Vụ học sinh lớp 8 bị đánh chết não: Mâu thuẫn nhỏ thành bi kịch lớn
Cập nhật: 30/03/2024
Theo Luật Trật tự ATGT mới, đến đoạn rẽ phải bật xi nhan trước bao nhiêu mét?
Khởi tố 13 bị can liên quan đến vụ đốt pháo hoa trên Quốc lộ 1
VOV.VN - Và vì thế rất dễ đẩy từ mâu thuẫn nhỏ thành bi kịch lớn. Các vụ việc này, lần nữa nhắc nhở chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn trong công tác giáo dục trẻ em về nhân cách, thái độ sống chứ không chỉ dừng lại ở việc chú trọng con học giỏi.
Những ngày qua, cộng đồng xã hội lo lắng, bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với nam sinh lớp 8 tại phường Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa nam sinh lớp 8 và một cậu bé học lớp 6 trên sân bóng rổ mà cậu bé lớp 8 này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng.
Thời gian gần đây, chuyện bạo lực học đường không phải là điều hiếm gặp. Trước đó, ngày 26/9/2023 do mâu thuẫn cá nhân một học sinh lớp 8 trường THCS ở huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã dùng dao đâm một học sinh gây trọng thương.
Ngày 23/11/2023 công an phường Hiệp Bình Chánh, TP. Thủ Đức, TP. HCM thông báo cơ quan này đã tiếp nhận trình báo của nữ sinh N.L.T.H học sinh lớp 12 trường THPT Sài Gòn, quận Bình Thạnh, TP.HCM về việc nữ sinh này bị phụ huynh đánh hội đồng gây thương tích.
Theo trình báo, trong quá trình học trên lớp, nữ sinh nói trên đã xảy ra mâu thuẫn với bạn cùng lớp, dẫn đến bị gia đình bạn hành hung.
Mới đây, ngày 19/3 trường THCS Lê Quý Đôn, huyện Ma Yang, tỉnh Gia Lai đã có báo cáo gửi phòng Giáo dục và Đào tạo huyện về việc một nữ sinh lớp 9 bị đánh hội đồng do mâu thuẫn trên mạng xã hội. Trong video, nhóm học sinh đã kéo tóc, lột áo khoác và dùng chân đạp vào đầu nạn nhân. Đáng chú ý, có rất nhiều học sinh đứng đó nhưng không ai căn ngăn, còn có hành động cổ vũ các bạn đánh bạn học,…
Qua quan sát nhiều vụ việc, TS Vũ Việt Anh – Tổng giám đốc Học viện Thành Công cho rằng, đây là một chuyện hết sức đáng tiếc, đang được xảy ra ở lứa tuổi dậy thì. Ở lứa tuổi này, các bạn thường không kiểm soát được cảm xúc của mình một cách rõ ràng. Và vì thế rất dễ đẩy từ mâu thuẫn nhỏ thành bi kịch lớn. Các vụ việc này, lần nữa nhắc nhở chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn trong công tác giáo dục trẻ em về nhân cách, thái độ sống chứ không chỉ dừng lại ở việc chú trọng con học giỏi.
Trả lời câu hỏi, vì sao nhiều bạn học sinh dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn như vậy? TS Vũ Việt Anh khẳng định, ở đây có một hiệu ứng tâm lý mà người ta thường gọi là “hiệu ứng học lại từ xã hội”.
Cụ thể, trẻ con có một cơ chế học rất hay, đó là “nhìn thấy cái gì, nó sẽ bắt chước và làm theo”.
Vì thế, ngày hôm nay, khi các bạn trẻ chứng kiến quá nhiều các hành vi bạo lực ngoài xã hội, cộng đồng thì các bạn vô thức coi cách thức “dùng bạo lực để giải quyết vấn đề” là chuẩn mực.
Theo TS Vũ Việt Anh, qua tìm hiểu, 71% trẻ em bạo lực tuổi vị thành niên thì thấy có 3 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này.
Đầu tiên do giáo dục gia đình. Đa phần tất cả các em tội phạm vị thành niên, đều bị đối xử hà khắc trong gia đình, như ông bà, bố mẹ,… những người này luôn dùng biện pháp bạo lực hành hạ con.
“Các cụ đã nói một câu rất hay là “Giỏ nhà ai, quai nhà nấy”, để thấy được rằng, trong gia đình đã có hành xử, hành vi sử dụng bạo lực đối với con cái, đối với các thành viên trong gia đình. Do vậy, hệ lụy từ vụ việc đó nó đã thể hiện hành vi của các con”- TS Vũ Việt Anh nói
Yếu tố thứ 2, theo TS Anh, các bạn trẻ dành nhiều thời gian giao du kẻ xấu, không quan tâm đến việc học hành và rèn luyện bản thân. Từ đó, dẫn đến việc bắt chước hành vi trong game, trong phim ảnh bạo lực.
Yếu tố thứ 3, không thể không nhắc tới là ảnh hưởng từ nhà trường. Những năm qua, chúng ta đang tập trung quá nhiều vào việc đẩy điểm số của học sinh, phong trào về thành tích mà quên đi mất việc giáo dục về đạo đức. Vì vậy, ngày nay, đạo đức đang có dấu hiệu xuống cấp rất lớn từ thế hệ trẻ.
Trong vụ việc bạn học sinh bị đánh chết não, TS Anh cho rằng, hành vi người bố đưa con trở lại hiện trường mà không đứng ra giải quyết thay cho con, để các cháu chưa có đầy đủ hành vi trước pháp luật tự giải quyết với nhau. Hành động này, là điều hết sức đáng trách đối với một phụ huynh.
Theo ông Anh, khi người thân cổ súy cho hành vi bạo lực thì khó tránh những đứa trẻ có hành vi bạo lực.
“Chúng ta biết là, “gieo cái gì, thì gặt cái đó”. Và trong tâm lý học, người ta có một nghiên cứu rất hay, đó là nhiều khi không di truyền điều tốt lành, mà toàn di truyền những điều xấu. Các cụ có câu nói “Rau nào sâu nấy, cho thấy rằng, tất cả hành vi của người lớn rất dễ tác động tâm trí của trẻ con. Trong tâm trí của trẻ con, bố mẹ luôn đúng đắn vì thế nó luôn chấp nhận tất cả những hành vi mà người lớn hành xử. Vì thế, vô thức sẽ làm theo. Do vậy, vai trò giáo dục trong gia đình rất quan trọng. Người ta nói rằng, đây chính là “ngôi trường đầu đời, nơi hình thành nhân cách cho đứa trẻ”- TS Vũ Việt Anh nói thêm.
Cùng với đó, theo Tiến sỹ Anh, khi trẻ em làm tổn thương một người khác, cũng chính là biểu hiện tổn thương của chúng ở bên trong. Chính các bạn nhỏ này đã từng bị các hành vi bạo lực như vậy lên cơ thể. Từ đó, chúng lại tìm cách chuyển dịch nỗi đau đó sang những người xung quanh. Đặc biệt, trong việc quản lý thông tin hiện nay đang quá dễ dãi để cho trẻ em tiếp cận những thông tin độc hại.
“Ngay từ bé, phụ huynh dễ dàng vất cho con điện thoại, máy tính mà không hề kiểm soát nội dung bên trong đó. Cùng với đó, phong cách sống “giang hồ mạng” thời gian qua được cổ súy. Tất cả điều đó, thời gian qua trẻ em vô hình chung là nạn nhân của những xâm hại qua mạng. Và đây là xâm hại về tinh thần, khi trẻ em đã có nỗi đau, sự xâm hại đó chúng tìm cách trút lên người khác”- TS Anh thông tin.
Hiện nay, các tổ chức quốc tế cũng có khuyến cáo rất nhiều đối với thanh thiếu niên. Người ta có nói là thế kỷ 21 là thế kỷ dựa vào kỹ năng, một trong những kỹ năng quan trọng nhất mà người ta đề xuất đến là “kỹ năng làm chủ bản thân”.
Trong câu chuyện làm chủ bản thân, thì làm chủ cảm xúc, làm chủ hành vi là điều rất quan trọng. Yếu tố thứ hai là làm chủ các mối quan hệ, cần phải học các kỹ năng về giao tiếp và xử lý khủng hoảng.
Ở đây, cá nhân TS Anh đề xuất, không được xem nhẹ việc đưa các kỹ năng về quản lý bản thân, quản lý cảm xúc vào trong trường học. Điều này cần trở thành tiết học bắt buộc để bản thân học sinh, thầy cô giáo nhận thức rõ ràng về trách nhiệm, thái độ của mình đối với tác động của bên ngoài cộng đồng. Và trong câu chuyện này không thể nào chỉ cần đẩy trách nhiệm sang nhà trường, mà rất cần trách nhiệm của gia đình.
Các cụ ngày xưa có nói “quốc có quốc pháp, gia có gia quy”, nếu chúng ta không có quy định, giáo dục trong gia đình dẫn tới trẻ em ra ngoài không tuân thủ quy định của pháp luật.
Cùng với đó, theo TS Anh, không thể không nhắc tới vai trò của truyền thông, xã hội. Chúng ta cần phải có nhiều chương trình hơn nữa cho thanh thiếu niên, cần có nhiều diễn đàn, có nhiều chuyên gia giải đáp, tư vấn, xây dựng tình huống cụ thể để có thể hướng dẫn cho trẻ em. Cuối cùng, nhà trường phải lồng ghép tuyên truyền các quy định của pháp luật vào hoạt động của nhà trường cũng như môn học để trẻ en hiểu rõ hơn mà không vi phạm, đánh mất tương lai của mình.
Từ khóa: nam sinh, nam sinh lớp 8, học sinh lớp 8, bạo lực học đường, chết não, mâu thuẫn chơi bóng rổ, Hà Nội
Thể loại: Giáo dục
Tác giả: pv/vov1
Nguồn tin: VOVVN