Vượt qua bẫy thu nhập trung bình, hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng
Cập nhật: 25/09/2019
Giá vàng hôm nay 9/1: Vàng miếng SJC tăng tiếp 500.000 đồng/lượng
LPBank trao thưởng 5 tỷ đồng, đồng hành cùng Đội tuyển Bóng đá Việt Nam
VOV.VN - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT: Việc vượt qua “bẫy thu nhập trung bình” là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam (VRDF 2019) tại Hà Nội sáng nay (19/9), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, kể từ khi gia nhập nhóm các quốc gia có mức thu nhập trung bình, Việt Nam luôn thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên thế giới, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2018 đạt trên 6,2%.
Đến hết năm 2018, quy mô GDP đạt trên 250 tỷ USD, thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD (nếu tính theo sức mua tương đường - PPP, quy mô GDP đạt trên 720 tỷ USD, bình quân đầu người đạt trên 7.600 USD).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tạiVRDF 2019 |
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ: Đến nay, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư quốc tế với số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới liên tục tăng qua các giai đoạn, trong đó giai đoạn 2011- 2018 đạt hơn 200 tỷ USD. Độ mở của nền kinh tế liên tục tăng, đến năm 2018 bằng 200% GDP.
Cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước...
Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam năm 2019 đã tăng 3 bậc so với năm 2018, xếp thứ 42/129 quốc gia; đứng thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và thứ 3 trong ASEAN (sau Singapore và Malaysia).
Cơ chế thị trường vẫn khiếm khuyết
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận, Việt Nam phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.
Việt Nam hiện là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, năng suất lao động của nền kinh tế chưa cao; năng lực cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế nói chung và nhiều ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu chưa mạnh.
Nền kinh tế được vận hành theo cơ chế thị trường vẫn còn những khiếm khuyết cần phải hoàn thiện để nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng nguồn lực và tính bền vững của phát triển.
"Thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ rõ.
Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng cho rằng, chưa nói đến việc hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng, chỉ riêng việc vượt qua "bẫy thu nhập trung bình" đã là thách thức không nhỏ đối với nhiều nền kinh tế đang phát triển trong đó có Việt Nam.
Kinh kế Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh và bền vững. (Ảnh minh họa) |
Cần sáng tạo, đổi mới tư duy
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý: Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách.
Hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng là một quá trình vận động không ngừng với nhiều cơ hội và thách thức. Dự thảo Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam xác định một định hướng quan trọng về thể chế là: Hoàn tất quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập theo thông lệ quốc tế. Xây dựng, hoàn thiện, thử nghiệm khung khổ pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới, kinh tế số, cung cấp dịch vụ công, quản lý và bảo vệ môi trường theo nguyên tắc thị trường, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Định hướng phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo nhấn mạnh việc lấy doanh nghiệp làm trung tâm; cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, chấp nhận rủi ro cho việc triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới; thực hiện chuyển đổi số trong quản trị quốc gia, sản xuất - kinh doanh, tổ chức xã hội.
Ứng dụng và phát triển công nghệ mới, trong đó ưu tiên công nghệ số, kết nối 5G và sau 5G, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3-D, Internet vạn vật (IoT), an ninh mạng, năng lượng sạch, công nghệ môi trường để chuyển đổi, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bày tỏ tin tưởng các ý kiến đóng góp thiết thực tại VRDF 2019 sẽ giúp Việt Nam xây dựng Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch 5 năm (2021-2025), đồng thời xác định phương hướng, giải pháp phát triển nhiều nền kinh tế đang phát triển khác đang trên con đường hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng của mình./. Lạc quan tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2019 về đích
Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2019 được đánh giá tích cực
Từ khóa: VRDF 2019, Diễn đàn Cải cách và Phát triển Việt Nam, Nguyễn Chí Dũng, bẫy thu nhập trung bình, kinh tế Việt Nam
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN