Vùng ĐBSCL đứng trước cơ hội lớn về xuất khẩu rau quả

Cập nhật: 16/09/2024

VOV.VN - Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng ấn tượng và đạt hơn 4,7 tỷ USD trong 8 tháng qua, tăng cao so với cùng kỳ, đây là con số ấn tượng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mới đây.

Trong các mặt hàng rau quả thì sầu riêng được dự báo sẽ tiếp tục đóng góp quan trọng về xuất khẩu trong những tháng tới khi Việt Nam đã ký Nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Những tín hiệu cho thấy cột mốc 7 tỷ USD xuất khẩu rau quả hoàn toàn khả thi nếu Việt Nam giữ vững thị trường và đà xuất khẩu duy trì ổn định như hiện nay.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vùng ĐBSCL có diện tích hơn 370.000 ha cây ăn trái, đóng góp lớn vào xuất khẩu trái cây của Việt Nam. Hiện nay mặt hàng rau quả đã thâm nhập vào nhiều thị trường, điển hình như sầu riêng (tươi, đông lạnh), dừa tươi vào thị trường Trung Quốc; nhãn, thanh long, dừa tươi vào thị trường Hoa Kỳ; vải, nhãn vào thị trường Nhật Bản; xoài, bưởi vào Hàn Quốc; chanh, bưởi vào thị trường Newzealand đã góp phần giúp xuất khẩu rau quả trong thời gian qua tăng trưởng liên tục.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, ngành rau quả là một ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam hiện nay, ngành hàng đã tăng trưởng liên tục trong thời gian qua. Trong đó vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 60 – 70% tổng sản lượng rau quả của cả nước. Hiện nay trong tổng số các hiệp định thương mại tự do đã ký kết có điều khoản rau quả phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm theo yêu cầu, điều này này nói lên chất lượng rau quả sẽ quyết định đến xuất khẩu. Vì vậy, ngành hàng rau quả đã tập trung xây dựng thương hiệu, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn để vào các thị trường khó tính.

Theo ông Nguyên, đối với vùng sản xuất rau quả lớn của cả nước là vùng ĐBSCL cần hướng đến sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP, khi đạt được các tiêu chuẩn thì tiến hành xây dựng thành những sản phẩm OCOP để xúc tiến vào các thị trường, nhất là những thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về tiêu chuẩn, chất lượng.

“Các địa phương có những chương trình để tập huấn nâng cao trình độ công nghệ thông tin, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất dễ dàng, thực hiện truy xuất nguồn gốc, tham gia các sàn thương mại điện tử hoặc là các hội chợ trong và ngoài nước để bán hàng, để giới thiệu về hàng hóa. Từ đó sẽ tạo ra một thương hiệu của vùng nguyên liệu, từ những cái thương hiệu của vùng nguyên liệu của địa phương nó sẽ hình thành lên một thương hiệu quốc gia và có khi mà hàng hóa có thương hiệu quốc gia thì chúng ta không sợ và không có người mua, không có thị trường” - ông Nguyên nói.

Trong những tháng đầu năm nay nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã xúc tiến thương mại và đưa những lô hàng trái cây xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia và nhiều thị trường khác, góp phần quan trọng vào tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam. Xây dựng vùng nguyên liệu, cấp mã số vùng trồng để đáp ứng các tiêu chuẩn đã giúp cho nhiều mặt hàng nông sản vùng ĐBSCL đứng vững ở các thị trường khó tính và khẳng định được vị thế nông sản Việt Nam trên thương trường.

Từ khóa: rau quả, vùng ĐBSCL, ĐBSCL, xuất khẩu rau quả, rau quả

Thể loại: Kinh tế

Tác giả: phạm hải/vov-đbscl

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập

bài liên quan