Xã hội hóa điện ảnh: Mất nhiều hơn được!
Cập nhật: 25/09/2019
Hơn 1.000 nghệ sĩ biểu diễn tại Liên hoan Nhạc kèn và Múa rối TP.HCM năm 2024
Rực rỡ sắc xuân ở làng hoa Sa Đéc - thủ phủ hoa lớn nhất miền Tây
Nhiều đại biểu cho rằng, xã hội hóa điện ảnh dẫn đến việc điện ảnh Việt Nam ngày nay đang đi chệch hướng, bị thương mại hóa và lai căng hóa.
Sáng 19/12, trong Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay” tổ chức tại Hà Nội, vấn đề xã hội hóa điện ảnh được nhiều đại biểu quan tâm hơn cả.
Việc xã hội hóa hay tư nhân hóa trong điện ảnh bắt đầu từ năm 2008 mà biểu hiện rõ nhất bằng sự ra đời các hãng phim tư nhân trong sản xuất phim cũng như trong phát hành phim, nhập khẩu phim. Hầu hết các đại biểu đều cho rằng, nhờ có xã hội hóa, bức tranh điện ảnh 20 năm qua thật phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, nó cũng đem đến nhiều hệ lụy.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ vàPGS.TS. Phan Trọng Thưởng chủ trì Hội thảo. |
Điện ảnh Việt Nam hiện nay đang đi chệch hướng?
Trước hết, cần khẳng định, xã hội hóa điện ảnh là một chủ trương đúng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nó khơi dậy tiềm năng và nguồn vốn của các nhà đầu tư, các tập đoàn truyền thông trong nước và quốc tế. Điều đó khiến thị trường điện ảnh nước ta thêm sôi động.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh nhận định, quá trình xã hội hóa đã tạo ra một diện mạo mới mẻ cho điện ảnh ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng… Số lượng phim sản xuất hàng năm tăng đột biến từ 15-20 phim/năm thời bao cấp nay đã có có tới 70-80 phim/năm. Đề tài phim đa dạng, đáp ứng những nhu cầu đa dạng của công chúng. Kỹ thuật quay phim tiên tiến, chất lượng hình ảnh và âm thanh của các phim ngày càng nâng cao. Hệ thống rạp chiếu hiện đại, thu hút đông đảo khán giả đến xem phim.
Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh. |
Tuy nhiên, theo đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh, trong suốt hơn 20 năm thực hiện quá trình xã hội hóa văn học nghệ thuật thì điện ảnh Việt Nam mất nhiều hơn được. Ông thậm chí còn cho rằng, điện ảnh Việt Nam hiện đang đi chệch hướng, bị thương mại hóa và lai căng hóa.
“Với luật Điện ảnh ra đời năm 2016, những gì không quy định trong luật, tức là không cấm thì người ta có thể làm thoải mái. Luật Điện ảnh không cấm làm phim thương mại, không cấm làm phim mua kịch bản nước ngoài. Tại Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội vừa qua, 22 bộ phim của điện ảnh Việt Nam tham dự liên hoan thì toàn là phim thương mại. Số ít trong số đó là chế bản theo phim Hàn Quốc (remake). Thậm chí những phim có kịch bản nước ngoài còn được dự thi và tranh giải. Như vậy chẳng khác nào giết chết nền điện ảnh Việt Nam. Ngoài ra, hiện nay tràn lan phim nhập ngoại. Có những bộ phim hành động vô thưởng vô phạt chẳng khác nào những con mối gặm nhấm thân cây. Những tệ nạn xã hội, sự suy thoái đạo đức cũng từ đó mà ra”, đạo diễn Đặng Nhật Minh chia sẻ.
TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng, các nhà sản xuất tư nhân khi đầu tư hoặc huy động vốn làm phim thường nhằm mục đích thu lãi, vì vậy, hầu hết phim đều thuộc dòng giải trí, thương mại. Tuy không còn những phim thảm hại kiểu “phim mì ăn liền” các đây mấy thập kỷ, nhưng không ít phim kém về nghề, thẩm mỹ thấp, “được” báo chí gọi là “phim nhảm”. Điều này ảnh hưởng đến diện mạo nói chung của điện ảnh Việt Nam và nếu cứ tiếp diễn nhiều phim như vậy sẽ khiến khán giả quay lưng với phim Việt.
TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu tại hội thảo. |
Bà Ngô Ngọc Ngũ Long, thành viên Hội đồng Lý luận, Phê bình VHNT Trung ương cho biết, điều đau xót nhất hiện nay đối với điện ảnh Việt Nam là nhà nước đầu tư cả chục tỷ đồng dàn dựng phim, nhưng phim làm ra không biết phát hành ở đâu. Bởi các rạp chiếu phim hiện nay đều nằm trong tay của tư nhân, của nước ngoài
Bà Ngô Ngọc Ngũ Long đã lấy ví dụ về bộ phim “Sống cùng lịch sử” được nhà nước đầu tư để chiếu vào dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2015. Nhưng phim làm ra không biết chiếu ở rạp nào? Các rạp tư nhân đều từ chối chiếu bộ phim này. Trong tình thế khó khăn như vậy, các nhà quản lý đành chọn chiếu ở Fafilm, vé phát miễn phí dành cho người xem. Thế nhưng, mỗi buổi chiếu cũng chỉ có 10 người tới rạp. Trong khi đó, những phim bom tấn nước ngoài, giới trẻ xếp hàng dài để mua vé.
Bà Ngô Ngọc Ngũ Long cho rằng, cả khâu sản xuất và phát hành phim, tư nhân đã hoàn toàn chiếm lĩnh. Dù nhìn tổng thể, điện ảnh Việt Nam có vẻ như rất sôi động nhưng tiền thu về từ lĩnh vực này đã hầu như chảy vào túi của các công ty nước ngoài, nhà nước không còn được hưởng lợi từ số tiền này.
Nhà nước cần đóng vai trò định hướng trong xã hội hóa điện ảnh
Theo TS Trần Thị Phương Lan, Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương, thực tiễn hoạt động xã hội hóa điện ảnh ở nước ta đã mang đến nhiều bài học về cơ chế, chính sách, về giải quyết mối quan hệ giữa phục vụ lợi ích, giữa đầu tư với hiệu quả, giữa phát hành với khán giả, giữa số lượng với chất lượng... Nó cũng đặt ra những vấn đề mang tính thời sự cần phải có biện pháp để khắc phục, thay đổi.
Điện ảnh phải đáp ứng được nhu cầu của người xem - điều đó không có gì phải tranh luận. Nhưng không nên quên rằng, trong khi sáng tạo thỏa mãn nhu cầu của người xem, điện ảnh cùng lúc tạo ra công chúng của mình, sâu sắc hay hời hợt với những giá trị đạo đức tinh thần vừa mang bản sắc riêng của con người Việt Nam vừa mang giá trị bao quát chung của nhân loại.
Trong hội thảo, các đại biểu cũng nêu ra một số góp ý cho nền điện ảnh nước nhà. Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng, Nhà nước không thể cứ tiếp tục rót tiền cho điện ảnh để làm phim khi kết quả phim làm ra không có người xem, chất lượng nghệ thuật yếu kém, cũng không thể để tư nhân tự do trong hoạt động điện ảnh. Nhà nước phải có định hướng, chế tài cho nền điện ảnh, không thể giao phó cho tư nhân.
TS Ngô Phương Lan đề xuất giải pháp kết hợp phát triển hài hòa giữa phim chính thống do nhà nước đặt hàng, có giá trị nghệ thuật và dòng phim giải trí thương mại từ nguồn xã hội hóa. Khuyến khích các hãng phim tư nhân có những kịch bản và dự án làm phim có giá trị tư tưởng và nghệ thuật với sự hỗ trợ một phần kinh phí của Nhà nước. Nhà nước đầu tư những phần tư nhân không sẵn sàng tham gia xã hội hóa để bảo vệ nền điện ảnh dân tộc.
Đại biểu Đoàn Minh Tuấn (Hội Điện ảnh Việt Nam) kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại hạn ngạch nhập phim nước ngoài về Việt Nam để tránh các công ty nước ngoài thao túng và lũng đoạn thị trường. Ngoài ra cần có quy định cụ thể buộc các công ty nhập khẩu và phát hành phim nước ngoài tại thị trường Việt Nam điều chỉnh việc sản xuất và chiếu phim Việt Nam.
Các kiến nghị này sẽ được thu thập in vào Kỷ yếu để làm tham chiếu cho Đảng và Chính phủ có những điều chỉnh trong việc phát triển điện ảnh và xã hội hóa điện ảnh trong tương lai./.
Từ khóa: xã hội hóa văn học nghệ thuật, xã hội hóa điện ảnh, hội thảo về xã hội hóa văn học nghệ thuật, nguyễn thế kỷ,
Thể loại: Văn hóa - Giải trí
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN