WHO kêu gọi Mỹ, Trung Quốc “ngừng chính trị hóa virus SARS-CoV-2”
Cập nhật: 09/04/2020
VOV.VN - Trước các chỉ trích từ Tổng thống Mỹ, WHO đã lên tiếng. Người đứng đầu tổ chức này kêu gọi “ngừng chính trị hóa virus SARS-CoV-2”.
“Ngừng chính trị hóa cuộc khủng hoảng do virus SARS-CoV-2”, là câu trả lời mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi Ông chủ Nhà Trắng có phát biểu gây tranh cãi cho rằng, tổ chức Liên Hợp Quốc này “quá thiên vị” Trung Quốc và “xử lý kém” cuộc khủng hoảng do Covid-19.
Tổng giám đốc WHOGhebreyesus (bên trái) và Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Today News Africa. |
Những tranh cãi liên quan tới cách thức xử lý khủng hoảng của Tổ chức Y tế Thế giới có nguy cơ đẩy Mỹ vào một cuộc khủng hoảng ngoại giao mới với các tổ chức quốc tế, châm ngòi lại thương chiến Mỹ- Trung và thậm chí là gây ảnh hưởng tới các nỗ lực chung toàn cầu trong cuộc chiến chống Covid-19.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus hôm 8/4 chỉ trích cuộc khủng hoảng do Covid-19 đang bị chính trị hóa, đồng thời kêu gọi Mỹ và Trung Quốc đoàn kết nhằm đẩy lùi dịch bệnh. Ông nói: “Mục tiêu của tất cả các đảng chính trị nên là cứu người. Xin đừng chính trị hóa cuộc khủng hoảng do virus SARS-CoV-2 này. Chúng tôi không làm chính trị ở Tổ chức Y tế Thế giới, chúng tôi không quan tâm tới người giàu hay người nghèo, mà quan tâm đến những người dễ bị tổn thương. Tổ chức Y tế Thế giới sẽ làm mọi thứ có thể để phục vụ nhân loại.”
Trước đó một ngày, Tổng thống Trump đã chỉ trích Tổ chức Y tế Thế giới đã không cảnh báo một cách hiệu quả và kịp thời cho toàn thế giới về chủng virus corona mới chết người này, một việc mà ông cho là Tổ chức Y tế Thế giới phải làm trước hàng tháng sau khi có thông tin. Nhà lãnh đạo Mỹ thậm chí còn cho biết nước này sẽ xem xét việc tạm ngừng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới, dù ngay cả trước khi dịch bệnh bùng phát nước này đã tính đến chuyện cắt giảm đến hơn 1 nửa đóng góp cho tổ chức Liên Hợp Quốc này. Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, Mỹ nên “chấm dứt việc đùa với lửa”, bởi có rất nhiều cách để ghi điểm chính trị. Phát biểu được xem là ngầm ám chỉ nhà lãnh đạo Mỹ đang tìm cách lấy lại thiện cảm với công chúng trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống vào cuối năm nay.
WHO đang trở thành “con dê tế thần” của Trump trong dịch Covid-19
Trong khi đó, chính phủ Trung Quốc hôm 8/4 cũng lần đầu tiên lên tiếng về những phát biểu của Tổng thống Mỹ Trump khi họ tuyên bố sẽ ủng hộ các nỗ lực và vai trò của Tổ chức Y tế Thế giới trong điều hành cuộc chiến chống Covid-19. Theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên, kể từ khi dịch bệnh bùng phát, Tổ chức Y tế Thế giới, dưới sự lãnh đạo của Tổng giám đốc Ghebreyesus đã thực hiện rất tích cực trách nhiệm và nghĩa vụ của mình, duy trì lập trường khách quan, khoa học và công bằng nhằm hỗ trợ các nước đối phó với dịch Covid-19 và thúc đẩy hợp tác quốc tế.
Ông đồng thời chỉ trích thông báo của Mỹ ngừng tài trợ cho Tổ chức Y Thế giới, cho rằng động thái này có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của tổ chức và gây nguy hại cho hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống Covid-19: "Tuyên bố cáo buộc rằng Trung Quốc che đậy dịch bệnh và thiếu minh bạch trong những ngày đầu là hoàn toàn sai sự thật. Trung Quốc đã hành động một cách công khai, minh bạch và có trách nhiệm kể từ khi dịch bệnh bùng phát, báo cáo ngay về dịch bệnh cho Tổ chức Y tế Thế giới. Những sự thật cơ bản này đã được cộng đồng quốc tế công nhận và không thể bị phủ nhận hay bác bỏ bởi bất kỳ ai. Cuộc chiến dịch bệnh này tạo nền tảng cho sự hợp tác giữa Trung Quốc và Mỹ. Hợp tác là lựa chọn đúng đắn duy nhất. "
Sau hơn 3 tháng bùng phát, đại dịch Covid-19 đã đảo lộn cuộc sống của người dân trên khắp thế giới khi gần 1 nửanhân loại được khuyến cáo hoặc bắt buộc phải cách ly nhằm hạn chế sự lây lan của virus, trong khi hầu như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế đều bị đình đốn.
Cùng với những diễn biến khó lường của dịch Covid-19, các nhà phân tích lo ngại, những tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc liên quan tới cách thức xử lý khủng hoảng của Tổ chức Y tế Thế giới có thể khiến giai đoạn đình chiến thương mại khó kéo dài. Những toan tính về y tế công cộng thậm chí còn khiến quan hệ thương mại hai nước có thêm khía cạnh xung đột mới, làm trầm trọng hơn nguy cơ suy thoái mà nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt do Covid-19. Dù chắc chắn vào một thời điểm nào đó trong tương lai, quan chức Mỹ và Trung Quốc cuối cùng sẽ phải ngồi đàm phán thương mại với nhau, song sự mất lòng tin và tranh cãi gay gắt về virus SARS-CoV-2 sẽ khiến công việc đàm phán trở nên khó khăn hơn nhiều.
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres, giờ không phải là lúc để chỉ trích lẫn nhau, mà là thời điểm của sự đoàn kết và thống nhất nhằm chấm dứt sự lây lan của virus SARS-CoV-2./.
Từ khóa: WHO, căng thẳng chính trị, chính trị hóa, Covid-19, SARS-CoV-2
Thể loại: Thế giới
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN