Vụ cô gái Dao 11 năm bị bán sang Trung Quốc: Đủ căn cứ xử lý hình sự
Cập nhật: 25/09/2019
Triệt xóa nhóm thiếu niên gây ra nhiều vụ cướp giật và trộm cắp tài sản
Bắt quả tang nhiều người dùng muỗng cà phê làm vật quy đổi khi đánh bạc
VOV.VN - Những thông tin mà VOV phản ánh trong vụ cô gái Dao 11 năm bị bán sang Trung Quốc là đủ để xử lý các đối tượng có liên quan về tội buôn bán người.
Vừa qua, VOV.VN đã đăng loạt bài phản ánh vụ buôn bán người ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Loạt bài đã thu hút sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến người dânbày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng ở địa phương cần nhanh chóng vào cuộc làm rõ dấu hiệu phạm tội của nhóm đối tượng.
Luật sư Nguyễn Trọng Hải. |
Phóng viên VOV đã phỏng vấn Luật sư Nguyễn Trọng Hải, Trưởng Văn phòng Luật sư Trọng Hải và cộng sự, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An, địa phương đã từng xảy ra nhiều vụ buôn bán người ra nước ngoài về vụ việc này.
Phóng viên: Với những thông tin VOV đã phản ánh, luật sư đánh giá như thế nào về dấu hiệu phạm tội của vụ việc mua bán người ra nước ngoài tại địa bàn huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu?
Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Vớinhững thông tin mà VOV đã cung cấp và phản ánh thì những hành vi của các đối tượng liên quan có thể nói là có đủ căn cứ, có dấu hiệu của tội mua bán người. Bởi để xử lý một hành vi phạm tội, xử lý hình sự dựa trên một yếu tố quan trọng nhất đó là về mặt chứng cứ.
Ở đây có đủ các yếu tố quan trọng như là lời khai nhận tội của nghi can; thứ hai là có tố cáo và có cung cấp về chứng cứ của người bị hại và đặc biệt là cơ quan điều tra cũng đã thu thập được những chứng cứ tài liệu.
Như vậy, có thể khẳng định, có đủ căn cứ để xử lý các đối tượng liên quan về tội mua bán người theo quy định tại điều 119 Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi năm 2009 và điều 120 năm 2015. Tuy nhiên, thời điểm phạm tội thì đã xảy ra cách đây hơn 10 năm và có thể xử lý các đối tượng liên quan về hành vi này theo Bộ Luật Hình sự năm 2009 về tội mua bán người.
Bà Lai B- một trong 2 đối tượng lừa bán Chẻo Mý Hin. |
Phóng viên: Đây là vụ việc diễn ra nhiều năm và có yếu tố nước ngoài. Điều này gây khó khăn gì cho cơ quan chức năng điều tra, làm rõ?
Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Việc phát hiện xử lý đối với một hành vi phạm tội nó xảy ra trong một thời gian nhất định theo quy định của pháp luật. Đối với vụ việc diễn ra ở nước ngoài, quá trình điều tra nhiều năm cũng là một khó khăn cản trở rất lớn cho cơ quan điều tra. Đặc biệt là việc thu thập, xác minh đối tượng, hành vi ở nước ngoài.
Khó khăn thứ nhất là việc tiếp cận các đối tượng. Thứ 2 là thu thập tài liệu chứng cứ. Thứ 3 là mở rộng điều tra để xử lý đúng người, đúng tội đối với các đối tượng liên quan. Vụ việc này xảy rađã nhiều năm và diễn ra ở nước ngoài cho nên việc điều tra của cơ quan điều tra có thẩm quyền chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn vì liên quan đến đến yếu tố nước ngoài. Trước mắt nếu đủ căn cứ thì có thể bắt đối tượng bị tố cáo để xử lý, còn đối tượng còn lại ta có thể tách vụ án khác.
Phóng viên: Với những người bị hại thì cần tiếp tục làm gì để giúp các cơ quan chức năng, đưa vụ việc ra pháp luật?
Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Vụ việc đã kéo dài hơn 10 năm với sự quan tâm của dư luận, của các cơ quan, nhưng vẫn chưa thể khởi tố đúng đối với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. Sự chậm trễ này một phần nào đó có phần chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng của địa phương.
Để vụ việc được xử lý, để bảo vệ quyền lợi của mình, những người bị hại cần cung cấp tài liệu, chứng cứ tiếp theo; Hợp tác với cơ quan điều tra tại địa phương và yêu cầu cơ quan tiến hành tố tụng tích cực điều tra, thu thập củng cố chứng cứ và nhanh chóng ra các quyết định tố tụng như là khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Nếu để chậm trễ thêm nhiều năm sẽ thêm nhiều khó khăn trong quá trình xử lý.
Tẩn A Thiên, con trai bà Lai B. |
Phóng viên: Công tác hoàn thiện pháp luật và những chế tài hiện nay đã đủ mạnh để răn đe, hạn chế những vụ buôn bán người hay chưa?
Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Trên thực tế thì việc xử lý đối với tội mua bán người và các tội phạm liên quan đưa người ra nước ngoài cũng đã được quy định trong Bộ luật hình sự cũng rất đầy đủ. Tuy nhiên, quá trình điều tra xử lý, xét xử nói về mặt nào đó cũng chưa thực sự quyết liệt.
Có nhiều vụ án như là vụ án chúng ta đang đề cập ở đây, nó diễn ra chậm và làm như vậy thì không có hình thức răn đe, giáo dục, phòng ngừa và trừng trị đối với hành vi phạm tội.
Theo tôi thì trong các lần sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự tiếp theo hoặc trong các văn bản cần phải điều chỉnh về mặt thực tiễn, khắc phục những hạn chế trong Bộ luật hình sự để làm cơ sở cho các cơ quan tiến hành tố tụng xử lý thật nghiêm, thật khách quan, thật nhanh chóng và kịp thời nghiêm khắc đối với tội mua bán người và các tội liên quan.
Phóng viên: Qua vụ việc này, cần nâng cao nhận thức pháp luật cho bà con như thế nào để tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra?
Luật sư Nguyễn Trọng Hải: Theo quan điểm của tôi vẫn phải tiếp tục tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Tăng cường tuyên truyền bằng những biện pháp cụ thể hơn.
Phía người dân cần nâng cao cảnh giác, phân biệt cái thiện cái ác, cái tốt cái xấu. Khi nghi ngờ hành vi mua bán đưa mình ra nước ngoài thì có thể báo cho người thân và các cơ quan có thẩm quyền để xử lý và ngăn chặn.
Một điều khác cũng rất quan trọng chính là cần phải có một thái độ dứt khoát từ phía người bị hại, khi xảy ra vụ việc cần tìm cách tố cáo thật quyết liệt để giúp các cơ quan có thẩm quyền để mà xử lý.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông./.
Từ khóa: cô gái Dao bị bán sang Trung Quốc, buôn bán người, xử lý hình sự, buôn bán phụ nữ,
Thể loại: Giáo dục
Tác giả:
Nguồn tin: VOVVN