Vượt qua cú sốc tân sinh viên
Cập nhật: 20/09/2022
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
[VOV2] - Rời xa gia đình để đặt chân đến thành phố lớn nhập học, nhiều tân sinh viên đã vấp phải những cú sốc ban đầu. Cùng Hành trang trẻ nhận diện những cú sốc đó để bước qua nhẹ nhàng.
Khi cuộc sống tân sinh viên không “đẹp như mơ”
Cách đây 1 năm, Tuấn Kiệt – hiện là sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Bách Khoa tạm biệt bố mẹ nơi làng quê thuộc tỉnh Tuyên Quang để lên Hà Nội học. Không phải là “thổ địa” thông thuộc mọi ngõ ngách như ở quê, sau bao phen lạc đường, Tuấn Kiệt mới nhớ nổi một vài con đường quen thuộc thường hay đi về. Với khoảng cách 4km từ chỗ thuê trọ tới trường học cũng đủ làm em bối rối.
Đối với các tân sinh viên trọ học xa nhà, bài toán chi tiêu cũng luôn là vấn đề nan giải. “Đầu tháng huy hoàng, cuối tháng điêu tàn” là tình cảnh chung của nhiều bạn trẻ. “Tháng đầu tiên mình xuống Hà Nội nhập học được bố mẹ cho 2 triệu đồng. Lần đầu tiên được cầm số tiền nhiều như vậy nên cứ thiếu cái gì là lại mua không tính toán gì cả. Chỉ được khoảng 2-3 tuần thôi tiền đã gần hết và lúc đó mình buộc phải mua mỳ tôm để ăn qua ngày”, Thùy Linh, sinh viên trường ĐH Thủy lợi chia sẻ.
Anh Hoàng Nam – một cựu sinh viên cho biết, khi bắt đầu bước chân vào giảng đường, khái niệm học đại học đã dần hình thành và rõ nét hơn chứ không còn mơ hồ “nghe nói, nghe kể” như hồi cấp ba. “Đa phần khi các bạn vào ĐH thì các bạn đều có những cú sốc. Người thì vào học mới nhận ra là ôi thôi mình chọn nhầm ngành mất rồi. Ngay cả học đúng ngành mình thích rồi nhưng mà mình tưởng tượng học sẽ hay lắm nhưng ai ngờ đâu vào học 2 năm toàn đại cương. Cú sốc đó trong thời gian đầu về cơ bản các bạn sẽ phải xác định sẽ có đó”, Hoàng Nam chia sẻ.
Theo Nguyễn Thị Bích Hậu (Hấu Nguyễn), sinh viên Đại học Y Hà Nội, môi trường đại học đẩy mạnh tính tự học và tính tự lập rất cao. “Em đã nhiều lần hoảng loạn khi mình bị quên mất lịch thi, hoảng loạn vì khối lượng kiến thức quá lớn. Nếu như các bạn sinh viên chưa trang bị đủ tốt thì thực sự lúng túng và dẫn đến cú sốc tiếp theo là điểm số. Nhiều bạn không chuẩn bị tinh thần tốt sẽ bắt đầu tự ti về bản thân, đánh mất sự tin tưởng vào lực học của mình và dẫn đến bị lạc hướng”.
Vậy các bạn tân sinh viên cần làm gì để vượt qua cú sốc? Là sinh viên năm thứ 5 của trường Đại học Y Hà Nội, đã trải qua mọi khó khăn, áp lực của một sinh viên sống xa gia đình, Nguyễn Thị Bích Hậu “bật mí” kinh nghiệm bản thân với các em tân sinh viên.
Duy trì đồng hồ sinh học thật tốt
Khi sống tự lập, không có bố mẹ bên cạnh, nhiều tân sinh viên ngủ ngày cày đêm, tối đi chơi quá đà với bạn bè, dẫn đến thiếu ngủ, học tập không hiệu quả.
Theo Bích Hậu, một trong những thứ quan trọng các bạn cần phải rất chú ý, đó là yếu tố sức khỏe. Duy trì đồng hồ sinh học tốt, một nếp sống quy củ để có thể chất và tinh thần tốt nhất trong quãng đời sinh viên.
Chia sẻ với người thân
Trước những cú sốc, đặc biệt là về mặt tinh thần sẽ khiến cho các bạn chán nản. Khi đó, hay tìm về gia đình, tìm đến bạn bè tìm hay những người mà mình có thể chia sẻ, đừng giữ kín trong lòng và một mình nếm trải. “Những bạn mà bị stress, bị trầm cảm em gặp phải đều là một mình phải gánh vác quá nhiều thứ và nhiều khi họ mong muốn thể hiện cho bố mẹ thấy hình ảnh một người trưởng thành, rất tỏa sáng trên đại học mà họ giấu đi những khó khăn. Thực sự điều đó không tốt”, Bích Hậu chia sẻ.
Tìm đến bố mẹ, người thân yêu họ sẽ cho bạn lời khuyên hoặc ít nhất là sự vỗ về để bạn có thêm niềm tin trong quãng thời gian tới.
Đừng ngủ quên trên chiến thắng
Rất nhiều bạn khi nhận được tin đỗ đại học là bắt đầu xả hơi, rằng mình đã cố gắng một thời gian quá dài rồi và đỗ đại học là một thành tựu to lớn. Nhiều bạn bắt đầu tưởng tượng về quãng đời màu hồng của mình khi trở thành sinh viên như là có người yêu, đi làm thêm, đi chơi thật nhiều, dành nhiều thời gian để khám phá thành phố mới. “Nếu như chúng ta có một tinh thần quá màu hồng, một con mắt quá ngây thơ khi học đại học thì thực sự sẽ rất dễ khiến cho các bạn bị vấp ngã”.
Nếu ngay từ năm thứ nhất, các bạn ngủ quên trên chiến thắng, bỏ bê việc học hành và kết quả không tốt thì đây sẽ là gánh nặng cho điểm tổng kết của các bạn về sau. Có rất nhiều bạn đã không vượt qua được năm nhất dẫn đến sự trầm cảm. Những thất vọng về bản thân sẽ ảnh hưởng cả quãng đường sau này của bạn.
Theo Bích Hậu, năm thứ nhất không phải là một năm để chúng ta có thể chơi bời nhiều mà các bạn nên thực sự chú ý vào những kiến thức. Nếu có nền tảng kiến thức tốt sẽ là nguồn động lực vô cùng lớn để các bạn có thêm sức mạnh bước vào những năm tiếp theo.
Bên cạnh niềm vui đỗ đại học, các bạn vẫn vẫn cần chuẩn bị nhiều hành trang, trở thành tân sinh viên với một cái đầu lạnh để giữ được bản thân trong năm nhất.
Chuẩn bị tinh thần thật tốt trước khi bước chân vào giảng đường đại học
Nhiều bạn trẻ đã sớm lo tìm tài liệu để học trước, tuy nhiên theo Bích Hậu điều này không cần thiết vì chương trình trên đại học khác xa với chương trình cấp III.
Hãy dành thời gian này để làm phong phú đời sống tinh thần, thưởng cho mình những chuyến du lịch để mở mang tầm mắt. Khi đã vào năm học hãy tập trung ngay từ đầu, đừng để vào năm học rồi vẫn còn có cảm giác chơi chưa đã, chểnh mảng học hành. Như vậy rất lãng phí thời gian.
Bây giờ là thời gian phù hợp để các bạn tân sinh viên trau dồi sức khỏe cả thể chất và tinh thần để có một động lực cực kỳ dồi dào bước vào năm học mới.
Từ khóa: Tân sinh viên, đại học, cú sốc, hành trang trẻ, vov2
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOV2