Vứt bát hương, đồ thờ cúng xuống sông là một niềm tin sai lầm
Cập nhật: 25/09/2019
Hành trình xóa nhà tạm cho người nghèo ở Yên Bái (24/11/2024)
Trực tiếp kết quả xổ số miền Trung Chủ nhật 24/11-XSMT 24/11-KQXSMT 24/11/2024
VOV.VN - Đó là chia sẻ của Thượng tọa Thích Nhật Từ - Phó Trưởng Ban Phật giáo Quốc tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam.
Hàng năm, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, các gia đình lại dọn dẹp bàn thờ. Theo tập tục, sau khi dọn dẹp, nhiều người vứt bàn thờ, bát hương cũ và tro nhang xuống sông, hồ với suy nghĩthả đồ thờ cúng xuống nước cho "mát mẻ", dễ gặp những điều may mắn...
Thượng tọa Thích Nhật Từ.
Thả đồ thờ cúng xuống sông - một niềm tin sai lầm
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, tập tục thả đồ thờ cúng xuống sông dựa trên một niềm tin sai lầm. Nhiều người tin rằng làm việc đó thì người quá cố sẽ gặp ông bà tổ tiên, được "mát mẻ" nên dẫn đến thói quen này. Đáng tiếc là tác hại của niềm tin này đã làm cho rất nhiều người hoang phí các vật thờ cúng trong khi vẫn còn giá trị sử dụng.
Tác hại thứ hai của thói quen này là làm ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước. Các dụng cụ thờ cúng được chế tác bằng sành sứ nếu không có nhu cầu sử dụng nữa có thể tặng biếu cho những gia đình khác. Trong trường hợp không ai tiếp nhận, chúng ta có thể đặt ở những vị trí thích hợp để không làm ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến giao thông, giao thương sông nước.
"Mỗi dịp xuân về, nếu hơn 2 triệu gia đình ở Hà Nội cùng thả đồ thờ cũ xuống sông Hồng như thế này thì chẳng mấy chốc có thể giết chết một dòng sông..." - Ảnh: Nguyễn Việt Thanh. |
Thượng tọa Thích Nhật Từ chia sẻ thêm: "Về phía Phật học, quan niệm thả đồ cúng xuống sông hồ để tạo sự mát mẻ và phúc lộc là không phù hợp. Người tu học Phật tưởng niệm ông bà tổ tiên bằng việc duy trì các truyền thống văn hóa cao quý của gia tộc, cam kết phát triển ngày càng tốt đẹp hơn, tránh tình trạng "cha mẹ làm thầy con cái đốt sách". Những ngày lễ giỗ cuối năm nhắc nhở con cháu về những đóng góp to lớn của ông bà cha mẹ đối với quê hương và Tổ quốc, từ đó con cháu có nguồn động lực để phấn đấu noi gương người đi trước".
Vứt đồ thờ cúng xuống sông gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |
Nên thường xuyên vệ sinh bàn thờ, không nên chờ đến ngày cuối năm
Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, để ý nghĩa của sự thờ phụng được thể hiện tốt thì con cháu và những người thờ phụng đừng nên mê tín, đừng chờ đến sau ngày 23 tháng Chạp mới làm vệ sinh bát hương một lần, vì như vậy suốt 365 ngày vô tình chúng ta để nơi tôn nghiêm thờ cúng ông bà tổ tiên bị dơ dáy, nhà cửa mất vệ sinh.
Theo văn hóa thờ phụng của đạo Phật, mỗi ngày chúng ta cần làm vệ sinh bàn thờ, quét dọn để bụi bẩn từ hương không làm bẩn bàn thờ. Nước cúng thì nên đặt nước sạch trong ly có đậy nắp, cúng xong đem xuống uống, trái cây cúng khoảng 1-2 ngày, cúng xong đem xuống ăn, còn hoa nếu có điều kiện tài chính mỗi tháng cúng 4 lần, tối thiểu 2 lần, khi hoa bắt đầu cũ thì thay hoa mới. Làm sạch sẽ, trang nghiêm thường xuyên chừng nào thì ý nghĩa tôn kính của chúng ta dành cho người quá cố được thể hiện chừng đó.
Một thanh niên người Mỹ tên là Cott Matt (24 tuổi), cùng nhiều sinh viên tình nguyện nhặt, dọn dẹp đồ thờ cúng dưới chân cầu Long Biên. Những người vứt đồ gây ô nhiễm môi trường nghĩ sao trước hành động này? -Ảnh: Nguyễn Ngân |
Nên sử dụng hương điện để tránh ô nhiễm
Thượng tọa Thích Nhật Từ cho biết, theo văn hóa thờ phụng trong đạo Phật, mục đích của thờ là tưởng niệm, giữ lòng thành. Việc thờ phụng ông bà tổ tiên hay tượng Phật bằng lư hương và nhang đèn có nguồn gốc từ Trung Quốc còn Phật giáo Ấn Độ không có chủ trương như thế.
Hiện nay, trong nhiều ngôi chùa ở Việt Nam và nhiều gia đình đã sử dụng hương điện, mục đích để giữ cho chốn thờ phụng được trang nghiêm, sạch sẽ.
Thượng tọa Thích Nhật Từ cho rằng: "Để việc thờ phụng được tôn nghiêm, uống nước nhớ nguồn, tri ân người quá cố thì chúng ta nên mạnh dạn thay đổi hương nhang thành hương điện. Nhiều loại hương được làm từ mùn cưa và các loại hóa chất độc hại nên sau khi đốt tạo thành vòng tròn giữ tro bụi trên đó. Người mê tín nghĩ rằng như thế tức là thần thánh hoặc tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã chứng giám phù hộ. Từ đó, tập tục đốt hương gây ô nhiễm môi trường không khí trong gia đình đã trở thành thói quen mà theo tôi cũng nên xem xét".
Nếu các gia đình muốn giữ truyền thống thắp hương thì mỗi lần chỉ nên thắp một nén hương. Trên bàn thờ, chỉ cần 1 bát hương chứ không cần nhiều bát hương, giữ bàn thờ sạch sẽ thì ý nghĩa thờ phụng càng tốt. Tốt nhất là nên mạnh dạn thay đổi việc sử dụng hương làm từ mùn cưa và hóa chất độc hại gây ô nhiễm bằng việc sử dụng hương điện.
Rất mong mọi người hiểu văn hóa thờ phụng của Phật giáo để tránh tình trạng mê tín, vô tình làm cho nơi thờ phụng không sạch sẽ và mất tính tôn nghiêm, gây ô nhiễm, hoang phí, không nên tin vào những lời đồn thổi tạo ra sự sợ hãi không cần thiết, Thượng tọa Thích Nhật Từ nhấn mạnh./.
Từ khóa: Thượng tọa Thích Nhật Từ, cúng ông công ông táo, dọn dẹp bàn thờ, lau dọn bàn thờ
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN