Vụ phá rừng giáp ranh tại Đắk Lắk: Kiểm lâm liệu có vô can?
Cập nhật: 11/06/2020
Hé lộ kế hoạch cải tổ FBI của Tổng thống đắc cử Donald Trump
Chớp thời cơ, Nga tung hàng loạt đòn tấn công ác liệt mới vào lực lượng Ukraine
VOV.VN - Chỉ cần chiếu theo quy định về rừng nghèo kiệt, đã có hàng trăm đến hàng nghìn mét khối gỗ bị đốt phá, hóa tro than tại tỉnh Đắk Lắk.
Như VOV đã thông tin về tình trạng phá rừng nghiêm trọng tại khu vực giáp ranh huyện Ea Kar và huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk, con số khoảng 130-140ha rừng được báo cáo là đã bị đốt phá, lấn chiếm chưa xác định được đối tượng, khiến nhiều người phải giật mình. Chỉ cần chiếu theo quy định về rừng nghèo kiệt, đã có hàng trăm đến hàng nghìn mét khối gỗ bị đốt phá, hóa tro than. Thiệt hại lớn về giá trị tài nguyên về môi trường.
Tuy vậy, đã hơn nửa tháng kể từ khi chính quyền địa phương khẳng định vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của chủ rừng, hạt kiểm lâm vẫn chưa được làm rõ. Phóng viên VOV tại Tây Nguyên phỏng vấn ông Đỗ Xuân Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk.
Rừng bị phá rất nghiêm trọng, kiểm lâm liệu có vô can? |
PV:Liên quan đến tình hình phá rừng ở vùng giáp ranh giữa hai huyện Ea Kar và Krông Bông, về phía Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk đã có sự vào cuộc, phối hợp như thế nào để kiểm tra, xử lý thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Dũng:Vụ việc phá rừng giáp ranh tại hai huyện Ea Kar và Krông Bông thì Chi cục cũng đã chỉ đạo trực tiếp cho hạt kiểm lâm kiểm tra, xác minh vụ việc và báo cáo cho chính quyền địa phương, lãnh đạo cấp trên để chỉ đạo xử lý. Động thái trong xử lý vụ việc thì huyện cũng đã tổ chức các cuộc họp, đưa ra các giải pháp, trong đó có sự tham gia của Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Về phía Chi cục Kiểm lâm cũng xác định, ở Ea Kar là cụ thể một vụ việc, còn tình hình chung trên địa bàn tỉnh diễn ra rất phức tạp. Đặc biệt là người dân di cư đời sống khó khăn, rồi những kẻ xấu lợi dụng dụ dỗ người dân phá rừng bán lại cho họ, sang nhượng. Tình hình rất phức tạp.
PV:Theo số liệu thống kê sơ bộ thì có khoảng 130-140ha rừng ở vùng rừng giáp ranh các huyện bị phá và như ông vừa nói là tình hình đang diễn ra rất phức tạp. Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn của Phóng viên Đài TNVN thì lãnh đạo Hạt kiểm lâm huyện Ea Kar cho rằng trách nhiệm là của chủ rừng, còn kiểm lâm coi như vô can. Liệu có phải kiểm lâm huyện đùn đẩy trách nhiệm thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Dũng:Có thể khẳng định rằng, công tác quản lý bảo vệ rừng là cả hệ thống chính trị, toàn dân, không ngành nào là không liên quan cả. Nhưng vấn đề là đồng chí nào là trách nhiệm chính. Ở đây có thể khẳng định, rừng đã giao cho Công ty lâm nghiệp Ea Kar quản lý thì trách nhiệm chính là chủ rừng. Sau đó là chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan chuyên môn phải có trách nhiệm trong vấn đề này, Kiểm lâm phải có trách nhiệm trong vấn đề này chứ không thể nói không có được.
130-140ha rừng giáp ranh huyuện Ea Kar và Krông Bông được báo cáo đã bị đốt phá, lấn chiếm. |
PV:Như vậy, Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk sẽ có biện pháp như thế nào để xử lý trách nhiệm đối với kiểm lâm ở cơ sở thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Dũng:Qua vụ việc này, chúng tôi cũng sẽ yêu cầu Hạt Kiểm lâm Ea Kar báo cáo lại cụ thể tình hình. Trên cơ sở mức độ, tính chất vụ việc chúng tôi sẽ đưa ra đề xuất hình thức xử lý cho cấp trên xử lý, kiểm điểm Hạt Kiểm lâm Ea Kar. Vừa rồi chúng tôi cũng đã tiến hành họp các vụ phá rừng tại M’Đrắk và chúng tôi cũng đã có đề xuất bước đầu làm quy trình khiển trách đồng chí Hạt trưởng và kiểm lâm địa bàn. Sắp tới đây một số đơn vị chúng tôi sẽ tiến hành triển khai các quy trình để mà kiểm điểm, đặc biệt là Krông Bông, Ea Kar và một số đơn vị khác là sẽ đề xuất hình thức xử lý hết sức nghiêm túc.
PV:Vâng, cùng với việc điều tra, xử lý nghiêm minh các đối tượng phá rừng, xử lý trách nhiệm nghiêm túc cán bộ cơ quan chuyên môn, việc cấp bách lúc này là giải pháp cho những diện tích rừng bị phá. Nếu không kịp thời, chỉ trong thời gian ngắn những diện tích bị phá ấy sẽ không còn dấu vết gì của rừng, thưa ông?
Ông Đỗ Xuân Dũng:Đồng chí vừa nói điều đó tôi khẳng định hoàn toàn đúng. Nếu không có giải pháp khắc phục, phục hồi lại rừng trên diện tích rừng bị phá thì trong tương lai 1-2 năm là chúng sẽ hóa thành đất nông nghiệp và rất khó thu hồi để trồng lại rừng đối với những diện tích này. Hiện nay thì tỉnh cũng đã có kế hoạch trồng rừng năm 2020 và Sở cũng đã ban hành tổ chức thực hiện cụ thể triển khai cho các đơn vị. Qua vụ việc đối với diện tích vừa bị phá vừa rồi thì chúng tôi cũng sẽ cho rà soát đưa vào kế hoạch trồng rừng năm 2020, nếu không được thì năm 2021 cũng phải triển khai trồng ngay. Đồng thời, cũng đề nghị phải quản lý bảo vệ, tránh việc tái xâm canh, lấn chiếm.
PV:Vâng, xin cảm ơn ông!/.
Từ khóa: phá rừng, Đắk Lắk, kiểm lâm, đốt phá, vô can
Thể loại: Pháp luật
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN