Xây dựng cộng đồng học tập trong đội ngũ nhà giáo
Cập nhật: 27/12/2021
Bắt giữ 2 đối tượng vận chuyển 56kg pháo qua biên giới
Khởi tố, bắt tạm giam 2 phóng viên ở Gia Lai liên quan vụ "Cây chổi vàng"
[VOV2] - Mục tiêu quan trọng của chương trình bồi dưỡng giáo viên phổ thông là xây dựng được các cộng đồng học tập từ đó phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo cũng như nâng cao năng lực cho các giảng viên các trường sư phạm.
Ngày 27/12, Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông - ETEP (Bộ GD-ĐT) tổ chức tọa đàm: “Phát triển cộng đồng học tập trong đội ngũ nhà giáo để thực hiện thành công chương trình GDPT 2018”.
Buổi tọa đàm có sự tham gia của đại diện Cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT), giảng viên các trường sư phạm, giáo viên phổ thông cốt cán trường phổ thông...
Phát biểu tại buổi tọa đàm, TS. Đặng Văn Huấn – Phó Giám đốc, Ban Quản lý Chương trình ETEP nhấn mạnh, mục tiêu quan trọng và cũng là cuối cùng của chương trình bồi dưỡng giáo viên phổ thông triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 là xây dựng được các cộng đồng học tập từ đó phát triển năng lực nghề nghiệp cho đội ngũ nhà giáo cũng như nâng cao năng lực cho các giảng viên các trường sư phạm.
“Các nhà giáo cùng giao lưu, học tập để tạo cộng đồng, mạng lưới học tập rộng lớn tạo hiệu quả cao trong công việc và chất lượng cao hơn trong giáo dục thông qua các kênh giao tiếp trực tuyến cũng như hệ thống học tập trực tuyến LMS”, TS. Đặng Văn Huấn nhấn mạnh.
Cộng đồng học tập đó là cộng đồng của những giáo viên, giảng viên có chung mối quan tâm hoặc mục tiêu học tập, cùng tham gia để chia sẻ hoặc chuyển giao tri thức liên quan đến mối quan tâm đó. Đó là cộng đồng học tập giữa giáo viên cốt cán với nhau; giữa các giáo viên trong nhà trường phổ thông, cộng đồng học tập giữa giáo viên theo môn học của các trường phổ thông với nhau; cộng đồng giữa giáo viên với giảng viên sư phạm tham gia bồi dưỡng giáo viên…
TS. Nguyễn Thị Xuân Yến, giảng viên trường ĐHSP TP. Hồ Chí Minh chia sẻ, việc tham gia Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông không chỉ mang lại hiệu quả cho giáo viên phổ thông mà còn cho chính những giảng viên các trường sư phạm.
“Chúng tôi đã có những kết nối rất rộng lớn từ trong chính trường ĐHSP – giáo viên cốt cán – giáo viên phổ thông và tới cả phụ huynh. Bản thân được trao đi tất cả những kinh nghiệm mà tôi đã gặt hái được trong quá trình vào nghề của mình cho giáo viên phổ thông cốt cán để các thầy cô lan tỏa tới các giáo viên khác. Điều mà tôi nhận lại được là sự kết nối thực tiễn, được chia sẻ và kết nối cùng các đồng nghiệp và thấy rất hạnh phúc”, TS. Nguyễn Thị Xuân Yến chia sẻ.
Trong khi đó, cô giáo Phạm Thị Vol Gim (Tiền Giang), trong suốt thời gian qua, những giáo viên cốt cán đã nhận được sự hỗ trợ tận tình, kịp thời từ các giảng viên sư phạm. Bản thân giáo viên cốt cán cũng chủ động tạo lập các nhóm học tập và chia sẻ với đồng đồng nghiệp, những kế hoạch bài dạy và lan tỏa rất rộng không chỉ trong trường mà còn với những đồng nghiệp ở đơn vị khác.
Ngoài ra, cô Phạm Thị Vol Gim cho biết, họ còn tạo các nhóm với cha mẹ học sinh để nắm rõ và có những chia sẻ về bản thân học sinh, phối hợp cùng phụ huynh nâng cao chất lượng và hiệu quả học tập của học sinh.
“Cho đi là được”, thấy rằng bản thân tự tin hơn, tự phát triển năng lực cho bản thân và lan tỏa rộng hơn tới những giáo viên khác”, cô giáo Phạm Thị Vol Gim nhấn mạnh.
Thông qua chương trình tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, đặc biệt qua các cộng đồng học tập trong đội ngũ nhà giáo, cô Trang Minh Thiên (Cần Thơ) khẳng định bản thân đã mạnh dạn thay đổi phương pháp dạy học, trao quyền cho học sinh, chủ động cho học sinh hình thành các sản phẩm học tập, gảm hóa các bài hoc… giúp học sinh hứng thú hơn trong việc học tập cũng như phát huy được nhiều năng lực bản thân.
TS. Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo cho biết, Bộ GD-ĐT đã xây dựng chuẩn giáo viên, chuẩn hiệu trưởng để giáo viên tự đánh giá và nhìn nhận xem bản thân đã làm gì để phù hợp với yêu cầu của thực tiễn. Các modun bồi dưỡng giáo viên cũng được xây dựng trên tinh thần tiếp cận thực tế từ hoạt động bồi dưỡng của giáo viên.
“Về đánh giá bồi dưỡng thường xuyên trao toàn quyền giao cho cơ sở đánh giá, Bộ không quy định. Bộ GD-ĐT mong nhận được sự đồng tình của các thầy cô để công việc bồi dưỡng đi vào chất lượng và ngày càng hiệu quả hơn nữa”, TS. Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo mong muốn.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông - ETEP (Bộ GD-ĐT) từ năm 2019 đến nay, Chương trình ETEP đã bồi dưỡng 28.000 giáo viên cốt cán và 4000 cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán trong toàn quốc theo mô hình mới.
Từ khóa: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Etep, tập huấn giáo viên, cộng đồng học tập, năng lực, phẩm chất, giáo viên, giảng viên, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2