Vùng cao Quảng Nam đối mặt với thiếu nước sinh hoạt
Cập nhật: 10/06/2020
Gần 100 gian hàng giảm giá tại “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình”
23 tác phẩm xuất sắc đoạt giải Báo chí về xây dựng Đảng tỉnh Sơn La
VOV.VN - Ở nhiều nơi, người dân vùng cao phải sâu trong rừng sâu tìm nguồn nước về sử dụng.
Nắng nóng gay gắt kéo dài thời gian qua khiến mạch nước ngầm đầu nguồn các con sông, suối ở tỉnh Quảng Nam khô cạn. Chính quyền các địa phương đang triển khai khoan giếng tại các khu dân cư để phục vụ nhu cầu trước mắt cho bà con.
Thôn Bến Giằng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nằm gần đường Hồ Chí Minh. Mấy tháng qua, hàng chục hộ dân nơi đây phải dậy sớm, đến điểm nước tự chảy hứng từng can nước gùi cõng về nhà dùng. Bà con đi lấy nước đông nên không ít người phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ mới đến lượt mình. Chị Zơ Râm Thị Mưng, người dân ở đây cho biết, thôn Bến Giằng nằm cách trung tâm thị trấn Thạnh Mỹ gần 10 cây số, nước sạch sinh hoạt không đến được. Người dân quanh năm dùng nước tự chảy từ các khe suối. Do địa hình núi cao nên việc kéo đường ống dẫn nước về phục vụ cho các hộ dân gặp nhiều khó khăn.
"Lấy nước khó khăn, nên chúng tôi phải lên thôn Phờ Răng lấy nước. Nhà nước đầu tư 1 bể chứa nhưng chỉ sử dụng được 2 năm, sau này không ai sửa nên không có nước. Hiện giờ thôn Bến Giằng đâu có nước", chị Mưng nói.
Chị Zơ Râm Thị Mưng ngày ngày đi lấy nước cách nhà cả cây số. |
Từ thôn Bến Giằng, xã Cà Dy, huyện Nam Giang ngược về phía Tây chừng 40 cây số là làng Lao Đu thuộc xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam. Cả trăm hộ dân nơi đây cũng đang khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt. Nguồn nước tự nhiên trên núi dẫn về làng không đủ cấp nước cho dân, bể chứa nước trong thôn cũng đã cạn kiệt. Người dân nhiều lần kiến nghị chính quyền huyện đầu tư xây dựng 1 đập dâng cách thôn gần 4 cây số dẫn nước về làng, đồng thời khoan giếng tại một số điểm để lấy nước dùng chung. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí, đến nay chưa thể thực hiện được. Chia sẻ khó khăn với bà con xóm giềng, từ hơn 2 năm nay, ông A Năm, người dân trong thôn đặt mua hơn 1.000 mét ống nhựa dẫn nước từ trong núi về làng phục vụ bà con.
Anh Hồ Văn Kiểm, làng Lao Đu, xã Phước Xuân, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết: "Ông A Năm dẫn nước về là cả làng đến dùng chung và lấy nước về trữ. Đường ống dài hơn 1.000 mét mới dẫn được tới làng. Bà con cũng thường tắm suối đầu nguồn, nhưng khu tập trung rất bẩn vì cả trâu bò cũng xuống tắm chung".
Năm nay, thời tiết thay đổi thất thường, nắng hạn kéo dài gây thiếu nước trên diện rộng. Chính quyền các địa phương miền núi tỉnh Quảng Nam đề xuất phương án khoan giếng để giải quyết tình trạng thiếu nước cho người dân, đồng thời hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm. Ông Nguyễn Mạnh Hà, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, địa phương cũng đang triển khai khoan giếng tại một số khu dân cư. Tuy nhiên, việc khảo sát, chọn địa điểm để khoan giếng cũng gặp không ít khó khăn do địa hình, địa chất. Một số nơi khoan xuống vài mét gặp đá, có nơi thì mạch nước ngầm không đảm bảo.
"Việc quản lý sau này cũng là vấn đề nan giải trong vận hành đối với giếng khoan. Chúng tôi cũng tiếp tục khảo sát các nguồn nước khác nữa để có sự đầu tư lại hệ thống nước, làm sao nguồn nước được ổn định, lâu dài hơn để phục vụ cho nhân dân", ông Hà nói.
Nước tự chảy do ông A Năm đầu tư dẫn về làng. |
Nước tự chảy từ các khe suối khá trong.
|
Trong khi đó, tại huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam, việc khoan giếng chỉ là giải pháp trước mắt. Về lâu dài, địa phương này sẽ đầu tư mỗi xã một công trình nước sinh hoạt, vừa đảm bảo đủ công suất, vừa có hệ thống lọc nước. Giai đoạn 2020- 2025, huyện Đông Giang sẽ phân kỳ đầu tư các công trình nước sạch ở các xã còn gặp khó như Kà Dăng, Sông Kôn, Jơ Ngây... từng bước giải quyết tình trạng thiếu nước tại các khu dân cư.
Ông Hồ Quang Minh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, tình trạng phá rừng đầu nguồn cũng như mở rộng diện tích trồng keo và biến đổi khí hậu, khiến mạch nước ngầm cạn kiệt.
Hiện nay, một số địa phương vùng cao tỉnh Quảng Nam khuyến khích người dân chủ động chuyển đổi trồng cây dược liệu dưới tán rừng, xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện canh tác để giữ mạch nước ngầm cung cấp cho người dân./.
Từ khóa: vùng cao thiếu nước, vùng cao Quảng Nam khát nước sạch, hạn mặn, hạn hán thiếu nước ở vùng cao
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN