Xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 80% trẻ bị bạo hành và xâm hại?

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN -Trong 4 năm qua, công an TP HCM tiếp nhận 706 tin tố giác, tin báo về tội phạm, đã khởi tố 482 vụ với 384 bị can về tội xâm hại trẻ em.

Sáng 30/8, Đoàn giám sát của Quốc hội do ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND TPHCM về việc thực hiện chính sách pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn thành phố, giai đoạn 2015 – 2019.

Vấn đề xâm hại trẻ em trong thời gian qua đã được các cấp chính quyền và tổ chức xã hội của thành phố quan tâm. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại và xâm hại tình dục vẫn xảy ra, diễn biến theo chiều hướng phức tạp. Cụ thể, tính từ năm 2015 đến tháng 6/2019, trên địa thành phố có 499 trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục, trong đó 93,79 % là trẻ em gái bị xâm hại. Nạn nhân bị xâm hại có hoàn cảnh gia đình không hòa thuận, khó khăn, cha mẹ thường xuyên đi làm nên không ai trông giữ.

xam hai tinh duc tre em chiem tren 80% tre bi bao hanh va xam hai? hinh 1
Ông Phan Thanh Bình phát biểu tại buổi làm việc.

Trong 4 năm qua, công an thành phố tiếp nhận 706 tin tố giác, tin báo về tội phạm, đã khởi tố 482 vụ với 384 bị can về tội xâm hại trẻ em. Tòa án nhân dân hai cấp thành phố cũng đã thụ lý 374 vụ với 415 bị cáo các vụ án hình sự xâm hại trẻ em và giải quyết được 352 vụ /380 bị cáo.

Theo ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TPHCM, ngành chức năng gặp nhiều khó khăn trong điều tra, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em. Một số vụ việc không được trình báo ngay sau khi được phát hiện mà hai bên tự thỏa thuận với nhau, đến khi thỏa thuận không được nạn nhân mới tố giác. Lúc này, tài liệu chứng cứ, các dấu vết liên quan đã bị mất, hoặc khó thu thập để chứng minh tội phạm hoặc đối tượng đã bỏ trốn, không có thông tin để truy xét.

Có một số trường hợp, sau một thời gian tố giác tội phạm thì gia đình nạn nhân rút đơn tố giác, đề nghị không xử lý vụ việc, không hợp tác với cơ quan củng cố chứng cứ để điều tra, khởi tố.Thêm vào đó, dù đã có quy định về quy trình, trách nhiệm, thẩm quyền về phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em nhưng chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm cung cấp, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; thiếu quy định cụ thể đầu mối tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác và phối hợp xác minh, đánh giá, điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em…

Tuy nhiên, theo các đại biểu đoàn giám sát, số liệu báo cáo của TPHCM còn nhiều vấn đề chưa thuyết phục. Cụ thể như việc trẻ em ăn xin, chăn dắt trẻ ăn xin cũng là một điểm nóng xảy ra trên địa bàn và nổi cộm thời gian gần đây nhưng chưa được thống kê một cách rõ ràng, cụ thể. Bên cạnh đó, tình hình trẻ em có cha mẹ li hôn cũng chưa được thống kê, kể cả trẻ em bị bạo lực gia đình, bao gồm bạo lực thể xác và bạo lực tinh thần.

Trước tình hình của TP, đại biểu Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên thường trực Ủy ban An ninh Quốc phòng của Quốc hội cho rằng phải có sự vào cuộc của các ngành chức năng, trong đó vai trò chính là công an: "Phải khẳng định là không làm được hết, nhưng chúng ta phải làm điển hình. Trách nhiệm của công an là phải đảm bảo an ninh trật tự an toàn xã hội, công an phải vào cuộc. Việc chăn dắt người đi ăn xin là vi phạm pháp luật về đảm bảo trật tự xã hội, vậy công an phải là lực lượng đứng ra xử lý các đối tượng vi phạm này".

Theo đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, số liệu thành phố đưa ra 499 trẻ em bị xâm hại, trong đó xâm hại tình dục có đến 429 trẻ em, chiếm 86% là con số chưa chính xác. Vì bạo lực, xâm hại đối với trẻ em hiện có 6 nhóm: bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục, bỏ rơi, mua bán và hình thức khác… nhưng các số liệu này vẫn chưa được thể hiện rõ. Cũng theo đại biểu này, một số trường hợp xâm hại trẻ em diễn ra trong thời gian dài, qua nhiều năm nhưng không phát hiện nguyên nhân do nạn nhân im lặng là đánh giá chưa hợp lý. Cần phải có sự đánh giá thực trạng một cách đúng đắn và chính xác hơn nhằm có giải pháp kịp thời hỗ trợ nạn nhân và có cách tuyên truyền, phòng tránh.

Ông Phan Thanh Bình Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cho biết: Vấn đề xâm hại trẻ em đang nổi lên hiện nay, có nguy cơ phức tạp hơn trong tương lai. Vì vậy TP cần hết sức quan tâm, đặc biệt trong quá trình hội nhập và phát triển, tình hình di dân cơ học càng phức tạp hơn. Số liệu báo cáo có thể chưa rõ nhưng thực tế là công tác phòng chống xâm hại trẻ em còn rời rạc lỏng lẻo giữa các ngành, đơn vị, đoàn thể, không có tổng chỉ huy, phối hợp chặt chẽ.

Ông Phan Thanh Bình nói: "Phải có sự thống nhất nhận thức của lãnh đạo cao nhất ở địa phương. Vấn đề thứ 2 là cách tổ chức của chúng ta. Đúng ra là phải có nghị quyết của Đảng rồi HĐND cũng phải ra một nghị quyết để theo đuổi vấn đề này. Từ đó ủy ban mới triển khai, sở ngành mới thực hiện thật nhịp nhàng, thì họa may chúng ta mới lo được vấn đề này".

Cũng theo Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng, giám sát tối cao về phòng chống xâm hại trẻ em lần này là hình thức giám sát cao nhất của Quốc hội. Sau khi giám sát ở các địa phương, các đoàn giám sát sẽ làm việc ở các bộ ngành trung ương liên quan. Kết quả giám sát sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 6-2020 và Quốc hội sẽ chất vấn Chính phủ về vấn đề này./.

Từ khóa: Xâm hại tình dục trẻ em, trẻ bị bạo hành, xâm hại trẻ em, lực lượng công an, bảo vệ trẻ em

Thể loại: Xã hội

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập