Vụ “lấy cắp” phôi thai của vợ cho bồ: Xây dựng quy trình kiểm soát bằng vân tay
Cập nhật: 19/10/2019
Nổ lớn tại hầm đá trái phép ở Lâm Đồng, 1 người bị thương nặng
Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 20 triệu lượt khách du lịch năm 2025
VOV.VN - Bộ Y tế đang thúc giục siết chặt quy trình hiến phôi, noãn… trong khi vụ việc hy hữu “chồng lấy cắp phôi thai của vợ cho bồ” vừa xảy ra.
Trao đổi với phóng viên về vụ việc “chồng lấy cắp phôi thai của vợ cho bồ” GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia (BV Phụ sản Trung ương) cho rằng, người chồng có thể đã qua mặt bác sĩ bằng chữ ký giả.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến cho biết, thậm chí khi hai vợ chồng đã ly hôn và muốn hiến tặng phôi thì vẫn được, nhưng phải có sự đồng ý của cả hai bên.
GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia (BV Phụ sản Trung ương). |
“Khi hai vợ chồng có phôi thai chung, thì khi người vợ hay người chồng muốn hiến tặng phôi phải có sự đồng ý của cả hai người và phải ký vào văn bản. Nếu chỉ có một người muốn thực hiện hiến phôi thì hoàn toàn không được, vì phôi thai là sản phẩm chung của cả hai người”, ông Tiến khẳng định.
Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia chỉ rõ quy trình hiến phôi tại BV Phụ sản Trung ương, theo đó, các trường hợp muốn hiến phôi thì người vợ và người chồng sẽ được mời đến và bắt buộc phải trực tiếp ký đồng ý trước sự chứng kiến của bác sĩ.
Với trường hợp “chồng lấy cắp phôi thai của vợ cho bồ” vừa xảy ra tại Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội), ông Tiến cho hay: “Vụ việc này tôi không biết cụ thể thế nào. Về mặt lý thuyết có thể có chữ ký của cả hai vợ chồng, nhưng chữ ký của vợ hoặc chồng có thể bị giả mạo”.
Cũng theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, từng có trường hợp giả mạo là vợ chồng tới bệnh viện để thực hiện thụ tinh nhân tạo. Tuy nhiên, khi phát hiện không có giấy tờ kết hôn, bệnh viện sẽ ngừng làm việc. Để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Bộ đang thúc đẩy quy trình chặt chẽ, thậm chí có việc kiểm soát bằng vân tay.
“Bộ đang thúc giục siết chặt quy trình. Nếu một người đã từng hiến noãn hay hiến tinh trùng ở trung tâm này, thì khi đến trung tâm khác để hiến tiếp sẽ bị phát hiện và bị từ chối”, GS.TS Nguyễn Viết Tiến nói.
Trước đó, một sự việc hy hữu đã xảy ra tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Bưu điện (Hà Nội). Chồng bà Nguyễn Thị N. (Quế Võ, Bắc Ninh) đã bày mưu lấy cắp phôi thai của vợ giúp “bồ” của mình là G.T.D, 45 tuổi ở Bắc Giang mang thai.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã - Trưởng đơn vị hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Bưu điện cho biết, đây là trường hợp bà chưa từng gặp trong bao nhiêu năm làm công tác hỗ trợ sinh sản. Theo bác sĩ Nhã, ngay khi nhận được đơn của bà N., trung tâm đã rà soát lại toàn bộ quy trình, đều thấy làm rất chuẩn: “Người chồng quá thủ đoạn, chủ động đánh lừa các bác sĩ. Hơn nữa ông ấy có đủ hết giấy tờ bản gốc”.
Dưới góc độ pháp lý, các luật sư cho biết, theo quy định của pháp luật phôi thai là thứ không thể mua bán, không thể định giá được bằng tiền, không có đầy đủ các thuộc tính của tài sản nên không được coi là tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, theo thông tin từ phía Bệnh viện Bưu điện, người chồng đã sử dụng giấy ủy quyền giả, giả chữ ký của vợ mình để thực hiện thủ đoạn qua mặt các cán bộ, bác sĩ.
Trong trường hợp người chồng và “bồ” của ông này có thể bị xem xét và xử lý về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức theo quy định tại Điều 341 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017./.
Người đàn ông lấy cắp phôi thai của vợ cho bồ bị xử phạt thế nào?
Từ khóa: lấy cắp trứng của vợ, lừa vợ lấy phôi thai, lấy trứng của vợ cho bồ, mang thai hộ, thụ tinh nhân tạo
Thể loại: Xã hội
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN