Vùng Đông Nam Bộ: Muốn đi xa, bền vững thì phải đi cùng nhau

Cập nhật: 17/11/2022

VOV.VN - Một ví dụ cụ thể về thiếu tính liên kết vùng là trong đại dịch COVID-19 năm 2021, vào thời điểm dịch bùng phát dữ dội, các tỉnh, thành Đông Nam bộ tự rào chắn theo địa giới hành chính và mỗi địa phương có chính sách chống dịch khác nhau.

Bất cập thấy rõ là việc vận chuyển hàng hóa, lương thực thực phẩm, thậm chí cả phương tiện vật tư chống dịch bị đứt gãy. Cho nên, vấn đề liên kết vùng đã đặt ra nhiều năm trước giờ lại càng bức thiết hơn. Thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thay đổi nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng, gắn sự phát triển của địa phương vào sự phát triển chung của vùng là những vấn đề được phóng viên VOV tại TP.HCM đề cập trong bài 2 của loạt bài “Tháo gỡ điểm nghẽn, tạo đột phá cho vùng Đông Nam Bộ” với nhan đề “Muốn đi xa, bền vững thì phải đi cùng nhau”.

Chuyển biến trong tư duy liên kết vùng

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hoàng Ngân phân tích, trong nhiều năm qua, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đông Nam bộ được Trung ương quan tâm, có nhiều định hướng nhưng việc triển khai các định hướng còn nhiều nút thắt, một số chỉ tiêu phát triển chưa như mong đợi, tăng trưởng kinh tế của vùng có xu hướng giảm dần. Cụ thể như, giai đoạn 2011- 2015 tăng trưởng 6,87% thì giai đoạn 2016- 2020 giảm còn 5,5% trong khi định hướng là 9-10%; đóng góp thu ngân sách từ 54% giai đoạn 2006-2010 thì nay chỉ còn 46,1% trong khi mục tiêu đề ra là 55- 60%...Sự giảm sút này do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Thể chế, hạ tầng, dịch bệnh….Trong đó, hạ tầng vùng không được đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế của vùng trong khi các chỉ tiêu đề ra có điều kiện đi kèm là đầu tư hạ tầng vùng nhưng lại không đầu tư.

Trên cơ sở đó, ông Trần Hoàng Ngân kiến nghị: "Cần có sự đổi mới mang tính đột phá về tư duy, phải tính đến phát triển kinh tế- xã hội vùng thay cho tư duy kinh tế xã hội địa phương thông qua cơ chế điều hành và phân bổ ngân sách. Cần thống nhất quan điểm, muốn đi xa, bền vững thì phải đi cùng nhau, cùng phát triển của vùng. Ai cũng thấy được quyền lợi và trách nhiệm của mình trong sự phát triển của vùng."

Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương cho rằng, về phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ, những năm qua, chưa có chiến lược phát triển vùng hoặc chiến lược chưa hoàn chỉnh, chưa khả thi nên các địa phương trong vùng loay hoay, tự thân vận động, mạnh ai nấy làm và làm sao đó cho địa phương phát triển. Từ đó không có tiếng nói chung trong quy hoạch, không hỗ trợ nhau hoặc hỗ trợ rất ít để cùng phát triển kinh tế vùng. Những vấn đề này cần được khắc phục. Gần đây Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt và có hướng ra sáng cho vùng, như kết nối giao thông, các công trình tầm vóc quốc gia: sân bay Long Thành, đường vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.HCM-  Bình Dương- Chơn Thành… nhưng chí ít 5 năm, 7 năm, 10 năm nữa mới phát huy được. Cho nên, kết nối hiện nay giữa các địa phương là rất quan trọng, nếu chỉ huy tốt thì tự các địa phương cũng có thể bố trí vốn để cùng nhau làm, tạo thành xung lực mới.

Ông Lợi cho biết: "Liên kết phát triển vùng cần có đổi mới thực sự về tư duy trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, tổ chức thực hiện. Không còn tư duy kinh tế tỉnh nữa, mà phải phát triển tư duy kinh tế vùng. Thông qua 4 liên kết là: bố trí lực lượng sản xuất căn cứ vào quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh để phát triển thứ tự ưu tiên; phối hợp xây dựng một hệ thống giao thông liên kết vùng; liên kết đào tạo nguồn nhân lực và phát triển thị trường lao động chung của cả vùng; bảo vệ môi trường chung trên toàn vùng".

Kết nối hạ tầng vùng

Trước mắt, các tỉnh thành mong muốn Chính phủ sớm có quy hoạch vùng, từ đó quy hoạch các địa phương phù hợp và gắn kết, có định hướng liên kết để khai thác thế mạnh của từng địa phương. Trong đó, Trung ương cần ưu tiên quy hoạch đầu tư các công trình hạ tầng mang tính liên kết vùng, đặc biệt là các tuyến đường cao tốc, hệ thống đường vành đai, hệ thống cảng- logistics; định hướng lĩnh vực ưu tiên phát triển từng địa phương nhằm tránh tình trạng các địa phương tự làm, đầu tư dàn trải gây ảnh hưởng đến hiệu quả chung của sự phát triển vùng.

Tiến sĩ Trần Du Lịch đã có hơn 20 năm theo dõi sự phát triển của vùng này cho rằng, thực tế thời gian qua, các địa phương chú trọng lo kinh tế của mình mà chưa quan tâm đúng mức đến khai thác lợi thế vùng thông qua liên kết vùng. Với Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các địa phương trong vùng Đông Nam bộ và các bộ ngành liên quan căn cứ vào đây để cụ thể hoá sự liên kết, từ quy hoạch cho đến triển khai thực hiện.

Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, liên kết phát triển kinh tế vùng phải thực hiện đồng bộ trên các lĩnh vực, trong đó có liên kết hạ tầng giao thông: "Trên cơ sở sau này quy hoạch vùng rồi, thì hệ thống giao thông kết nối vùng để nối kết việc bố trí sản xuất như thế nào và tất cả hướng ra cụm cảng số 4 gồm có Bà Rịa- Cái Mép, các cảng ở TP.HCM, Long An, Đồng Nai…Kết nối giao thông vùng như vậy sẽ khai thông toàn bộ logistics, để thông thương được vùng này, kinh tế thông thương."

Ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cho rằng, các dự án có tính kết nối vùng, liên kết vùng trong những năm qua đã được tỉnh này đưa vào quy hoạch, thậm chí xúc tiến các thủ tục nhưng do các điều kiện về quy hoạch vùng, vốn đầu tư các dự án liên kết vùng thì liên quan đến quyết định chủ trương của Trung ương, có dự án còn đi qua cả các tỉnh thành lân cận cho nên lệ thuộc vào quyết định của các bộ ngành. Bà Rịa- Vũng Tàu hiện có Quốc lộ 51 cần nâng cấp, cao tốc Biên Hoà- Vũng Tàu đang triển khai thủ tục đầu tư, cầu Phước An nối Bà Rịa- Vũng Tàu với Đồng Nai, đường Vành đai 4... nếu sớm được thi công, hoàn thành, kết nối thì sẽ khai thác được hệ thống cảng biển.

Ông Vinh nói: "Tỉnh tin rằng, với quyết tâm của Chính phủ, sự vào cuộc hỗ trợ lẫn nhau, cùng phối hợp giữa các tỉnh thành thì hệ thống giao thông kết nối liên vùng mới phát huy hiệu quả sau khi đầu tư được, tạo điều kiện thu hút đầu tư cho không riêng Bà Rịa- Vũng Tàu mà cả các tỉnh thành trong vùng, sẽ đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng quốc gia, thu ngân sách trung ương."

Vùng Đông Nam Bộ đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước; là đầu mối giao thương, kết nối trong nước và quốc tế thông qua hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế, đặc biệt là tuyến đường bộ xuyên Á và tuyến đường biển nối Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Những năm qua và trong tương lai, vùng này là đầu tàu kinh tế, trung tâm công nghiệp, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tài chính, ngân hàng, logistics, văn hóa, y tế, giáo dục của cả nước, là động lực lôi kéo, thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực phía Nam và cả nước.

Nghị quyết 24 định hướng sự phát triển cho vùng Đông Nam bộ, có ý nghĩa chiến lược, nhằm huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế của vùng để phát triển nhanh, ổn định và bền vững, hội nhập và hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nền kinh tế khu vực, thế giới./.

Từ khóa: liên kết vùng, vùng Đông Nam Bộ, logistic, phát triển kinh tế vùng, Nghị quyết 24

Thể loại: An ninh - Quốc phòng

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập