thiết khác đối với phía Trung Quốc để tạo thành một hệ thống thống nhất, bảo đảm năng lực tính toán, xử lý, lưu trữ, bảo mật,... thông qua Nền tảng cửa khẩu số" Lạng Sơn, Việt Nam và "Cơ chế một cửa" thương mại quốc tế Quảng Tây, Trung Quốc để tương tác thông tin về thủ tục hải quan và logistics tại khu vực cửa khẩu giữa hai bên.

Ông Dương Xuân Huyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn khẳng định: “Về xây dựng cửa khẩu thông minh, chúng tôi sẽ giao cho Ban quản lý Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng- Lạng Sơn phối hợp với các cơ quan chuyên môn của tỉnh Quảng Tây để khẩn trương xây dựng cơ sở hạ tầng như đường chuyên dụng, đường ray để hàng hóa lưu thông. Định hướng về mặt thời gian, tỉnh Lạng Sơn xác định cửa khẩu thông minh đến năm 2026 sẽ hoàn thành và thử nghiệm đến 31/12/2028, sau đó sẽ tiếp tục hoàn thiện về mặt công nghệ, hạ tầng. Nguồn lực cơ bản là xã hội hóa và một phần ngân sách, ngân sách Nhà nước sẽ xây dựng hạ tầng, còn các thiết bị sẽ là xã hội hóa”.

Để hỗ trợ thúc đẩy hoạt động nông sản xuất khẩu, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh, cơ quan hải quan thường xuyên chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương nơi có hàng nông sản xuất khẩu tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, cơ quan hải quan đã xây dựng, vận hành phần mềm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia nhằm tự động tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm quyết định phương thức kiểm tra trên cơ sở thu thập, xử lý các dữ liệu về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; chuyển hồ sơ đến các cơ quan kiểm tra, tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định; đảm bảo công khai minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành và các cơ quan liên quan.

Trong Công điện số 13, Thủ tướng Chính phủ đặt ra yêu cầu cải cách thủ tục, hiện đại hóa hệ thống thủ tục hải quan tạo thuận lợi cho thương mại nông sản. Trong đó, Bộ Tài chính được yêu cầu chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan thực hiện cải cách thủ tục, hiện đại hóa hệ thống thủ tục hải quan tạo thuận lợi cho thương mại nông sản. Bộ Tài chính cũng cần chủ trì, phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Ngoại giao trao đổi với Tổng cục Hải quan Trung Quốc xây dựng và mở rộng mô hình thí điểm cửa khẩu thông minh gắn với kiểm soát truy xuất nguồn gốc.

Từ khóa: cửa khẩu, cửa khẩu thông minh,xuất khẩu,nông sản

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: phạm hạnh/vov1

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập