Vũ khí đáng sợ nhất của Nga làm thay đổi cục diện xung đột Ukraine như thế nào?
Cập nhật: 08/04/2024
VOV.VN - Lực lượng không quân Nga đang tăng cường sử dụng các loại vũ khí có từ thời Liên Xô được sửa đổi để trang bị cho cuộc xung đột trong thế kỷ 21 và đẩy mạnh tấn công Ukraine nhằm giành lợi thế trên chiến trường.
Vũ khí đáng sợ nhất của Nga
Tổng tư lệnh Ukraine, ông Oleksandr Syrsky cho biết: “Trong nhiều tháng và nhiều tuần qua, đối phương đã tăng cường đáng kể hoạt động của máy bay chiến đấu, sử dụng bom dẫn đường để phá hủy các vị trí của chúng tôi”. Các loại vũ khí dẫn đường này thường được gọi là “bom lượn”, gồm những quả bom có tuổi đời hàng chục năm, được thả trực tiếp từ máy bay chiến đấu Su-34 và Su-35 xuống mục tiêu.
Bằng cách bổ sung cánh lượn giá thành rẻ và hệ thống định vị vệ tinh, những quả bom này có thể được máy bay ném bom của Nga phóng ở sâu bên trong lãnh thổ Nga, phía sau chiến tuyến và ngoài tầm với của hệ thống phòng không Ukraine.
Vlad – một binh sỹ 27 tuổi, tại khu vực phía Đông Donetsk cho biết: “Đối với Nga, việc dùng vũ khí này rẻ hơn nhiều so với việc sử dụng hàng trăm nghìn quả đạn pháo. Khi bom lượn phát nổ, nó có thể phá hủy một số tòa nhà”.
Bom lượn có thể chứa từ 500kg đến 1,5 tấn thuốc nổ, bay xa hơn 60km, tạo ra những miệng hố rộng tới 20m và sâu 6m khi lao xuống mặt đất.
Bohdan, một binh sỹ khác ở Donetsk cho biết: “Chúng rất đáng sợ, rất nguy hiểm. Ngay cả khi vụ nổ xảy ra cách khoảng 1km, nó cũng đủ để làm hư hại cửa của các tòa nhà xung quanh".
Bom lượn có sức tàn phá khủng khiếp đến mức các nhà phân tích của Deep State (Ukraine) đã cho đây là loại vũ khí mà lực lượng nước này “trên thực tế không có biện pháp đối phó”.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói với Financial Times rằng binh sỹ Ukraine “đang bị tấn công ồ ạt và thường xuyên, bằng các quả bom dẫn đường trên không. Chúng quét sạch các vị trí của chúng tôi”. Theo các quan chức quốc phòng Ukraine, Nga đã tấn công Ukraine bằng 3.500 quả bom dẫn đường trên không kể từ đầu năm đến nay, tăng gấp 16 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, chỉ trong tuần thứ 3 của tháng 3/2024, Nga đã phóng hơn 700 quả bom dẫn đường.
“Về bản chất, chúng có cấu tạo rất đơn giản. Vì thế, chúng tôi không thể gây nhiễu, và rất khó đánh chặn. Cách duy nhất để đối phó là bắn hạ những máy bay ném bom mang các quả bom này”, ông Kuleba giải thích.
Ukraine cần hệ thống phòng không hiện đại hơn
Để đạt được điều đó, Ukraine cần các hệ thống phòng không hiện đại hơn. Trong báo cáo công bố vào tháng 3 vừa qua, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế-tổ chức tư vấn có trụ sở tại London cho biết: “Việc Nga gia tăng số lượng các vụ tấn công bằng bom lượn là dấu hiệu cho thấy Ukraine đang bị khan hiếm vũ khí phòng không”. Sự thiếu hụt này, một phần là do Mỹ và châu Âu chậm trễ trong nỗ lực viện trợ quân sự. Hiện, Quốc hội Mỹ đang trì hoãn gói viện trợ trị giá 60 tỷ USD dành cho Kiev.
Máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất mà phương Tây cam kết cung cấp cho Ukraine có thể giúp Kiev đối phó với máy bay ném bom Nga. Nhưng theo ông Kuleba, chiến đấu cơ F-16 khó có thể được chuyển giao vào giữa mùa hè năm nay. Sự chậm trễ này đang làm trì hoãn các hoạt động quân sự của Ukraine trên chiến trường.
Vào tháng 3 vừa qua, Tổng thống Zelensky cho biết, Nga có thể tiến hành cuộc tấn công mới vào cuối mùa xuân hoặc đầu mùa hè. Các quan chức Ukraine nói rằng, bom lượn của Moscow có thể được sử dụng để phá hủy các con đường xuyên qua những công sự mới mà Kiev gấp rút xây dựng để ngăn chặn bước tiến của lực lượng Nga.
Vào tuần cuối cùng của tháng 3/2024, Nga được cho là đã tấn công Kharkov – thành phố lớn thứ 2 của Ukraine bằng hai quả bom dẫn đường đa năng có tầm bắn lên tới 90km. Đây là lần đầu tiên Kharkov bị tấn công bằng bom lượn. Trước đó khu vực này thường bị tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái.
Lực lượng không quân Nga đã đóng một vai trò hạn chế kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Cuộc chiến Nga-Ukraine phần lớn được định hình bằng các trận chiến trên bộ. Một quan chức quân sự Ukraine mô ta xung đột giống “chiến tranh thế giới thứ nhất, nhưng có sự xuất hiện của các công nghệ mới, chiến hào và máy bay không người lái”.
Trong thời gian gần đây, khi giao tranh chững lại và quân đội Nga tiến sâu hơn vào các vùng lãnh thổ, cuộc chiến trên không ở Ukraine đã nóng lên. Vào tháng 3 vừa qua, Ukraine cáo buộc Nga bắn hàng trăm tên lửa hành trình và đạn đạo vào cơ sở năng lượng và cơ sở hạ tầng dân sự của Ukraine, đe dọa phá hủy các nhà máy thủy điện ở các thành phố Kaniv và Zaporizhzhia.
Để đáp trả, Ukraine đã tấn công hàng chục nhà máy lọc dầu và nhà máy sản xuất máy bay không người lái nằm sâu trong lãnh thổ Nga, cũng như các tàu chiến và cơ sở chỉ huy của Hạm đội Biển Đen của Nga ở Crimea. Các chuyên gia quân sự cho rằng, lực lượng không quân Nga đang bắt đầu đóng vai trò then chốt và xoay chuyển cục diện chiến trường theo hướng có lợi họ. Sự phát triển bom lượn đã góp phần mở cánh cửa cho mục tiêu này.
Trong bản đánh giá tình hình chiến sự, Viện Nghiên cứu Chiến tranh lưu ý, Nga đã sử dụng “các cuộc tấn công bằng bom lượn để đạt hiệu quả chiến thuật trong việc chiếm giữ Avdiivka vào giữa tháng 2/2023 và buộc quân đội Ukraine phải rút lui”.
“Những quả bom này phá hủy hoàn toàn các vị trí của chúng tôi. Tất cả các tòa nhà và công trình đều bị san phẳng sau các vụ nổ. Và họ đã buộc chúng tôi phải rút lui trong vòng 60 đến 80 ngày”, Egor Sugar – binh sỹ Ukraine từng chiến đấu ở Avdiivka cho biết.
Michael Kofman, nhà phân tích quân sự tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, cho rằng việc Nga triển khai số lượng lớn bom lượn cùng và sức công phá của chúng đã ảnh hưởng đến tinh thần binh sỹ Ukraine. Người đứng đầu lực lượng vũ trang Ukraine cũng nhận định bom lượn là lý do chính khiến quân đội Ukraine phải rút lui khỏi Avdiivka, điều này mang lại cho Moscow thành công đầu tiên sau gần 1 năm.
Ông Syrsky nói: “Do bị bom dẫn đường từ trên không bắn phá liên tục, hàng phòng ngự của chúng tôi đã bị phá vỡ hoặc chọc thủng, tạo cơ hội cho đối phương tiến lên dần dần”.
Nga hiện đang tăng cường sản xuất bom lượn, đồng thời nâng cấp bom FAB-500 nặng 500 kg và bom FAB-1500 nặng 1500 kg. Đầu tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã đến thăm một nhà máy ở vùng Nizhny Novgorod để kiểm tra dây chuyền sản xuất. Bộ Quốc phòng Nga cho biết nhà máy đã “gia tăng sản lượng bom dẫn đường trên không FAB-500 lên nhiều lần và tăng gấp đôi sản lượng bom FAB-1500”. Ngoài ra, Nga cũng bắt đầu "sản xuất hàng loạt bom FAB-3000", nặng 3.000 kg, có thể gắn mô đun cánh lái và hệ thống dẫn đường.
Từ khóa: Ukraine, Nga, Ukraine, xung đột Nga Ukraine, bom lượn dẫn đường, Nga tấn công Ukraine, giao tranh Nga Ukraine, tên lửa hành trình, hệ thống phòng không
Thể loại: An ninh - Quốc phòng
Tác giả: hồng anh/vov.vn (tổng hợp)
Nguồn tin: VOVVN