Vụ Kit test Việt Á là bài học xương máu

Cập nhật: 07/01/2022

[VOV2] - Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, khi triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần phải quyết liệt trong công tác giám sát, thanh tra để không xảy ra lãng phí, tham nhũng, tiêu cực như vụ việc xảy ra tại Công ty Việt Á.

Tăng cường giám sát để không xảy ra tiêu cực như vụ công ty Việt Á

Ngày 07/01, phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã ghi nhận nhiều ý kiến sôi nổi của các đại biểu Quốc hội.

Hầu hết các đại biểu đánh giá, việc ban hành Nghị quyết về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh hiện nay là điều vô cùng cần thiết, cấp bách. Gói hỗ trợ có quy mô lên đến gần 350 nghìn tỷ với diện bao phủ toàn diện từ phòng chống dịch bệnh, tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội, cải cách thể chế được kỳ vọng là cú hích cho nền kinh tế vực dậy sau đại dịch.

Đại biểu Trần Quốc Tuấn (đoàn Trà Vinh) cho rằng, khi triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần phải quyết liệt hơn nữa công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để không xảy ra sai sót, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.

“Tránh các trường hợp lạm dụng, trục lợi cá nhân, lợi ích nhóm như vụ việc đau lòng liên quan đến công ty Việt Á vừa xảy ra. Chúng ta phải xem đó là bài học xương máu để cần nghiêm túc nhìn nhận để gìn giữ lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Trần Quốc Tuấn kiến nghị, để phát huy hiệu quả nguồn lực cần tránh đầu tư dàn trải, đồng đều cho các ngành lĩnh vực không cần thiết tại thời điểm này.

Cần phải đầu tư trọng tâm, trọng điểm, trong đó ưu tiên những lĩnh vực có sức lan tỏa trong xã hội, thu hút nhiều lao động, việc làm như ngành chế biến chế tạo, hàng xuất khẩu, đầu tư hạ tầng giao thông trọng điểm… đồng thời cần xem xét hạ mức hỗ trợ lãi suất đối với các ngành, lĩnh vực như kinh doanh chứng khoán, bất động sản để hạn chế tối đa các bong bóng bất động sản đang có nguy cơ hình thành tác động không tốt đến nền kinh tế.

Đặc biệt, ông Tuấn kiến nghị khi triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế cần đặc biệt quan tâm và bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ trong gói chính sách đợt này là những lực lượng cán bộ y tế-lực lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia phòng chống dịch Covid-19.

“Hiện nay tại các cơ sở y tế đang xảy ra tình trạng quá tải công việc, áp lực, tâm lý lo lắng của đội ngũ cán bộ y tế. Có nơi xảy ra hiện tượng cán bộ y tế xin nghỉ việc để giải tỏa áp lực công việc. Do vậy, nếu có chính sách hỗ trợ trong thời gian ngắn 2-3 năm sẽ giúp họ yên tâm công tác”, ông Trần Quốc Tuấn kiến nghị.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) đánh giá, bốn đợt dịch Covid-19 vừa qua đã gây ra những ảnh hưởng rất lớn đối với người lao động. Chỉ tính riêng quý III/2021 cả nước đã có hơn 28 triệu người lao động phải hứng chịu tác động tiêu cực của đại dịch, trong đó hơn 4,7 triệu người bị mất việc làm, hơn 14 triệu người phải tạm nghỉ, tạm ngừng sản xuất, kinh doanh, hơn 10 triệu người phải giãn, giảm giờ làm việc.

Biến thể Delta cũng làm mất đi khoảng 1/4 mức lương bình quân tháng của người lao động ở vùng Đông Nam Bộ, đồng lương của người lao động vốn đã không dư dả gì thì nay vì dịch bệnh càng trở nên khó khăn hơn.

Kết quả khảo sát của Ban nghiên cứu phát triển doanh nghiệp tư nhân với 43.000 lao động bị mất việc cho thấy, gần 50% trong số này có nguồn tích lũy chỉ đủ để duy trì cuộc sống trong 1 tháng, 37% chỉ đủ duy trì cuộc sống cho 3 tháng và chỉ có hơn 4% là đủ duy trì cuộc sống cho trên 4 tháng.

Bên cạnh đó, đợt bùng phát dịch lần thứ tư đã khiến cho 1,3 triệu lao động phải dịch chuyển về quê, dẫn tới đứt gãy thị trường lao động, thiếu hụt lao động nghiêm trọng tại một số tỉnh phía Nam, nhất là những nơi tập trung đông khu công nghiệp, khu chế xuất. Cho đến nay, một lượng lớn lao động đã về quê nhưng chưa có nhu cầu quay trở lại, vì còn e dè với dịch bệnh, hoặc là mệt mỏi sau một thời gian dài giãn cách...

Từ thực tế này, bà Thủy kiến nghị, cần tăng gói kinh phí hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, đề nghị áp dụng cả về lao động chính thức và lao động ở khu vực phi chính thức.

“Hiện nay dự thảo đang đề xuất dành khoảng 6,6 nghìn tỷ và chỉ dành cho khu vực lao động chính thức là chưa phù hợp. Bên cạnh đó cần dành một khoản kinh phí thỏa đáng để hỗ trợ tiền xây dựng nhà ở cho công nhân; hỗ trợ tiền xét nghiệm, tiền đi lại, hỗ trợ tư vấn việc làm khi người lao động quay trở lại làm việc”, bà Nguyễn Thị Thủy đề xuất.

Cần gói hỗ trợ để vực dậy ngành du lịch

Tại phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội về Chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu cũng kiến nghị cần đặc biệt quan tâm tới các chính sách, nguồn lực để vực dậy ngành du lịch đã bị ảnh hưởng trầm trọng từ 4 đợt dịch Covid-19 vừa qua.

“Lĩnh vực du lịch phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Số lượng du khách lẫn doanh thu của ngành du lịch sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt là du khách quốc tế. Nhiều doanh nghiệp du lịch phải tạm dừng hoạt động hoặc chấm dứt hoạt động, buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh, cắt giảm nhân sự… Hầu hết các doanh nghiệp du lịch nơi ngân hàng, không doanh thu, không có khả năng trả nợ…”, ông Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đánh giá.  

Từ thực tế này, đại biểu Nguyễn Hữu Thông kiến nghị cần có những quyết sách hỗ trợ nhiều hơn nữa cho ngành du lịch như tiếp tục dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách nhà nước để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là các địa phương trọng điểm về du lịch; Giảm thuế sử dụng đất, tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch... Giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú, khu du lịch. Có chính sách miễn giảm thuế, thuế phí, có chính sách miễn giảm phí giao thông đường bộ cho các doanh nghiệp lữ hành, du lịch trong năm 2022.

Đồng tình với đề xuất của đại biểu Nguyễn Hữu Thông, đại biểu Trần Thị Quyên Thanh (đoàn Vĩnh Long) cho rằng, Chính phủ cần có những đánh giá tác động đối với ngành du lịch để có sự lựa chọn ưu tiên phát triển dựa trên tiềm năng lợi thế của từng địa phương.

Bên cạnh đó, xây dựng môi trường du lịch “an toàn” “nhân văn” “bền vững”, đẩy mạnh công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của xã hội và cộng đồng về trách nhiệm bảo vệ môi trường du lịch, tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh thân thiện với du lịch, cải tiến chất lượng dịch vụ và thái độ phục vụ du khách.

“Cần huy động và phân bổ nguồn lực thỏa đáng để phát triển du lịch như tăng tỷ lệ chi ngân sách cho du lịch từ 1,4% lên khoảng 3% tổng chi ngân sách như các nước trong khu vực. Đồng thời cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh có giải pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm du lịch để đảm bảo quyền lợi của du khách và tạo hình ảnh điểm đến chất lượng”, bà Trần Thị Quyên Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) đề xuất.

Từ khóa: Test Việt Á, test xét nghiệm, tham nhũng, lãng phí, gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ, Kỳ họp bất thường, Quốc hội, Chương trình phục hồi kinh tế

Thể loại: Giáo dục

Tác giả:

Nguồn tin: VOV2

Bình luận






Đăng nhập trước khi gửi bình luận Đăng nhập