Xây dựng cảng Liên Chiểu - Đà Nẵng theo hướng nâng công suất đón tàu

Cập nhật: 24/02/2021

VOV.VN - Chiều 24/2, Lãnh đạo Bộ Giao thông - Vận tải đã có buổi làm việc với Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng về quy hoạch hệ thống cảng biển Đà Nẵng.

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và Bộ Giao thông - Vận tải ủng hộ việc xây dựng cảng Liên Chiểu theo hướng nâng công suất đón nhận 200.000 tấn trở lên.

Tại buổi làm việc, Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng và Bộ Giao thông - Vận tải nghe báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và định hướng quy hoạch cảng biển Đà Nẵng.

Theo đó, hệ thống cảng biển Đà Nẵng là cảng biển loại 1, từng bước phát triển để đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế ở khu vực miền Trung, gồm các khu bến Liên Chiểu; Khu Tiên Sa; Khu bến Thọ Quang; Bến phao Mỹ Khê. Trong đó, cảng Liên Chiểu có chức năng giảm tải cho khu bến Tiên Sa, dần phát triển thành khu bến chính có vai trò cảng cửa ngõ quốc tế, tiếp nhận tàu 100.000 tấn, tàu container đến 8000 TEU và lớn hơn.

Theo đơn vị tư vấn, quy hoạch cảng Liên Chiểu gồm 8 khu bến container, diện tích 118 ha; 4 khu bến tổng hợp, diện tích 58,8ha; 4 khu bến dầu, đê kè chắn sóng dài 2190 mét, 10 km đường ngoài cảng...

Theo quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng, phía sau khu bến cảng Liên Chiểu có khu phát triển logistics kết nối với hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt Bắc - Nam, hệ thống kho bãi. Đơn vị tư vấn thiết kế cũng đề nghị UBND thành phố Đà Nẵng xem xét một số nội dung, như đối với khu bến Tiên Sa, Thọ Quang: không quy hoạch thêm cầu bến, giới hạn công suất 12 triệu tấn/năm, trong đó vận tải bằng đường bộ 10 triệu tấn/năm.

Khi cảng Liên Chiểu chưa đưa vào khai thác thì Tiên Sa là khu bến chính; Đề nghị tăng giờ hoạt động của phương tiện vận tải qua thành phố tại các thời gian thấp điểm du lịch. Khi Cảng Liên Chiểu đưa vào khai thác vẫn kiến nghị giữ nguyên công suất, công năng khu bến Tiên Sa.

Theo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, nếu thành phố Đà Nẵng chỉ phát triển cảng Tiên Sa làm cảng chuyên dùng để phát triển du lịch thì sẽ phải điều chỉnh hàng hóa sang các cảng Chân Mây, tỉnh Thừa Thiên Huế và Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi; Đồng thời giảm đầu tư ngân sách nhà nước việc nạo vét vũng quay tàu, luồng tàu khu bến cảng Tiên Sa - Thọ Quang.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố đang đầu tư mở rộng, cải tạo các tuyến Ngô Quyền - Yết Kiêu xuyên qua thành phố ra cảng Tiên Sa; đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng cạn Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Khi hoàn thành 2 dự án này, áp lực lên cảng Tiên Sa không căng thẳng như hiện nay. Từ nay đến năm 2030, cảng Tiên Sa vẫn là cảng chính, vì vậy vẫn cần đầu tư nạo vét.

Về kiến nghị giữ nguyên công năng khu bến Tiên Sa là khu bến chính khi cảng Liên Chiểu hoàn thành, đại diện Lãnh đạo UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, theo quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì cảng Tiên Sa sẽ trở thành cảng du lịch, cảng Liên Chiểu là khu bến chính, tuy nhiên vẫn có thể linh động trong khai thác để tận dụng hết công suất của cảng Tiên Sa.

Về kiến nghị tăng thời gian hoạt động của phương tiện giao thông qua thành phố ra cảng Tiên Sa, Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng cho rằng, các đường Ngô Quyên - Yết Kiêu là tuyến xuyên thành phố thường xảy ra tai nạn chết người do xe container gây ra nên việc tăng thời gian hoạt động của xe container cần hết sức cân nhắc.

Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho biết, khi cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động, thành phố sẽ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải xem xét lại hoạt động của cảng Tiên Sa.

“Quan điểm xuyên suốt, cảng Tiên Sa là cảng du lịch nhưng đương nhiên không nhất nhất là chỉ du lịch, cũng phải tính đến một số loại hình hàng sạch, hàng đóng gói container, có lẽ những hàng đó, chúng ta sẽ nghiên cứu cho phép. Tôi tin chắc rằng nếu đón tàu du lịch thôi thì sẽ không hết công suất, dẫn đến lãng phí. Khi đó, chúng ta sẽ nghiên cứu lại tính cảng hỗn hợp”, ông Nam khẳng định.

Đà Nẵng nằm trên tuyến hàng hải quốc tế rất thuận lợi cho phát triển kinh tế biển, phát triển cảng biển. Ông Nguyễn Nhật, Thứ thưởng Bộ Giao thông - Vận tải rất ủng hộ Đà Nẵng phát triển cảng Liên Chiểu theo hướng nâng công suất quy hoạch đón nhận tàu 200.000 tấn chứ không chỉ đón tàu 100.000 tấn như nghiên cứu ban đầu.

“Chúng ta bỏ số tiền lớn để làm cảng Container nhưng chỉ quy hoạch có 2,5 triệu TEU thì chẳng bõ. Vì vậy, Đà Nẵng nên phải nâng lên 5-10 triệu TEU. Ngoài ra, cầu cảng cũng không nên quy hoạch chỉ từ 500-700m mà phải nâng lên. Bởi vì cùng với xây dựng đê chắn sóng này, cùng luồng này thì kết cấu hạ tầng ở đây, Nhà nước vẫn phải làm mọi hạng mục này. Vì vậy mình đẩy công suất cảng lên, đẩy gam tàu này lên để cho đúng vận tải quốc tế. Đà Nẵng nằm trên tuyến vận tải quốc tế chứ không phải là Hải Phòng”, ông Nhật nhấn mạnh./.",

Từ khóa: cảng Liên Chiểu, cảng nước sâu, Đà Nẵng

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập