Vụ nổ ở Beirut là nỗi đau cứa vào “vết sẹo cũ” của người dân Lebanon
Cập nhật: 12/08/2020
Trước nhà có cây hoàng mai: Những ghi chép về Huế - xứ sở phong rêu kiêu sa (30/11/2024)
Những dự án mới kích cầu du lịch xuân Ất Tỵ 2025 tại thành phố HCM (29/11/2024)
VOV.VN - Những người sống sót sau vụ nổ thảm khốc ngày 4/8 tại Beirut vẫn đang bàng hoàng về một thảm họa khiến thành phố của họ bị biến dạng.
Vụ nổ làm rung chuyển thành phố Beirut ngày 4/8 đã khiến 171 người tử vong và hơn 6.000 người khác bị thương. Đây được coi là một đòn giáng mạnh đối với một quốc gia vốn đang đối mặt với khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ cùng đại dịch Covid-19.
Phần lớn người dân Lebanon đều đã trải qua một vài cuộc xung đột, từ cuộc nội chiến 1975-1990 đến cuộc chiến năm 2006 với Israel. Ảnh: AFP. |
Phần lớn người dân Lebanon đều đã trải qua một vài cuộc xung đột, từ cuộc nội chiến năm 1975-1990 đến cuộc chiến năm 2006 với Israel.
Những cuộc chiến đó đã kết thúc, nhưng hậu quả để lại vẫn còn hiện hữu. Vụ nổ lớn vào tuần trước được mô tả giống như cứa thêm vào những “vết sẹo” tinh thần của người dân nước này.
Khi Carla đang ở trên ban công trong một khu phố cổ ở Beirut, cô cảm thấy tòa nhà rung chuyển.
“Ban đầu tôi nghĩ đó là một cuộc không kích vì tôi nghe thấy những âm thanh giống với những gì tôi thấy từ cuộc chiến năm 2006”, Carla nói với AFP.
Sau khi vụ nổ làm vỡ tung cửa sổ, cô vội vàng chạy xuống cầu thang và sững sờ với những thứ xảy ra trước mắt.
Trước khi Carla có thể bình tĩnh trở lại, người hàng xóm lớn tuổi của cô, người đã sống sót sau cuộc nội chiến 1975-1990, đang quét dọn sàn nhà. “Đây là một phản xạ tự nhiên từ thời chiến tranh, bất cứ khi nào có thứ gì đó đổ vỡ, họ ngay lập tức quét dọn nó”, Carla nói.
Carla hiện đang ở với gia đình và nói rằng cô ấy không sẵn sàng để trở về ngôi nhà của mình. Dù ở nhà của bố mẹ, Carla cũng không ngủ được. “Ngay cả một chiếc ô tô đang chạy trên đường cũng khiến tôi nhớ đến âm thanh của máy bay. Mọi thứ giờ đây khơi dậy những ký ức của tôi về cuộc chiến năm 2006. Tôi chưa bao giờ nhận ra rằng cuộc chiến đó thực sự đã khiến tôi tổn thương đến mức nào”, Carla nói.
Áp lực tâm lý
Doctors of the World, một tổ chức từ thiện quốc tế, đã dành vài ngày ở quận Karrantina, nơi đã bị san phẳng sau vụ nổ. Các nhân viên của tổ chức đã gõ cửa từng nhà trong khu vực để hỗ trợ tâm lý miễn phí cho người dân.
Trong những ngày đầu tiên sau vụ tai nạn, người dân dành thời gian để đi khám chữa bệnh hoặc dọn dẹp những mảnh vỡ khỏi nhà họ. Noelle Jouane, Giám đốc chương trình sức khỏe tâm thần của tổ chức từ thiện cho biết, khi trạng thái bình thường mới trở lại, người dân sẽ sẵn sàng để chia sẻ hơn.
“Chia sẻ sẽ giúp họ giải tỏa mọi nỗi buồn của họ”, bà Jouane nói.
Tuy nhiên ở quận Mar Mikhael, nơi bị tàn phá nặng nề sau vụ nổ, một tiếng động nhỏ nhất cũng có thể gây nên sự sợ hãi cho người dân.
Tại lối vào khu dân cư, một cụ già giật mình vì tiếng búa đập vào tấm sắt. Ông ngay lập tức cúi xuống và áp sát người vào mui xe của mình. “Không có gì đâu”, một người qua đường trấn an.
Một lúc sau, nỗi sợ hãi dường như bao trùm toàn bộ con phố khi có tin đồn địa điểm vụ nổ ngày 4/8 bốc cháy một lần nữa.
Rima Makki, Giám đốc hoạt động sức khỏe tâm thần của Tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) ở Lebanon cho biết: “Sự hoảng loạn và sợ hãi trong một số trường hợp là một trong những phản ứng bình thường trước những sự kiện bất thường. Toàn bộ người dân nơi này đang phải chịu áp lực tâm lý. Một sự cố đau thương ở mức độ lớn như vậy chắc chắn sẽ để lại hậu quả”.
Một tuần sau vụ nổ, Lebanon rơi vào khủng hoảng toàn diện
Nỗi ám ảnh
Tanya, 32 tuổi, đang ở trung tâm thành phố Beirut khi vụ nổ xé toạc các tòa nhà xung quanh cô.
“2 ngày đầu tiên sau vụ nổ tôi liên tục khóc. Nhưng có điều gì đó ẩn bên trong nói với tôi rằng: Bạn đang khóc vì điều gì vậy? Tôi vẫn an toàn, gia đình tôi vẫn an toàn, ngôi nhà của chúng tôi vẫn nguyên vẹn”, Tanya nói.
Tanya cho biết, cô không nhớ rõ về thời điểm xảy ra vụ nổ, nhưng những vết bầm tím trên cơ thể khiến cô nhớ lại những gì đã xảy ra. Hiện tại, cô cảm thấy sợ hãi khi phải ở một mình.
“Vào ban ngày thì mọi thứ dễ dàng hơn, nhưng vào ban đêm thì không. Tôi phải nhờ ai đó ở bên cạnh mình”, Tanya nói.
Omar, một nghệ sĩ thị giác, tin rằng anh ta có thể đã chết hoặc bị biến dạng bởi vụ nổ kinh hoàng đã tàn phá khu phố của anh. May mắn thay, người nghệ sĩ 30 tuổi đã không ở nhà vào thời điểm đó.
“Những con dao bay khỏi nhà bếp, toàn bộ kính trong nhà đều vỡ vụn. Chỉ nhìn vào những hình ảnh đó cũng khiến tôi cảm thấy ám ảnh”, Omar cho biết.
2 người bạn mà anh biết đã tử vong trong vụ nổ này.
“Tôi không biết làm thế nào để tôi hoặc mọi người có thể vượt qua điều này. Mọi người vẫn tiếp tục cuộc sống của mình, tuy nhiên theo một cách khác”, Omar nói./.
Từ khóa: Vụ nổ Beirut, Lebanon, Covid-19, vết thương tinh thần
Thể loại: Đời sống
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN