Vui tết tại các nhà vườn tỷ phú sầu riêng ở Tiền Giang

Cập nhật: 06/02/2021

VOV.VN - Đợt hạn mặn mùa khô năm ngoái, nhiều diện tích vườn cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên, có những nông dân biết chủ động ứng phó, đã cứu được vườn cây thoát khỏi hạn mặn, tiếp mùa bội thu vì trúng giá.

Tết cổ truyền năm nay, gia đình ông Ngô Tấn Lâm (ở ấp Bình Thanh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang) rất vui vì năm qua trúng mùa, trúng giá trái sầu riêng. Ngồi nhâm nhi tách trà ngày xuân cùng bạn bè, ông Lâm không quên kể về câu chuyện "ứng phó" thành công với đợt hạn mặn lịch sử năm ngoái để có mùa bội thu. Mùa khô năm ngoái, hầu hết vườn cây ở xã Tam Bình đều bị khô hạn hay nước mặn tấn công; trong đó, có nhiều khu vườn bị chết trắng vì bị nước mặn từ sông Tiền xâm nhập.

Riêng 1 ha vườn sầu riêng của gia đình ông nhờ được cấp bổ nước ngọt từ sà lan chở từ thượng nguồn của sông Tiền về bơm xả vào mương vườn nên cây xanh tốt. Dù tốn chi phí chống hạn khoảng 300 triệu đồng nhưng trước Tết cổ truyền, vườn sầu riêng của ông thu hoạch được gần 10 tấn trái, với giá 90.000 đồng/kg, ông thu được gần cả tỷ đồng, lãi hơn 500 triệu đồng. Vườn sầu riêng này là trường hợp hiếm ở địa phương cho trái, bán được giá cao. Trúng mùa, trúng giá sầu riêng, nên tết cổ truyền Tân Sửu, gia đình ông Ngô Tấn Lâm ăn Tết rất thịnh soạn với đủ đầy thức ăn, hoa quả...

“Năm nay, tôi thành công vì vừa có tiền, vừa không chết cây nào. Bây giờ trừ chi phí, phân thuốc, mua nước ra mình còn lãi trên 500 triệu đồng. Vui vẻ nên năm nay ăn tết lớn, tiền dư ăn tết thoải mái hơn trước. Ít nhất đồ đạc trong nhà có đủ”, ông Ngô Tấn Lâm phấn khởi nói.

Còn ông Dương Văn Đây, nhà vườn trồng 2 ha cây sầu riêng ở ấp Long Quới, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy được mệnh danh là "tỉ phú sầu riêng" của vùng cù lao này. Cận Tết, gia đình ông thu hoạch được gần 20 tấn trái sầu riêng Ri6, Mỏn Thon, Chuồng bò, bán với giá trung bình 70.000 đồng/kg, đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Đợt hạn mặn năm ngoái, vườn cây sầu riêng của ông Đây cũng không bị thiệt hại do ông chủ động được nguồn nước ngọt. Ngoài nguồn nước ngọt dự trữ trong mương vườn, ông đã thuê sà lan chở hàng nghìn mét khối nước ngọt bơm vào các mương chứa nước quanh vườn cây. Nhờ vậy, trong khi nhiều vườn sầu riêng khác sau hạn mặn bị xơ xác thậm chí chết trắng thì khu vườn của người nông dân này ra trái bình thường. 

So với các hộ dân địa phương, cuộc sống gia đình ông Dương Văn Đây rất sung túc. Tết cổ truyền, con cháu trong gia đình ông tụ họp về đủ đầy và đón xuân đầm ấm. Tuy ở vùng cù lao hẻo lánh nhưng gia đình ông mua sắm đủ đầy vật chất để vui xuân. Ông Đây cho biết, để làm vườn đạt hiệu quả cao ngoài việc nắm vững các kỹ thuật canh tác còn phải biết chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu nhất là nước mặn tấn công ngày càng phức tạp. Những ngày tết cổ truyền này, bên cạnh việc vui xuân, nhà vườn không quên theo dõi độ mặn của thủy triều để có biện pháp bảo vệ vườn cây an toàn.

“Sầu riêng trúng mùa cũng được giá, vui tết năm nay thoải mái hơn so với bà con khác cũng còn khó khăn do sầu riêng bị hư hao nhiều quá. Nói thì nói chứ vui tết tiết kiệm, mình còn lo ngại nước mặn sắp tới đây nữa, cho nên mặc dù đạt được nhưng  mình cũng lo phòng thủ trước, tiếp tục chăm sóc sầu riêng cho qua mặn”, ông Đây chia sẻ.

Trúng mùa sầu riêng, thu lãi cao, đón Tết cổ truyền rất phấn khởi như gia đình ông Ngô Tấn Lâm, ông Dương Văn Đây ở huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang là rất tiêu biểu trong số hàng nghìn nhà vườn trồng loại cây đặc sản ở địa phương này. Đó là bài học kinh nghiệm là kết quả gặt hái được trong quá trình lao động sản xuất, với tinh thần sáng tạo, chủ động ứng phó có hiệu quả trước hạn mặn, có giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu, vươn lên làm giàu để có được những mùa xuân vui tươi, hạnh phúc./.

Từ khóa: sầu riêng, cây sầu riêng, nhà vườn, sầu riêng Ri6

Thể loại: Kinh tế

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập