Xác minh ngẫu nhiên tài sản cán bộ: Tạo sự minh bạch, trung thực?
Cập nhật: 06/09/2022
Triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa – Biển, đảo thiêng liêng” tại Kiên Giang
Quân đội Việt Nam - Ấn Độ trao đổi, củng cố kiến thức, kỹ năng tại VINBAX-2024
VOV.VN - Việc bốc thăm ngẫu nhiên có thể rơi vào bất cứ ai, bất cứ thời điểm nào. Bởi vậy việc này làm cho người thuộc diện kê khai tài sản phải luôn có ý thức về việc kê khai một cách trung thực.
Để kiểm tra tính trung thực của cán bộ trong kê khai tài sản, UBND thành phố Hà Nội vừa ký quyết định phê duyệt kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập năm 2022. Theo quyết định, Hà Nội sẽ giao chánh Thanh tra thành phố tổ chức thực hiện kế hoạch theo đúng quy định của pháp luật.Và, điều đáng chú ý là người được xác minh tài sản, thu nhập tại mỗi đơn vị sẽ được lựa chọn ngẫu nhiên bằng hình thức bốc thăm.
Cách làm này của Hà Nội đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận những ngày vừa qua. Chia sẻ với phóng viên VOV2, một người dân ở Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội kỳ vọng thông qua việc bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản sẽ giúp cán bộ trong diện kê khai không còn tư tưởng trốn tránh hoặc kê khai không trung thực. Đây là cơ sở quan trọng góp phần trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Ông Phạm Trọng Đạt, nguyên Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho rằng: Việc lựa chọn bằng hình thức bốc thăm để xác minh tài sản không phải mới, đã được quy định trong Luật Phòng chống tham nhũng, quy định chi tiết tại Nghị định 130/2020 về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nghị định 130 quy định việc phê duyệt và thực hiện kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm tối thiểu bằng 20% số cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc thẩm quyền kiểm soát của tỉnh, thành phố. Người cần xác minh được lựa chọn ngẫu nhiên và công khai bằng hình thức bốc thăm hoặc sử dụng phần mềm máy tính. Số lượng người được lựa chọn để xác minh ngẫu nhiên phải bảo đảm tối thiểu 10% số người có nghĩa vụ kê khai hằng năm tại mỗi cơ quan, tổ chức, đơn vị, trong đó có ít nhất 1 người là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Cũng theo chia sẻ của ông Phạm Trọng Đạt, trong bối cảnh đã và đang triển khai quyết liệt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thì việc lựa chọn ngẫu nhiên sẽ đáp ứng được mong mỏi của người dân. Với việc bốc thăm ngẫu nhiên, bất kỳ cán bộ, công chức nào thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập đều có thể rơi vào danh sách xác minh.
"Việc bốc thăm ngẫu nhiên có thể rơi vào bất cứ ai, bất cứ thời điểm nào. Bởi vậy điều này làm cho người thuộc diện kê khai tài sản phải luôn có ý thức về việc kê khai một cách trung thực”. Ủng hộ cách làm này, tuy nhiên ông Đạt cho rằng, đây cũng mới chỉ là một bước tiến bộ ban đầu. Về lâu dài, mỗi cán bộ phải làm tốt ngay từ đầu việc kê khai tài sản. Kê khai đến đâu, cơ quan có thẩm quyền phải xác minh, thẩm định đó, càng xác minh được nhiều nhiều càng tốt.
Muốn chống tham nhũng thì phải có cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức đảm bảo thực chất, hiệu quả. Tuy nhiên thực tế thời gian qua, việc xác minh bản kê khai thu nhập, tài sản chưa đi vào thực chất khiến không ít trường hợp kê khai không trung thực, che giấu tài sản.
"Tài sản bất minh thì mới phải che giấu. Chúng ta yêu cầu kê khai nhưng không xác minh tính trung thực, tính chính xác thì việc kê khai không mang nhiều ý nghĩa. Như vậy, công tác phòng chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả được", ông Đạt nhận định.
Trước ý kiến cho rằng, nên công khai thông tin kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ tại chính địa phương mà cán bộ sinh sống, từ đây đơn vị sẽ nhận được những phản ánh khách quan nhất về việc kê khai của cán bộ có đúng hay không?
Chia sẻ quan điểm về ý kiến này, ông Phạm Trọng Đạt cho rằng, việc công khai tạo sự minh bạch là cần thiết, nhưng nên xác định phạm vi công khai như thế nào? Từ thực tế nhiều năm công tác ở cơ quan phòng chống tham nhũng, theo ông Đạt, việc công khai tài sản kê khai cho cơ quan là khách quan và chính xác nhất.
“Những đồng nghiệp ở cơ quan, sẽ là người hiểu và biết rõ, lãnh đạo, có quan hệ, có tài sản như thế nào. Chúng ta cần hiểu, những đồng nghiệp ở cơ quan cũng chính là người dân. Việc công khai ở khu dân cư cũng quan trọng, nhưng nhiều khi hộ khẩu một nơi nhưng cán bộ lại ở một nơi khác thì người dân ở khu dân cư cũng khó giám sát, nắm đủ thông tin”. Ngoài ra, cũng cần một cơ chế để Nhân dân giám sát, rõ ràng, công khai đến đâu, chịu trách nhiệm đến đâu.
Hiện nay, ngoài Hà Nội còn rất nhiều tỉnh thành khác cũng áp dụng hình thức bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tính trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ. Đây là lần đầu tiên các tỉnh thành thực hiện quy định lựa chọn ngẫu nhiên này nên chắc chắn trong quá trình làm sẽ phát sinh những khó khăn. Bởi vậy các địa phương nên căn cứ tình hình thực tế để chọn ra một số đơn vị thực hiện thí điểm từ đó mới đúc rút được kinh nghiệm để điều chỉnh cho những năm tiếp theo.
Thực tế việc bốc thăm ngẫu nhiên là cần thiết, tuy nhiên cũng chỉ là biện pháp phòng ngừa, hỗ trợ, không nên coi là “cây gậy” phát hiện tất cả sự gia tăng bất thường tài sản do tham nhũng. Về lâu dài để phát hiện sớm, xử lý tài sản tham nhũng hiệu quả rất cần cơ chế kiểm soát tài sản đối với toàn xã hội bằng công cụ thuế, không dùng tiền mặt. Đặc biệt cần sớm hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập. Đó là công cụ kiểm soát tài sản, thu nhập công khai, minh bạch và hiệu quả nhất./.
Từ khóa: bốc thăm ngẫu nhiên để xác minh tài sản cán bộ ở Hà Nội, xác minh tài sản của cán bộ Hà Nội, xác minh kê khai tài sản của cán bộ Hà Nội
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN