Vượt lên tật nguyền trở thành tỷ phú ở miền núi Nghệ An
Cập nhật: 19/10/2019
VOV.VN - Mặc dù tật nguyền từ nhỏ, ông Nguyễn Công Bằng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An đã vượt qua chính mình vươn lên làm giàu.
Cộng đồng doanh nghiệp ở huyện miền núi Quỳ Hợp xuất hiện một tỷ phú đặc biệt, mặc dù tật nguyền từ nhỏ đã vượt lên chính mình vươn lên làm giàu.
Đồng nghiệp và người dân phố núi Quỳ Hợp luôn nhìn ông bằng đôi mắt thán phục, cả về ý chí và nghị lực của một con người không cam chịu số phận. Đó là ông Nguyễn Công Bằng, chủ doanh nghiêp tư nhân đá mỹ nghệ Thiện Tâm, Quỳ Hợp, Nghệ An.
Doanh nhân Nguyễn Công Bằng tại xưởng chế tác đá của mình. |
Ông Nguyễn Công Bằng, sinh năm 1971, tại thành phố Vinh, bố quê huyện Yên Thành và mẹ quê huyện Nghi Lộc. Ngay từ nhỏ ông đã mắc bệnh bại liệt đôi chân, nên đôi nạng cũng lớn theo ông cho đến bây giờ.
Bố mẹ ông tỏ ra ái ngại nên đưa ông theo lên sinh sống ở huyện miền núi Quỳ Hợp. Sống ở huyện miền núi, lại bị tật bẩm sinh. Sau khi học nghề vẽ truyền thần kiếm sống; đến năm 2002, ông Bằng quyết định vay vốn lập xưởng chuyên chế tác tượng đá mỹ nghệ và xây dựng các công trình nội ngoại thất bằng đá.
Ông Bằng cho biết, sức mình yếu, nên mình chỉ vẽ ý tưởng trên máy rồi thuê thợ chế tác, dần dà, sản phẩm của anh chiếm được thiện cảm của khách hàng; Sản phẩm không những chỉ xuất đi các tỉnh thành trong nước mà còn xuất theo đơn đặt hàng của khách nước ngoài.
Giờ đây ông đã xây dựng được một cơ ngơi bề thế, duy trì thường xuyên 10 lao động là những thợ giỏi, kĩ thuật cao với mức lương 40 đến 45 triệu đồng/tháng.
Tâm sự với chúng tôi, ông Bằng chia sẻ cũng nhờ có người vợ quê tỉnh Hưng Yên vào xứ núi lập nghiệp đã tình nguyện gắn kết vừa làm vợ vừa trợ thủ đắc lực, kể cả việc tham gia thiết kế mĩ thuật những công trình phức tạp.
Trong dự định của mình, ông Nguyễn Công Bằng sẽ tiếp tục giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có việc làm. |
Hôm nay, trên mảnh đất Quỳ Hợp đã có hàng chục xưởng như thế này, đối với ông, doanh thu không nhiều nhưng việc làm ổn định và được sống đam mê với nghề; tuy nhiên ông Bằng cũng bày tỏ mong muốn nhà nước sẽ có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi hơn nữa đối những người người lập nghiệp trong điều kiện sức khỏe hạn chế giống như mình.
“Tôi mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, nhất là lĩnh vực thuế. Tất nhiên là có những quy định của nhà nước, nhưng cũng mong muốn có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho những đơn vị kinh doanh có chủ là người tàn tật như chúng tôi”, ông Bằng nói.
Hiện vợ chồng ông Bằng đã có một cơ ngơi bề thế với cái tên khá nổi tiếng Thiện Tâm; Là xưởng chế tác đá mỹ nghệ nhưng cũng là địa chỉ nâng đỡ, tạo việc làm cho những người có hoàn cảnh khó khăn, những phận đời kém may mắn, tật nguyền ở huyện và tỉnh tìm đến.
Mới đây nhất, doanh nghiệp Thiện Tâm đã phối hợp với trung tâm khuyến công và Liên minh Hợp tác xã Nghệ An, mở lớp dạy nghề về điêu khắc và tiện đá mỹ nghệ miễn phí cho hơn 30 lao động phổ thông tại địa phương.
Trước đó, cơ sở này đã đào tạo nghề cho gần 100 lao động, trong đó có 5 người là con em gia đình chính sách, 7 người tàn tật, và còn lại là những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, con em bà con dân tộc thiểu số ở địa phương. Hiện hai người con của ông Bằng, con gái đầu đang du học tại Hàn Quốc và con trai sau học lớp 11 ở Trường trung học Phổ thông huyện Quỳ Hợp.
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Đăng Chế trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Công Bằng. |
Đến thăm mô hình doanh nghiệp tư nhân Thiện Tâm của ông Nguyễn Công Bằng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Đăng Chế, hiện sống tại huyện Diễn Châu, cho rằng những việc làm mà doanh nhân Nguyễn Công Bằng đã làm ngay cả những người lành lặn cũng khó có thể làm được.
“Đến đây trước hết tôi rất kính trọng những con người tàn tật mà dám nghĩ dám làm được những việc như thế này. Dám làm ra, tận dụng các lao động để tuyển chọn đào tạo họ thành người có nghề và họ có việc làm, xã hội cũng được cá nhân cũng được. Tôi rất là trân trọng những con người như thế, ông Chế chia sẻ.
Không chỉ làm giàu cho mình, hàng năm ông Nguyễn Công Bằng còn dành riêng một khoản tiền không nhỏ để tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp vào quỹ vì người nghèo tại địa phương, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lụt.
Trong hơn 10 năm qua, doanh nghiệp Thiện Tâm đã xây dựng nhiều ngôi nhà tình nghĩa để tặng người nghèo, người bị tàn tật trên địa bàn 2 huyện Tân Kỳ và Nghĩa Đàn. Trong thời gian tới, ông Nguyễn Công Bằng sẽ vẫn tiếp tục đi trên con đường mà ông đã lựa chọn, cưu mang và giúp đỡ thêm nhiều người khác có được cuộc sống tốt hơn, đó cũng là lý tưởng sống mà ông luôn đeo đuổi, hướng tới./.
Từ khóa: tỷ phú, người tàn tật, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, chế tác đá
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN