Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực thế nào để chặn tham nhũng, tiêu cực ?
Cập nhật: 10/12/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Nghị quyết 27 yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Bản chất của tham nhũng, tiêu cực là lợi dụng quyền lực. Kiểm soát tốt quyền lực chính là ngăn chặn được tham nhũng và tiêu cực. Đó là khẳng định của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khi trình bày Nghị quyết 27 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII vừa qua.
Nghị quyết 27 yêu cầu nghiên cứu thành lập các thiết chế mới về kiểm soát quyền lực để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tham nhũng, tiêu cực. Đây là lần đầu tiên Trung ương đề ra những giải pháp kiểm soát quyền lực Nhà nước theo nguyên tắc mọi quyền lực đều được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế, phải được ràng buộc bằng trách nhiệm, quyền lực đến đâu, trách nhiệm đến đó, quyền lực càng cao trách nhiệm càng lớn và lạm dụng, lợi dụng quyền lực phải bị truy cứu trách nhiệm, xử lý vi phạm.
Phóng viên VOV phỏng vấn GS.TSKH Phan Xuân Sơn, Viện Chính trị (Học học Viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) về nội dung này.
Các yếu tố để kiểm soát quyền lực nhà nước được đặt ra một cách rõ ràng
PV: Đa số những cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, thậm chí là bị đưa ra xét xử trước pháp luật trong thời gian vừa qua có thể là do lợi dụng quyền lực được giao để tham nhũng, tiêu cực. Từ thực tế này, một lần nữa Trung ương đặt ra vấn đề cần thiết phải hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước, thưa ông?
Ông Phan Xuân Sơn: Đúng như vậy. Để chống tham nhũng thì quan trọng nhất chính là phải xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực, để quyền lực không bị tha hóa. Tất nhiên cũng có thể kèm một số biện pháp khác nữa, nhưng cái đó là quan trọng nhất và mang tính bản chất trong tổ chức thực thi quyền lực Nhà nước và phòng, chống tham nhũng.
PV: Trong Nghị quyết 27, Trung ương xác định mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và phải được ràng buộc về mặt trách nhiệm. Cơ chế này nếu được thực hiện tốt liệu có khắc phục được tình trạng cán bộ, đảng viên lợi dụng quyền lực được giao để vi phạm pháp luật, thưa ông?
Ông Phan Xuân Sơn: Rõ ràng, nếu có cơ chế kiểm soát quyền lực tốt thì có tác dụng rất lớn trong việc ngăn chặn lạm dụng quyền lực để làm trái hoặc tham nhũng. Tất nhiên, xây dựng được cơ chế như vậy cũng rất khó, cần nhiều thời gian và nhiều công sức. Hiện nay, ở mức độ này, mức độ khác chúng ta cũng đã có quy định liên quan đến cơ chế, thế nhưng để có cơ chế rõ ràng, giản tiện cho việc thực thi kiểm soát quyền lực thì chưa đạt tới. Vì vậy, quá trình thực thi quyền lực vẫn xảy ra việc lợi dụng sơ hở của hệ thống để lạm quyền, dẫn đến tham nhũng. Muốn có một cơ chế như vậy thì còn phải làm rất nhiều việc.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng, cần đề cao vai trò giám sát quyền lực Nhà nước. Trong Nghị quyết 27, vấn đề này được đặt ra như thế nào, thưa ông?
Ông Phan Xuân Sơn: Nghị quyết 27 rất chú ý đến việc xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu hơn. Đã là cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước thì thường có cơ chế để tác động hay vận động bên trong bộ máy Nhà nước, giữa các cơ quan quyền lực, giữa các cấp chính quyền với nhau; giữa Nhà nước và môi trường của Nhà nước, hoặc xã hội.
Đối với bên trong bộ máy Nhà nước, Nghị quyết 27 đã đưa ra nhiều nội dung mới. Thứ nhất là đối với các cơ quan quyền lực của Nhà nước, Nghị quyết 27 nói rõ: Quyền lực Nhà nước là thống nhất nhưng có sự phối hợp chặt chẽ, phân công ràng buộc và kiểm soát hiệu quả giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực thi các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Nghị quyết cũng nói rõ cần phải có quy định để các cơ quan kiểm soát quyền lực lẫn nhau. Ví dụ, Chính phủ là cơ quan thực thi quyền hành pháp phải kiểm soát quyền lập pháp như thế nào? Kiểm soát hệ thống tòa án trong quá trình xét xử thế nào? Ngược lại, cơ quan tư pháp cũng phải có những quy định để kiểm soát trở lại hai cơ quan Nhà nước thực thi các quyền lập pháp và hành pháp.
Lần này, Nghị quyết đi sâu hơn những quan niệm từ trước đến nay về việc phân công phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước, triển khai rất sâu về những vấn đề liên quan học thuật.
Trong kiểm soát cơ quan Nhà nước lần này còn đề cập đến việc kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước từ Trung ương xuống địa phương, tức là không chỉ Trung ương kiểm soát địa phương mà địa phương được kiểm soát ngược trở lại Trung ương. Đồng thời tiến tới việc xây dựng cơ chế như thế nào để các cơ quan quyền lực bất kể cấp nào đều có thể trông chừng nhau, kiểm soát lẫn nhau.
Ngoài bộ máy Nhà nước, lần này Nghị quyết cũng nêu nhiều điểm mới được tổng kết từ thực tiễn thực thi quyền lực Nhà nước trong những năm vừa qua. Đảng là cơ quan quyền lực chính trị bên ngoài Nhà nước, lần này nhấn mạnh vai trò của các cơ quan kiểm tra, kiểm soát của Đảng trong kiểm soát quyền lực; Yêu cầu phối hợp giữa Ủy ban kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng với các cơ quan thanh tra, kiểm toán… để phát hiện những hiện tượng lạm dụng quyền lực, tham nhũng…
Yêu cầu tiếp theo đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, trước nay chúng ta cũng có nhiều quy định liên quan đến vai trò kiểm soát quyền lực của các tổ chức này về giám sát, phản biện xã hội, giám sát các đại biểu, công chức, quan chức ở cơ sở, kiến nghị trình Quốc hội các vấn đề. Lần này, Nghị quyết nêu các tổ chức này phải làm nòng cốt để nhân dân làm chủ nói chung và kiểm soát quyền lực Nhà nước nói riêng.
Nghị quyết cũng nêu rõ, làm thế nào để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước. Đây là ý rất mới vì nhân dân là chủ thể của quyền lực, ủy nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức để thực thi quyền lực. Tuy nhiên, ủy nhiệm xong thì có nguy cơ mất quyền. Tình trạng này đã được nhìn rõ và lần này Trung ương đặt yêu cầu làm thế nào đó để nhân dân trực tiếp kiểm soát quyền lực Nhà nước.
Giám sát, kiểm soát như thế nào thì cần phải có cơ chế đủ mạnh, trước hết là căn cứ vào bầu cử, đổi mới công tác bầu cử để nhân dân chọn đúng đại biểu xứng đáng mà họ lựa chọn. Sau khi nhân dân chọn thì Đảng thông qua công tác cán bộ để bố trí, sắp xếp sử dụng cán bộ. Nhân dân có quyền bầu cử thì cũng có quyền bãi miễn – đây chính là quyền trực tiếp để kiểm soát quyền lực Nhà nước. Tôi cho rằng ý tưởng này rất hay.
Tiếp theo, cơ chế kiểm soát quyền lực đặt trong bối cảnh đổi mới quản trị quốc gia, đặt tầm nhìn mục tiêu phát triển đến năm 2030-2045 cho nên tính hệ thống, đan cài các yếu tố để kiểm soát quyền lực nhà nước được đặt ra một cách rõ ràng.
Chưa có một cơ chế tổng thể về kiểm soát quyền lực
PV: Khi trình bày chuyên đề về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới” tại Hội nghị toàn quốc quán triệt nghị quyết Trung ương 6, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, Ban Nội chính đã nghiên cứu 2 năm nhưng chưa thể ban hành cơ chế vì rất khó. Theo ông, những khó khăn, thách thức trong xây dựng, hoàn thiện cơ chế, thể chế để thực hiện kiểm soát quyền lực trong bối cảnh hiện nay là gì?
Ông Phan Xuân Sơn: Đến bây giờ có thể khẳng định chúng ta đã nhận thức rất rõ việc xây dựng một cơ chế kiểm soát quyền lực nói chung và quyền lực chính trị quyền lực Nhà nước nói riêng. Việc này không phải dễ. Trước đây, các nhà khoa học đưa ra chuyện này nhưng không nhận được sự đồng tình, nhưng bây giờ thì Đảng ta đã đưa vào Cương lĩnh 2011, đưa vào trong các chủ trương, đường lối và nghị quyết, gần đây nhất là Nghị quyết 27 về “Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”, dành một nhiệm vụ xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước để chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là một bước tiến dài trong vòng khoảng 10 năm.
Về cơ chế, hiện nay chúng ta có những quy định khác nhau ở các lĩnh vực, văn bản, chỉ thị khác nhau. Nhưng một cơ chế có tính tổng thể về kiểm soát quyền lực thì chưa có. Để xây dựng một cơ chế với tên gọi như "Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ" thì cũng phải đổi mới nhận thức và quyết tâm làm.
Quay trở lại cơ chế, hiện nay chúng ta có cơ chế tổng thể vận hành của hệ thống chính trị là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Riêng chuyện này mà cụ thể hóa ra về việc nhân dân làm chủ thì có nhiều vấn đề liên quan để kiểm soát quyền lực rồi.
Bên cạnh đó, Hiến pháp, trong đó chế định rất nhiều chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quyền lực Nhà nước, các chủ thể chính trị trong xã hội. Đó cũng là điều cần lưu ý để xây dựng cơ chế. Cùng với đó, chúng ta có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ để điều chỉnh quan hệ Nhà nước và xã hội trên tất cả các lĩnh vực; có nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; chúng ta có quyền bầu cử, bãi miễn, khiếu nại, tố cáo…
Tuy nhiên, xây dựng cơ chế như thế nào thì cần phải nhìn vào những điều còn thiếu sau. Thứ nhất, chúng ta thiếu cơ chế bảo vệ Hiến pháp. Thứ hai, về Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ, mặc dù chúng ta đã nhận thức được nhưng trong đó có nhiều nội dung cụ thể thì hiện nay chưa xây dựng được cách thức thế nào. Vừa rồi, trong Nghị quyết 27 có nói, các cơ quan thực thi quyền lực Nhà nước kiểm soát lẫn nhau, ở đây đã bắt đầu manh nha tư duy biện chứng để xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực.
PV: Từ quá trình nghiên cứu hệ chính trị Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, ông có gợi ý gì trong việc hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước để chống tham nhũng, tiêu cực một cách hiệu quả?
Ông Phan Xuân Sơn: Các nghiên cứu về kiểm soát quyền lực Nhà nước ở nước ngoài cũng như Việt Nam hiện nay là khá nhiều và cũng khá lâu đời. Về nhận thức, chúng ta sử dụng những thành quả nghiên cứu về xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước của thế giới, trong nước, của các nhà khoa học. Bên cạnh đó, tổng kết thực tiễn, rút kinh nghiệm về kiểm soát quyền lực ở nước ta thời gian qua. Đồng thời mạnh dạn đề xuất ý tưởng cũng như nghiên cứu để tổ chức một cơ chế kiểm soát quyền lực trên thực tế và từ đó đưa vào cuộc sống, hoạt động của hệ thống chính trị, của Nhà nước. Từ đó chúng ta rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần cơ chế đó.
Sự nghiệp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một sự nghiệp rất lớn, rất gian nan, khó khăn mặc dù hiện nay chúng ta đã có những thành quả rất đáng mừng, được thế giới ghi nhận, nhân dân cả nước tin cậy. Khi xây dựng được cơ chế kiểm soát quyền lực, hy vọng rằng, sự nghiệp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngày càng hiệu quả hơn, đáp ứng được kỳ vọng của nhân dân cũng như bạn bè quốc tế.
PV: Xin cảm ơn ông./.
Từ khóa: kiểm soát quyền lực Nhà nước, Nghị quyết 27 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực Nhà nước
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN