Vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng ở Tuyên Quang: Những ai phải chịu trách nhiệm?
Cập nhật: 06/03/2024
Bắt giam cựu điều tra viên ở Đồng Nai vì dùng nhục hình
"Nổ" quan hệ với nhiều lãnh đạo để lừa đảo lấy tiền "tách thửa"
VOV.VN - Luật sư Hùng cho rằng, trong vụ tai nạn giao thông ở Hà Giang, việc cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố bị can mới là hoạt động tố tụng ban đầu. Cơ quan chức năng sẽ phải tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân, diễn biến của vụ tai nạn, lỗi và trách nhiệm của các bên có liên quan.
Chiều 5/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với Lê Văn Tân (SN 1985, trú tại thôn Cậy Sơn 1, xã Hoành Sơn, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, quy định tại khoản 3, Điều 260 Bộ luật Hình sự.
Dưới góc độ pháp lý, Thạc sĩ. Luật sư Nguyễn Đức Hùng – Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, mặc dù Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Tuyên Quang đã có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với lái xe ô tô đầu kéo nhưng đó mới chỉ là các hoạt động tố tụng ban đầu của quá trình giải quyết vụ án. Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ phải tiếp tục điều tra, làm rõ nguyên nhân, diễn biến của vụ tai nạn, lỗi và trách nhiệm của các bên có liên quan, cũng như bảo đảm các quyền lợi cho các nạn nhân theo quy định của pháp luật.
Luật sư Hùng khẳng định, đây là vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng khiến 5 người đi trên xe ô tô khách tử vong tại chỗ; 1 người tử vong tại bệnh viện; 3 người bị thương đang điều trị tại cơ sở y tế và các thiệt hại về tài sản. Do đó, việc Cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố vụ án và khởi tố bị can về “Tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Khoản 3 Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 là có căn cứ và phù hợp với các quy định của pháp luật.
“Người phạm tội này thuộc một trong các trường hợp : “ a) Làm chết 3 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.” sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”- luật sư Hùng phân tích.
Về trách nhiệm dân sự, tại Khoản 1 Điều 524 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định, bên vận chuyển có nghĩa vụ: “Chuyên chở hành khách từ địa điểm xuất phát đến đúng địa điểm, đến đúng giờ, bằng phương tiện đã thỏa thuận một cách an toàn, theo lộ trình; bảo đảm đủ chỗ cho hành khách và không chuyên chở vượt quá trọng tải.”.
Đồng thời, tại Điều 528 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định: “1. Trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật; 2. Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.” Theo quy định này, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiện Duyên cho rằng, do hành khách không có lỗi nên đơn vị vận chuyển hành khách sẽ phải có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hoặc tài sản cho hành khách trong vụ tai nạn này. Sau đó, đơn vị vận chuyển có quyền yêu cầu bên có lỗi gây ra vụ tai nạn phải bồi hoàn các khoản tiền đã chi bồi thường cho hành khách, cũng như bồi thường các thiệt hại về phương tiện và tài sản khác (nếu có).
Bên cạnh đó, luật sư Hùng cho biết thêm, khoản 2 Điều 524 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng quy định bên vận chuyển có nghĩa vụ “mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách theo quy định của pháp luật.” Do đó, nếu đơn vị vận chuyển có tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với hành khách và vụ tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm theo thỏa thuận tại Hợp đồng bảo hiểm (ký kết giữa đơn vị vận chuyển và bên bảo hiểm) thì bên bảo hiểm cũng sẽ có trách nhiệm thực hiện việc chi trả tiền bảo hiểm theo đúng phạm vi và hạn mức bảo hiểm đã quy định trong Hợp đồng bảo hiểm. Tương tự như vậy, nếu bên có lỗi gây ra vụ tai nạn có tham gia bảo hiểm thì bên bảo hiểm cũng sẽ có trách nhiệm chi trả bảo hiểm khi vụ tai nạn thuộc phạm vi bảo hiểm theo thỏa thuận trong Hợp đồng đã ký kết.
“Do việc bồi thường thiệt hại là quan hệ dân sự nên việc giải quyết trước hết sẽ căn cứ vào sự tự do, tự nguyện thỏa thuận giữa các bên có liên quan. Nếu các bên không thể tự thỏa thuận, thống nhất được với nhau thì sẽ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi đó, Tòa án có thẩm quyền sẽ có trách nhiệm xem xét, giải quyết vấn đề trách nhiệm dân sự, bồi thường thiệt hại cùng với việc giải quyết vụ án hình sự nêu trên”- luật sư Hùng phân tích.
Trước đó, khoảng 1h36’ rạng sáng ngày 5/3, tại Km150 + 850 đường Quốc lộ 2 thuộc thôn Đồng Cầu, xã Tứ Quận, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang xảy ra vụ tai nạn giao thông đường bộ giữa xe ô tô đầu kéo biển số 15C-075.26, kéo theo sơ mi rơ moóc biển kiểm soát 15R-008.96 do Lê Văn Tân điều khiển với xe ô tô chở khách biển kiểm soát 23F-000.58 do Phan Văn Quý (SN 1983, cư trú tại thôn Tân An, xã Hùng An, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) điều khiển.
Hậu quả làm 5 người đi trên xe ô tô khách tử vong tại chỗ; 1 người tử vong tại bệnh viện; 3 người bị thương đang điều trị tại cơ sở y tế.
Sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Công an tỉnh Tuyên Quang đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh khẩn trương tổ chức khám nghiệm hiện trường; khám nghiệm phương tiện liên quan đến tai nạn giao thông và tiến hành các hoạt động tố tụng khác theo quy định của pháp luật để làm rõ nội dung vụ việc và người vi phạm.
Từ khóa: hà giang, hà giang, tai nạn giao thông, va chạm giao thông, container
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: nguyễn hiền/vov.vn
Nguồn tin: VOVVN