Vụ Đông Xuân 2019-2020 đạt năng suất cao kỷ lục
Cập nhật: 25/03/2020
VOV.VN - Khi người dân nhận thức đầy đủ về tác động của hạn mặn tới sản xuất, đã góp phần đem lại kết quả thành công này.
Đến thời điểm này, vụ Đông Xuân 2019-2020 ở khu vực ĐBSCL đã thu hoạch hơn 1 triệu ha trong tổng số 1,54 triệu ha gieo trồng, với năng suất bình quân là 70,2 tạ/ha. Mặc dù sản xuất trong điều kiện không thuận lợi của thời tiết là khó khăn về hạn mặn nhưng đây là vụ có sản lượng cao kỷ lục, khoảng 7,3 triệu tấn lương thực, cao hơn so với vụ Đông Xuân năm ngoái.
Việc áp dụng đồng bộ các giải pháp "cứng" kết hợp với giải pháp "mềm" đã đem lại kết quả tốt, thể hiện rõ qua việc lúa được mùa lớn. Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT về vấn đề này.
PV: Thưa ông, những yếu tố nào đã góp phần đem lại kết quả vụ Đông Xuân được mùa như năm nay?
Ông Nguyễn Như Cường:Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc phòng chống, ứng phó với hạn mặn của năm 2015-2016. Từ những bài học kinh nghiệm đó, cộng với việc các cơ quan chuyên môn của Bộ NN&PTNT đã có những dự báo sớm và chính xác về tình hình và khả năng hạn mặn ở ĐBSCL.
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT. |
Để có cơ sở cho việc xây dựng các phương án đối phó với tình hình hạn mặn sát với thực tế, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với một số đơn vị như: Tổng cục Thuỷ lợi, Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam, Cục Bảo vệ thực vật đi khảo sát, đánh giá từng địa phương, xác định nguồn nước, các nguồn nước dự trữ, điều kiện về diện tích canh tác để xây dựng phương án sản xuất.
Đến thời điểm này có thể nói, vụ Đông Xuân đã thắng lợi. Nhờ sự chỉ đạo sát sao của các cơ quan chuyên môn của Bộ, lãnh đạo Bộ, đặc biệt là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, cùng với công tác tuyên truyền của các phương tiện thông tin đại chúng, bản thân người dân đã nhận thức được mức độ nguy hiểm thì tác động tiêu cực của hạn mặn đến sản xuất và đời sống.
Do đó phải khẳng định rằng, để thực hiện được phải có phương án, kế hoạch tốt nhưng chúng ta không thể làm thay nông dân được mà người dân nhận thức đầy đủ về tác động của hạn mặn tới sản xuất, đời sống qua đó trực tiếp làm. Những yếu tố này đã góp phần đem lại kết quả thành công này.
PV: Ông có thể làm rõ hơn những giải pháp cụ thể mà chúng ta đã triển khai thời gian qua, thưa ông?
Ông Nguyễn Như Cường:Chúng ta đã chủ động tiến hành gieo sạ ở ĐBSCL sớm từ 10 - 30 ngày, tuỳ theo từng vùng cũng như điều kiện nguồn nước và các điều kiện đất đai canh tác. Những diện tích nào xác định chắc chắn bị hạn mặn thì đã yêu cầu các địa phương cương quyết cắt vụ không gieo trồng nữa hoặc chuyển đổi sang cây trồng khác.
Kết quả là đã chuyển đổi được 50.000 ha diện tích có nguy cơ cao về hạn mặn chuyển đổi sang cây trồng ngắn ngày, nuôi trồng thuỷ sản và trồng cây ăn quả. Giải pháp trồng lúa đuổi theo mùa mưa căn cứ vào tình hình và bài học kinh nghiệm phòng chống hạn mặn năm 2015-2016 cũng như dự báo nguồn nước từ phía thượng nguồn, lượng mưa, nguồn nước tại chỗ.
Vụ Đông Xuân ở ĐBSCL gieo cấy được 1,54 triệu ha. Đến thời điểm này đã thu hoạch được trên 1 triệu ha, năng suất bình quân là 70,2 tạ/ha, có thể nói là cao kỷ lục, được đánh giá cao hơn năm 2018 - là năm kỷ lục, với sản lượng ước tính khoảng 7,3 triệu tấn lương thực.
PV: Theo ông, thời gian tới chúng ta cần chú trọng các giải pháp nào để chủ động thích ứng với hạn mặn và linh hoạt trong sản xuất?
Ông Nguyễn Như Cường:Có thể nói rằng, khi bắt đầu thu hoạch khoảng 65% diện tích vụ Đông Xuân, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với Tổng cục Thuỷ lợi và các cơ quan liên quan để đánh giá toàn bộ lại các diện tích, điều kiện nguồn nước của vùng ĐBSCL, từ đó chủ động bố trí thời vụ cho vụ Hè Thu sớm.
Chúng tôi xác định rằng, vụ Hè Thu sớm chúng ta sẽ gieo trồng sớm hơn. Ở những vùng thượng, vùng trung có thể gieo trồng sớm, tại những vùng ven biển sẽ căn cứ vào điều kiện thực tế, điều kiện nguồn nước để có những điều chỉnh vụ Hè Thu 2020. Với phương án bố trí gieo trồng sớm hơn và khi chủ động được sản xuất vụ Hè Thu, sẽ sớm chủ động xây dựng được kế hoạch sản xuất vụ Thu Đông.
Trên cơ sở các đánh giá, khảo sát sát với tình hình thực tế cộng với những dự báo sớm, chính xác về tình hình nguồn nước, hạn mặn với điều kiện bất thường của thời tiết ảnh hưởng tới sản xuất trồng trọt, Cục Trồng trọt đã chủ động xây dựng các phương án trồng trọt không phải đối với 1 vụ, mà còn xây dựng phương án sản xuất trong tổng thể 1 năm và có tính chất đảm bảo liên hoàn thống nhất, đảm bảo hiệu quả cao nhất.
PV: Vâng xin cảm ơn ông./.!
Lúa vụ Đông xuân vẫn được mùa, được giá bất chấp hạn mặn
Từ khóa: lúa gạo, thu hoạch, vụ đông xuân, đbscl, hạn mặn
Thể loại: Kinh tế
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN