Vụ tố dâm ô ở Bắc Giang: Để không phải băn khoăn “bộ phận nhạy cảm”!

Cập nhật: 25/09/2019

VOV.VN -Luật pháp sinh ra từ cuộc sống và phục vụ con người, nên trong quá trình thực thi, khi có những phát sinh hoặc thiếu sót, chúng ta cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện để phục vụ hiệu quả hơn đời sống con người.

Những ngày gần đây, dư luận khá xôn xao về việc thầy giáo D.T.M (SN 1981) - giáo viên chủ nhiệm lớp 5A trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang bị tố dâm ô hàng loạt học sinh tiểu học và chờ đợi câu trả lời từ cơ quan điều tra.

Tuy nhiên, theo kết luận của cơ quan Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, cơ quan này đã phối hợp các bác sỹ của Trung tâm y tế huyện, cùng đại diện gia đình, nhà trường đã tổ chức kiểm tra dấu vết trên thân thể của 14 cháu học sinh có liên quan, kết quả cho thấy không có dấu vết gì nghi vấn. Quá trình làm việc với các cháu học sinh, thầy giáo M và các bên liên quan cho thấy, thầy M chỉ véo tai, véo mũi, dí vai, sờ mông, sờ đùi một số học sinh nữ của lớp 5A, trường Tiểu học Tiên Sơn. Ngoài ra ông M không có hành động nào khác. Theo đó cơ công an kết luận chưa đủ căn cứ chứng minh việc ông D. T. M có hành vi dâm ô (đối với người dưới 16 tuổi).

vu to dam o o bac giang: de khong phai phan biet "bo phan nhay cam"! hinh 1
Hệ thống pháp luật phải chăng còn có kẽ hở để cho những “con yêu râu xanh” vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật? (ảnh minh họa-internet)

Kết luận này làm mọi người có thể yên tâm phần nào vì không lại phải chứng kiến một vụ việc đau lòng nữa xảy ra ở một môi trường mô phạm như đã từng xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua. Nhưng dường như trong dư luận vẫn ẩn chứa nhiều sự bất an.

Chúng ta thực sự bất an vì thời gian qua có nhiều vụ việc “động trời” xảy ra ngay trong một môi trường mô phạm, mà thủ phạm lại là chính những người mà hàng ngày vẫn rao giảng đạo đức làm người. Nhưng bất an hơn khi chúng ta chưa có một “hàng rào” bảo vệ các em một cách hữu hiệu.

Đó là việc chưa trang bị tốt cho các em cách phòng tránh những nguy hiểm đang rình rập, trong đó có hành vi dâm ô, xâm hại tình dục. Có rất ít vụ xâm hại được phát hiện ra ngay từ đầu, mà nó chỉ được biết đến khi sự việc vỡ lỡ. Vì vậy, chỉ khi các em được trang bị đầy đủ kiến thức về nạn xâm hại, các em mới có ý thức phòng vệ và dám lên tiếng tố cáo hành vi đồi bại này.

Đó là hệ thống pháp luật phải chăng còn có kẽ hở để cho những “con yêu râu xanh” vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, hoặc có cơ hội lách luật, chạy tội. Điển hình là vụ dâm ô nhiều cháu bé ở Vũng Tàu, sau rất nhiều năm, gia đình các nạn nhân đi đòi công lý, và sau nhiều lần hoãn Tòa vì không đủ chứng cứ, thì ông già dâm ô Nguyễn Khắc Thủy mới phải chịu tội trước pháp luật.

Hay trong vụ việc vừa xảy ra ở Bắc Giang, mặc dù cơ quan điều tra đã kết luận cũng như chính bản thân thầy giáo M đã thừa nhận trước cơ quan điều tra là “có hành động dí vai, sờ mông, sờ đùi… hàng loạt học sinh tiểu học”, nhưng cuối cùng vẫn “chưa đủ căn cứ chứng minh việc ông D. T. M có hành vi dâm ô”. Phải chăng có nhiều vụ việc rất khó quy kết tội danh vì trong các văn bản luật và dưới luật chưa có những quy định cụ thể?.

Theo quy định của Khoản 1, Điều 146, Bộ Luật Hình sự 2015: “Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi qusan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thoả mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với nạn nhân.

Vậy danh giới để khẳng định thế nào là bộ phận nhạy cảm cũng thực sự mong manh, khi mà hành động dí vai, sờ mông, sờ đùi… không được coi là sờ vào các “bộ phận nhạy cảm”?!

Vì thế, khi chúng ta chưa có quy định cụ thể, chi tiết các hành vi vi phạm pháp luật thì trong nhiều trường hợp, nếu áp luật một cách cơ học thì rất khó để xử lý vụ việc một cách chính xác, công minh. Đồng thời, sẽ tạo kẽ hở để xảy ra tình trạng “lách luật”, “chạy án” như vẫn thường thấy trong một số vụ án.

Nói như thế, không có nghĩa là ngay từ khi ban hành, phải có các quy định cụ thể, chi tiết trong luật. Mà thực tế, luật pháp phát sinh từ cuộc sống và phục vụ đời sống con người, nên trong quá trình thực thi, khi có những tình huống phát sinh trong đời sống hoặc khi phát hiện những thiếu sót, sơ hở chúng ta cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện để phục vụ hiệu quả hơn đời sống con người.

Để dư luận không phải thỉnh thoảng lại giật mình thon thót vì những vụ dâm ô (hay vụ việc tương tự nhưng chưa đủ căn cứ kết luận) xảy ra trong môi trường giáo dục như hàng loạt vụ việc đã từng xảy ra, cùng với nhiều giải pháp như tuyển chọn đầu vào, giáo dục đạo đức người làm thầy, cũng như việc hướng dẫn cho trẻ khả năng tự bảo vệ, cần thiết phải có những điều chỉnh, quy định rõ ràng, cụ thể trong luật, để khi sự việc xảy ra, chúng ta không còn phải băn khoăn giữa “bộ phận nhạy cảm” và “chưa nhạy cảm”, đồng thời hạn chế để được những kẽ hở cho việc lách luật, chạy án.

Và quan trọng hơn, là để thế hệ tương lai của chúng ta được sống trong một môi trường giáo dục thanh sạch đúng nghĩa. Bởi, các em có quyền được hưởng những gì tốt đẹp nhất./.

Minh Hòa/VOV.VN

Từ khóa: bộ phận nhạy cảm, vụ tố dâm ô ở Bắc Giang, dâm ô nữ sinh, thầy giáo dâm ô, xâm hại tình dục,

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOVVN

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập