Vườn công nghệ cao giúp nông dân Đà Lạt thêm giàu có
Cập nhật: 25/09/2019
Đìu hiu thị trường mua bán trái cây sầu riêng “tỉ phú”
Phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp khởi nghiệp thành công
Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là yêu cầu tất yếu khi nông nghiệp hướng tới những thị trường lớn.
Do có lợi thế về khí hậu và tiên phong áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, Đà Lạt - Lâm Đồng đang có nền nông nghiệp dẫn đầu cả nước. Sản phẩm rau - hoa của Đà Lạt vốn đã nổi tiếng trong nước và xuất khẩu, nay lại càng khẳng định giá trị, khi nông dân thành phố tham gia vào các liên kết với doanh nghiệp, chinh phục các thị trường cao cấp, đảm bảo giá trị kinh tế, nâng cao uy tín thương hiệu.
Phóng viên VOV thường trú tại Tây nguyên đề cập vai trò của các liên kết này trong việc nâng tầm nông nghiệp Đà Lạt, hướng tới chuyên nghiệp hóa từ đầu vào đến đầu ra, với loạt bài:
Bài 1 - Vườn công nghệ cao giúp nông dân Đà Lạt thêm giàu có
Bài 2 - Liên kết sản xuất và tiêu thụ ở Lâm Đồng: Nông dân và doanh nghiệp khó tìm được tiếng nói chung
Buổi sáng, khi những tia nắng đầu tiên hắt xuống khu nhà kính chuyên trồng cẩm chướng của ông Huỳnh Đình Phước, phường 8, thành phố Đà Lạt, cả khu nhà lại rạng ngời lên hai màu xanh, đỏ của lá và hoa. Bên những bó hoa vừa thu hoạch, ông Phước cho biết, cả khu nhà kính 3.000m2 của gia đình, chỉ trồng duy nhất giống hoa cẩm chướng đỏ theo hợp đồng liên kết với Đà Lạt Hasfarm.
Sản phẩm hoa của nông dân được đưa đến điểm tập kết để doanh nghiệp phân loại, đóng gói đưa ra thị trường tiêu thụ. |
Trồng duy nhất 1 loại hoa ban đầu ông thấy không quen, nhưng rồi nhanh chóng nhận ra đây là cách làm đúng, vì mọi yêu cầu kỹ thuật đều dễ thực hiện trôi chảy, cho những bông hoa đẹp hoàn mỹ. Cùng với đó, gia đình không còn phải ưu tư gì về đầu ra của sản phẩm và giá trị kinh tế thu được, bởi điều đó đã được ghi trước trong hợp đồng liên kết với Dalat Hasfarm.
“Trước đó tôi làm và bán ra bên ngoài cho thị trường nên thu nhập không ổn định, tại vì giá cả nó rất bếp bênh. Còn các công ty thì thấy giá cả đầu ra nó ổn định hơn nên tôi thấy liên kết sản xuất với họ thì có lợi, vì một phần làm với công ty thì họ đã có sẵn thị trường nên mình chỉ việc giao hàng, phần còn lại là cho mình thu nhập cao hơn so với làm tự bán bên ngoài”, ông Phước chia sẻ.
Tương tự, ông Hà Duân, một hộ sản xuất rau xanh lâu năm tại thành phố Đà Lạt cũng đưa kinh tế của gia đình phát triển đi lên nhờ tham gia mô hình liên kết sản xuất rau an toàn. Ông cho biết từ ngày tham gia vào Hợp tác xã (HTX) Anh Đào Đà Lạt thì gia đình không còn ôm đồm, trồng đủ loại rau như trước. Có hợp đồng liên kết, mọi thứ đều như được lập trình. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm luôn tốt, lợi nhuận cao, lại an nhàn và an toàn.
“Khi liên kết với HTX, tôi được học tập, hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong quy trình sản xuất, nguồn vốn bị thiếu thì HTX hỗ trợ thêm. Rồi khi sản xuất ra sản phẩm thì HTX bao tiêu hoàn toàn nên tôi rất yên tâm. Doanh thu so với trước đây đã tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi, trước đây 1 sào/năm tôi thu nhập 100 triệu đồng thì nay khi tham gia HTX tôi thu được trên 150 triệu, lãi được trên 70 triệu/sào”, ông Duân cho hay.
Nhận thấy rõ hiệu quả mang lại từ các mô hình liên kết sản xuất, ông Nguyễn Hữu Tiến, ở phường 7, thành phố Đà Lạt cũng đã mạnh dạn tham gia mô hình và tăng dần diện tích canh tác trong nhà kính từ 1.000m2 lên 5.000m2, trong đó chủ yếu trồng 2 loại hoa cắt cành là cúc và cẩm chướng để cung cấp cho Dalat Hasfarm.
Ông Nguyễn Hữu Tiến cho hay, ngay khi tham gia vào mô hình liên kết sản xuất với công ty này, ông và hơn 100 hộ dân khác đã không còn phải đau đầu tính toán về chuyện nên trồng loại hoa gì, cách phòng trừ dịch bệnh ra sao, sản phẩm bán cho ai, mà chỉ cần tập trung sản xuất cho tốt theo đơn đặt hàng là được. Nhờ đó, mức thu lãi của gia đình ông luôn đảm bảo ổn định đạt trên 600 triệu đồng/năm.
Ông Tiến cho biết thêm, “Cây giống thì được cung cấp từ nguồn sạch bệnh, còn về kỹ thuật, hàng tuần công ty đều cử nhân viên xuống tận vườn cùng với nông dân kiểm soát sâu bệnh và đưa giải pháp để khắc phục. Hiện nay, dịch bệnh trên cây hoa ở Đà Lạt đang diễn biến phức tạp, vì vậy để nâng cao hiệu quả cây trồng thì rất cần có những đội ngũ kỹ thuật tương tự như của công ty này để kết hợp với nông dân tìm ra hướng xử lý hiệu quả”.
Một mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ rau an toàn tại Đà Lạt – Lâm Đồng mang lại giá trị kinh tế cao. |
Theo ông Nguyễn Công Thừa, Tổng giám đốc HTX Anh Đào, ngoài các xã viên của mình, hiện HTX đã mở rộng thực hiện liên kết sản xuất rau xanh các loại theo hướng an toàn với gần 200 hộ nông dân, trong đó phần lớn là người dân tộc thiểu số của huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng.
Nếu năm 2010, HTX tiêu thụ 6.000 tấn rau cho nông dân với mức doanh thu 45 tỷ đồng thì đến năm 2017 tiêu thụ đã nâng lên 44.000 tấn, doanh thu tăng lên đến 210 tỷ đồng và lợi nhận đạt gần 21 tỷ đồng.
Năm qua, HTX tiếp tục đưa doanh thu và lợi nhuận tăng 12%. Các xã viên đều có thu nhập hơn 1,2 tỷ đồng/ha/năm và các hộ nông dân liên kết đạt lợi nhuận bình quân trên 200 triệu đồng/ha/năm, trong đó có nhiều hộ đạt 600 triệu đồng/ha/năm, tăng ít nhất 20% so với làm nông nghiệp tự do.
Ông Nguyễn Công Thừa cho biết, hiện nhu cầu rau an toàn trên thị trường đang còn rất lớn, nhất là đối với thị trường xuất khẩu. Vì vậy HTX đang tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ để thu hút thêm nông dân tham gia mô hình liên kết sản xuất cùng HTX.
“Cơ chế của chúng ta đang rất thoáng, chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như chính quyền hiện đang kêu gọi các HTX, các doanh nghiệp, hộ nông dân làm sao liên kết cho được các chuỗi và HTX Anh Đào đã đi theo hướng này rồi. Mình hỗ trợ vốn kể cả quy trình kỹ thuật, cây giống và cam kết cuối cùng là bao tiêu sản phẩm cho bà con. Ngoài diện tích của thành viên HTX ra, do sản lượng đầu ra của mình đã tăng lên, bây giờ có cái khó làm sao bà con nông dân có được nguồn vốn vay ưu đãi để tiếp tục tái đầu tư sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn mà Anh Đào đã ký kết”, ông Thừa cho hay.
Những kết quả đạt được qua 2 mô hình liên kết sản xuất của nông dân với Dalat Hasfarm và HTX Anh Đào Đà Lạt cho thấy, liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân là yêu cầu tất yếu khi nông nghiệp hướng tới những thị trường lớn. Liên kết với doanh nghiệp không chỉ giúp hình thành được nhiều vùng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, đẩy lùi tình trạng “được mùa mất giá, ít thiếu nhiều thừa”, mà còn giúp nâng tầm thương hiệu, nâng tầm nông dân cho theo kịp với xu thế toàn cầu hóa, cạnh tranh ngày càng gay gắt…
Điều đáng tiếc là, ngay tại thành phố có nền nông nghiệp tiên tiến nhất cả nước như Đà Lạt, các liên kết thành công như thế này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay, tiêu thụ chỉ dưới 10% sản lượng rau - hoa. Hơn 90% còn lại vẫn ngụp lặn ở thị trường tự do, chịu nhiều rủi ro giống như các nguồn nông sản khác./.
Từ khóa: ngành nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết sản xuất, Đà Lạt, Lâm Đồng,
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN